Hình phạt cho đường dây mua bán ngoại tệ giả

(ANTĐ) - Cuối năm 2005, Vũ Chí Công (SN 1980), trú tại Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội biết Đặng Văn Hà (SN 1975) ở cụm 3, Vân Nam, Phúc Thọ, Hà Nội. Quá trình quan hệ với Hà, Công biết Nguyễn Hữu Nguyên (SN 1978), trú tại Kim Thành, Hải Dương là em vợ của Hà và Đỗ Anh Đức (SN 1985), trú tại Xuân Phúc, Phúc Thọ, Hà Nội là bạn của em gái Hà.

Hình phạt cho đường dây mua bán ngoại tệ giả

(ANTĐ) - Cuối năm 2005, Vũ Chí Công (SN 1980), trú tại Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội biết Đặng Văn Hà (SN 1975) ở cụm 3, Vân Nam, Phúc Thọ, Hà Nội. Quá trình quan hệ với Hà, Công biết Nguyễn Hữu Nguyên (SN 1978), trú tại Kim Thành, Hải Dương là em vợ của Hà và Đỗ Anh Đức (SN 1985), trú tại Xuân Phúc, Phúc Thọ, Hà Nội là bạn của em gái Hà.

Công cũng biết và tiếp xúc nhiều lần với Đặng Thị Hằng là chị gái Hà đã lấy chồng người Trung Quốc, hiện đang sinh sống tại Quảng Tây, Trung Quốc.

Ngày 27-2-2007, Hà rủ Đức và Công đi Móng Cái, Quảng Ninh chơi và nghỉ tại nhà nghỉ Phương Vũ tại số 67 Triều Dương, phường Trần Phú từ ngày 28-2 đến 4-3-2007. Trong thời gian ở Móng Cái, cả 3 người đã gặp Hằng từ Trung Quốc sang.

Đến ngày 5-3-2007, Hà, Công, Đức và Nguyên gặp nhau tại một quán nước ở ngã tư Hồng Liên, cắt ngang với đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tại đây, Hà trao đổi với cả nhóm kế hoạch đi Móng Cái, Quảng Ninh nhận tiền đôla Hongkong (HKD) giả của Hằng mang về Hà Nội tiêu thụ. Cả nhóm đồng ý. Từ ngày 6-3-2007 đến ngày 12-3-2007, Đức, Công, Nguyên đã 3 lần đi Móng Cái, Quảng Ninh nhận của Hằng 600.000 HKD giả mang về Hà Nội tiêu thụ trót lọt. Cụ thể:

Sáng 6-3-2007, Đức, Nguyên, Công đến Bến xe Mỹ Đình đi xe khách Móng Cái và gặp Hằng tại Trung tâm thương mại Móng Cái. Hằng đưa cho Nguyên 400.000 HKD giả và nói Hà bị nghiện ma túy nên Nguyên phải quản lý tiền, còn Công và Đức chịu trách nhiệm đi bán tiền giả, số tiền bán được, lợi nhuận sẽ được hưởng 30%.

Sáng 7-3-2007, cả 3 quay về Hà Nội. Khi đến Bến xe Gia Lâm, Hà Nội, Nguyên đưa cho Đức 200.000 HKD mệnh giá 1.000 HKD/tờ. Đức và Công mang số tiền trên vào bán tại cửa hàng vàng bạc Hà Anh ở phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên. Đức trực tiếp giao dịch với anh Nguyễn Tuấn Anh là chủ cửa hàng, còn Công đứng ngoài chờ.

Sau khi thống nhất tỷ giá quy đổi là 2001VNĐ/HKD, anh Tuấn Anh bảo Đức chờ và anh mang số tiền trên bán lại cho cửa hàng vàng bạc Quốc Trinh ở Hà Trung, Hà Nội được 406 triệu đồng rồi quay về trả Đức 402 triệu đồng. Đức cầm tiền cùng Công về ga Hà Nội giao cho Nguyên 400 triệu đồng, giữ lại 2 triệu đồng. Đồng thời, Đức nhận tiếp 200.000 HKD giả do Nguyên đưa để mang đi tiêu thụ.

Số tiền 200.000 HKD giả trên, cửa hàng vàng bạc Quốc Trinh đã bán cho anh Nguyễn Quang Hoàn trú tại phố Hàng Bông, Hà Nội. Anh Hoàn mang số tiền này sang Hongkong - Trung Quốc tiêu thì bị cảnh sát Hongkong phát hiện là tiền giả đã thu giữ toàn bộ.

Sau đó, cảnh sát Hongkong điều tra xác định anh Hoàn là người bị hại nên không xử lý. Khi về Việt Nam, anh Hoàn đã được cửa hàng vàng bạc Quốc Trinh bồi thường 200 triệu đồng, đến nay anh không có yêu cầu gì thêm.

Cùng ngày 7-3-2007, Đức và Công tiếp tục mang 200.000 HKD giả đến cửa hàng vàng bạc Thủy Tiên ở phố Khâm Thiên, Hà Nội bán. Chị Tâm là chủ cửa hàng đã điện thoại cho chị Hạnh, chủ cửa hàng vàng bạc Trúc Linh ở phố Sơn Tây, Hà Nội thông báo có khách bán HKD.

Chị Hạnh đồng ý mua với giá 2002,8 VNĐ/HKD và cử anh Trần Quang Thịnh đến cửa hàng Thủy Tiên nhận 200.000 HKD, giao cho chị Tâm 405,6 triệu đồng. Chị Tâm đã giao cho Đức số tiền trên, sau đó Đức đưa cho Công 400 triệu đồng để Công giao lại cho Nguyên.

Cũng cùng ngày 7-3, cửa hàng Trúc Linh bán cho Techcombank Việt Nam 200.000 HKD này được 406 triệu đồng. Đến ngày 14-3-2007, Ngân hàng Techcombank xuất 100.000 HKD trả cho Ngân hàng HSBC Singapore thì bị HSBC phát hiện là tiền giả và bị thu giữ.

Số còn lại Techcombank đã niêm phong. Qua kiểm tra kho quỹ còn tồn lại ngân hàng có 129 tờ mệnh giá 1.000 HKD/tờ. Ngân hàng Techcombank đã niêm phong, cơ quan điều tra thu giữ để gửi giám định. Kết quả giám định có 99 tờ là tiền giả (bao gồm cả 5 tờ ngân hàng gửi giám định trước đó), 30 tờ là tiền thật.

Thấy ngon ăn, khoảng 2-3 ngày sau, Công, Đức và Nguyên lại đi Móng Cái để nhận tiếp 200.000 HKD và mang về Hà Nội vẫn tiêu thụ trót lọt. Còn ngày           14-3-2007, chúng lại đi Móng Cái nhưng không lấy được tiền.

Ngày 15-3-2007, Hà, Công, Đức và Nguyên hẹn nhau tại nhà Công để chia tiền. Hà thông báo toàn bộ số tiền thu được do bán HKD giả được 1,2 tỷ đồng, cả nhóm được hưởng 360 triệu đồng, trừ đi các chi phí còn 265 triệu đồng, chia làm 5 phần (cả phần của Hằng), mỗi người được hưởng 53 triệu đồng.

Hà trực tiếp chia tiền. Số tiền còn lại Nguyên khai đã đưa cho Hằng tại Móng Cái. Toàn bộ số tiền có được do ăn chia, cả bọn đã chi tiêu cá nhân hết. Đối với Đặng Thị Hằng, hiện không có mặt tại Việt Nam, cơ quan điều tra không có điều kiện đấu tranh làm rõ nên đã ra quyết định tách rút tài liệu liên quan để điều tra xử lý sau.

Ngày 30-1-2008, vụ án trên đã được xử sơ thẩm tại TAND TP Hà Nội. Các bị cáo đều thành khẩn nhận tội, lời khai phù hợp với các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án. Trong 4 bị cáo, Đặng Văn Hà là tên đầu vụ, vì vậy, y phải chịu trách nhiệm hình sự cao hơn đồng bọn.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt: Đặng Văn Hà 15 năm tù cộng với bản án 3 năm tù treo mà TAND tỉnh Phú Thọ xử y cũng về tội lưu hành tiền giả (USD giả) vào ngày 6-6-2005, buộc y phải chấp hành hình phạt của 2 bản án là 18 năm tù; Nguyễn Hữu Nguyên 13 năm tù, Đỗ Anh Đức 10 năm tù và Vũ Chí Công 6 năm tù về tội lưu hành tiền giả theo điều 180, khoản 3 BLHS.

Hiền Phương