"Hố tử thần" tại Hà Đông: Vẫn “tranh cãi” và đổ lỗi trách nhiệm

ANTĐ - Dù đã có trọng tài là Sở GTVT, nhưng tại cuộc họp bàn phương án khắc phục truy tìm nguyên nhân diễn ra sáng qua 20-8, hai doanh nghiệp liên quan đến việc sạt lở đường trục phát triển phía Bắc quận Hà Đông vẫn “tranh cãi” và đổ lỗi trách nhiệm.

Đường Bắc Hà Đông bị gãy đôi nhưng vẫn chưa rõ nguyên nhân

Liên quan đến sự cố sạt lở đường Bắc Hà Đông, sáng qua 20-8, Sở GTVT đã triệu tập cuộc họp gồm nhiều đơn vị chức năng để bàn hướng khắc phục. Theo đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, rất may, sạt lở xảy ra vào ngày nghỉ, vào lúc mưa bão nên không gây thiệt hại về người và tài sản. Để nhanh chóng có câu trả lời, ông Hùng yêu cầu, các đơn vị như Sở GTVT, Sở Xây dựng, chủ đầu tư, đơn vị có công trình thi công cạnh tuyến đường chia làm 2 tổ. “Một tổ phụ trách khắc phục sự cố tại hiện trường, một tổ tìm nguyên nhân để xác định trách nhiệm. Đồng thời, rút ra bài học kinh nghiệm nếu có tình huống tương tự xảy ra trên địa bàn sau này”, ông Hùng nói. Ông Hùng yêu cầu, sáng 22-8 phải đưa ra được phương án khắc phục sự cố. 

Tuy nhiên, tại cuộc họp sáng qua, hai đơn vị gồm công ty CP Tập đoàn Nam Cường (Chủ đầu tư dự án đường Bắc Hà Đông) và Công ty CP Sông Đà - Thăng Long (đơn vị có công trình thi công ngay cạnh đoạn đường sạt lở) vẫn “tố” nhau xung quanh nguyên nhân dẫn đến sạt lở đường. Ông Trần Oanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường cho biết, tuyến đường trên có chiều dài 8,1km, khởi công ngày 20-1-2008, thông xe ngày 20-1-2009. Hơn nữa, ngày 18-2-2011, Sở GTVT đã có quyết định tạm thời tiếp nhận tuyến đường này, và giao cho Ban QLDA 2 quản lý. Tuyến đường cũng đã có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng, đã đưa vào sử dụng gần 3 năm nay. “Mưa bão cộng với việc thi công 3 tầng hầm sâu  (công trình của  Công ty CP Sông Đà - Thăng Long) đã khiến đoạn đường sạt lở. Chúng tôi đã làm đúng các quy định của pháp luật. Không có tác động bên ngoài thì chắc chắn tuyến đường không bị phá vỡ như hiện nay”, ông Oanh khẳng định.

Song, trước quan điểm của chủ đầu tư, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Sông Đà - Thăng Long phản đối: “Kết luận do công trình của Sông Đà - Thăng Long dẫn đến sạt lở là chưa có cơ sở. Tôi không đồng ý với ý kiến này. Hiện, công trình của chúng tôi vẫn đang thi công, hàng cừ vẫn còn nguyên chưa rút bỏ”. Sông Đà - Thăng Long nhận tạm thời khắc phục sự cố không có nghĩa là chúng tôi nhận lỗi do mình gây ra”. Ông Dũng đưa ra dẫn chứng, vào thời điểm trước khi xảy ra sạt lở, người dân khu vực xung quanh đã thấy, “nước phụt lên từ giữa mặt đường”. Điều này cho thấy, hệ thống cống ngầm đã bị hư hỏng. “Đến thời điểm này chưa thể kết luận nguyên nhân tại đâu. Tôi không đổ lỗi cho chất lượng đường thì anh (ông Oanh - Tập đoàn Nam Cường) cũng không thể đổ lỗi tại công trình thi công của tôi. Tai nạn là do thiên tai”, ông Dũng nói. 

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó trưởng phòng Giám định chất lượng, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, các bên liên quan cần mời một đơn vị tư vấn kiểm định độc lập để kiểm tra chất lượng công trình cũng như có hay không sự tác động của yếu tố bên ngoài dẫn đến hư hỏng công trình. “Căn cứ vào kết luận của đơn vị kiểm định, có thể, cơ quan chức năng sẽ trưng cầu thêm ý kiến của tổ tư vấn thuộc Bộ Xây dựng, Bộ GTVT để đưa đến kết luận cuối cùng xem trách nhiệm thuộc về bên nào. Còn, nếu cứ kéo dài thêm sẽ dẫn đến tranh chấp về mặt chất lượng công trình”, ông Huy cho biết. Cũng theo ông Huy, hiện tại, hai hệ thống cống nối chạy ra hồ điều hòa đã bị phá hủy. Nước đã tràn vào hầm, móng công trình của Sông Đà - Thăng Long. Đường vẫn tiếp tục sạt lở, nước vẫn dồn về. “Có thể do nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sạt lở tuyến đường trên, nhưng, kết luận cuối cùng phải chờ cơ quan kiểm định”, ông Huy nói. 

Hiện tại, Sở GTVT đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, ngành liên quan phân luồng, hướng dẫn cho các phương tiện không qua lại trên tuyến đường bị sạt lở trên.

Khu vực sụt lún xảy ra trên tuyến đường trước công trường U- Silk City, đối diện khu đô thị mới Dương Nội, thuộc dự án đường trục phát triển phía Bắc, quận Hà Đông (đoạn tiếp nối đường Lê Văn Lương kéo dài) do Công ty CP Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư. Còn tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài có chiều dài 2,67km bắt đầu từ đường Khuất Duy Tiến đến đường 70, do Liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội và Công ty CP đầu tư xây dựng đô thị (đơn vị thành viên của Tập đoàn Nam Cường) thực hiện.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo: Khẩn trương khắc phục hậu quả vụ sạt đường

Chiều qua, 20-8, về sự cố sạt đường khu vực phía Bắc quận Hà Đông (đường Lê Văn Lương kéo dài), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các đơn vị tiếp tục kiểm tra, tích cực khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các phương tiện lưu thông trong khu vực. Từ sự cố trên, Chủ tịch UBND TP yêu cầu, các cơ quan chuyên môn phải có các quy định về quản lý các công trình đang thi công, phải đặt nhiệm vụ phòng chống lụt bão lên hàng đầu, chủ động các biện pháp, phòng tránh, ứng phó, không để thụ động, bất ngờ.

Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo Sở Xây dựng xử lý các điểm còn úng ngập, đồng thời rà soát, đề xuất phân vùng lưu vực thoát nước. Ngoài ra, phải khoanh vùng các điểm úng ngập nặng trong nội thành, bố trí máy bơm cưỡng bức xử lý tại chỗ các điểm thường xuyên úng ngập.