Hóa giải những bất lợi

(ANTĐ) - Có thể ví kinh tế thế giới như người bệnh nặng đã được xuất viện nhưng sự hồi phục còn rất mong manh. Bệnh có thể trở lại bất cứ lúc nào. Trời chỉ lạnh giá ở châu Âu, Mỹ là kinh tế vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, “nhức đầu sổ mũi” ngay. Đó là nhận xét của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển của Liên hợp quốc trong “Báo cáo 2010 về kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển toàn cầu”.

Hóa giải những bất lợi

(ANTĐ) - Có thể ví kinh tế thế giới như người bệnh nặng đã được xuất viện nhưng sự hồi phục còn rất mong manh. Bệnh có thể trở lại bất cứ lúc nào. Trời chỉ lạnh giá ở châu Âu, Mỹ là kinh tế vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, “nhức đầu sổ mũi” ngay. Đó là nhận xét của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển của Liên hợp quốc trong “Báo cáo 2010 về kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển toàn cầu”.

Dưới góc độ thị trường lao động, vị giám đốc trung tâm nhìn nhận tình trạng khủng hoảng lao động ở khu vực và đặc biệt là Việt Nam phụ thuộc quá nhiều công nghiệp gia công xuất khẩu. Cuộc khủng hoảng toàn cầu vừa qua làm suy sụp một cách nghiêm trọng thị trường lao động ở hầu hết các nước. Vì vậy, quan chức của Liên hợp quốc khuyến cáo, muốn kinh tế-xã hội phát triển bền vững, trong chiến lược của mình Việt Nam phải ưu tiên chính sách tạo công ăn việc làm. Cần xem xét lại mô hình tăng trưởng ít phụ thuộc vào xuất khẩu, thúc đẩy nhu cầu nội địa bằng đầu tư nguồn vốn cố định, đẩy mạnh công nghệ mới và tăng năng suất.

Mục tiêu đặt ra là phải tăng hàng hoá tiêu dùng nội địa, tức là cần tạo ra những công việc thích hợp để đáp ứng nhu cầu này. Vì vậy, tạo công ăn việc làm cần phải được đặt lên vị trí hàng đầu trong chính sách kinh tế quốc gia. Trong các nước châu Á, Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi chính sách của họ và đã giảm tới 19% sự phụ thuộc vào xuất khẩu, thay vào đó là tăng nhu cầu trong nước, cán cân thương mại, xuất nhập khẩu đã cân bằng hơn. Tạo thêm công ăn việc làm nhưng vấn đề không phải chỉ là có bao nhiêu người lao động có thêm việc làm mới ổn định mà quan trọng hơn là công sức của họ phải được trả đúng. “Theo tôi, lương thấp, phí nhân công rẻ là sự… tự  tử chậm”, giám đốc trung tâm của Liên hợp quốc nhận định, đồng thời thẳng thắn chỉ rõ, vai trò của Nhà nước có tính chất quyết định tạo ra khung pháp lý và môi trường cho thị trường lao động phát triển. Thị trường nguồn nhân lực Việt Nam đang tồn tại hai khuyết điểm lớn. Một là giáo dục dạy nghề hiện yếu kém, không “ăn nhập” với nhu cầu thị trường và thiếu tầm nhìn dài hạn.

Hai là, thiếu sự quan tâm đúng mức đến thị trường nông nghiệp và nông thôn, nơi lực lượng lao động dồi dào, dư thừa nhưng lại rất thiếu kỹ thuật, tay nghề cũng như thiếu vốn vay lãi suất thấp để tạo ra việc làm ổn định, không chỉ để thoát nghèo. Các nước đang phát triẻn như Việt Nam thường quá quan tâm tới công nghiệp mà dường như “bỏ quên” nông nghiệp, đến khi ngoảnh lại thì đã muộn. Tuy “bước chân” nông nghiệp và công nghiệp của nước ta cũng khá “khập khiễng”, song vẫn có thể “chỉnh hình” được. Định hướng phát triển chính sách “tam nông” của Việt Nam vạch ra theo đúng đường hướng của các nước phát triển là đầu tư vào nông nghiệp chất lượng cao: kỹ thuật, năng suất, chế biến tăng giá trị cao trước khi xuất khẩu. Từng bước hạn chế, tiến tới dừng xuất khẩu thô dưới mọi hình thức, đẩy mạnh chế biến tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa thu được nhiều ngoại tệ, vừa tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao đời sống người lao động.

Vẫn chưa quá muộn để xoay chuyển tình thế, biến những bất lợi thành thuận lợi.

Đan Thanh