Hóa thành công cốc

ANTĐ - Gương mặt buồn rười rượi, anh Hoàng Ngọc Lường, xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nói về giá lợn, gia cầm đang xuống dốc.

- Chăn nuôi dạo này ra sao mà mặt mũi anh ủ ê vậy?

- Nếu giá không giữ được mà cứ đà xuống nữa thì tôi chỉ còn nước phá sản. Hơn 6.000 con gà, 300 con lợn sắp đến kỳ xuất chuồng mà giá ngày càng èo uột. Giá lợn hơi hiện chỉ còn 52.000 đồng/kg, so với đợt cao điểm vừa rồi đã mất đi 20 giá. Không làm sao có thể bù đắp nổi.

- Mức giá 50.000-52.000 đồng/kg lợn hơi theo tính toán là hòa vốn đấy chứ?

- Đấy chỉ là hòa chi phí đầu vào như giá lợn giống, thức ăn, điện nước, thuốc men. Còn công cán mấy tháng nay thì coi như công cốc. Đợt vừa rồi, được khuyến khích tái đàn, được khoanh nợ, giãn nợ, tôi mạnh dạn nhập 300 con. Giá lợn giống lúc đó đắt như… “vàng”, chi phí đầu vào cũng cao, trong khi, giá lợn xuất ra lại giảm thê thảm. Không ai có thể ngờ được.

- Thì các cơ quan chức năng phải biết tính toán để ra khuyến cáo cho nông dân chứ?

- Chẳng thấy ai khuyến cáo rằng nên tái đàn bao nhiêu thì đủ. Nông dân cứ mạnh ai lấy làm, tự mình bơi thôi, được ăn lỗ chịu.

- Thì lúc giá cao đã được lời đến 2-3 triệu đồng/con lợn, nay giá xuống anh cũng phải chia sẻ chứ?

- Nếu được như vậy tôi đã không kêu ca, than vãn. Đợt sốt giá lợn vừa qua, chuồng nhà tôi sạch bóng, làm gì có lợn mà xuất. Dịch lợn tai xanh triền miên, lại rét mướt kéo dài, trong khi, thức ăn chăn nuôi, nhân công, điện đóm tăng, sao dám nhập chuồng. Cũng bởi vậy mới thiếu nguồn cung dẫn đến đợt sốt vừa qua.

- Nông dân mình vẫn canh tác theo thói quen nhiều hơn?

- Sinh ra đã là nông dân, lớn lên làm nông dân, cả đời chỉ biết đến cày cấy, rồi chăn lợn, nuôi gà. Sao có thể tính toán hay hoạch định được làm bao nhiêu là đủ, làm cái gì phù hợp với thị trường, cho nên đừng đổ lỗi cho nông dân.