Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ghi mãi trong lòng nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trọn đời cống hiến cho mục tiêu, lý tưởng cao cả của Đảng; luôn tận tâm, tận sức vì nước, vì dân, phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng, dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng hình ảnh của ông vẫn được ghi mãi trong lòng mỗi người dân.

Cống hiến trọn đời cho Tổ quốc, vì nhân dân

Những ngày qua, khi biết thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, người dân trong cả nước, từ cụ già tới em nhỏ đều cảm thấy xúc động, thành kính bày tỏ lòng kính trọng và niềm tiếc thương vô hạn đối với ông. Bằng tất cả niềm yêu thương vô hạn, người dân khắp các tỉnh, thành phố, biên giới, hải đảo trên cả nước đều kính cẩn cúi đầu, tiễn biệt Tổng Bí thư về với thế giới người hiền.

Dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng hình ảnh của ông vẫn được ghi mãi trong lòng mỗi người dân

Dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng hình ảnh của ông vẫn được ghi mãi trong lòng mỗi người dân

Với nhiều người, đây là lúc họ có dịp được tiếp cận nhiều hình ảnh, thước phim phóng sự, tài liệu, những bài nói chuyện, bài viết và những hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đương thời mà các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải. Những hình ảnh chân thực, giản dị về một nhà lãnh đạo tài đức, kiên trung, mẫu mực, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân trong suốt cuộc đời đã chạm đến muôn triệu trái tim.

Cũng chính bởi vậy, nhiều gia đình đã treo cờ rủ để tỏ lòng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hoạt động trong không gian tại mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, mỗi tổ chức chính trị xã hội cũng trở nên trật tự, tĩnh lặng. Người dân đã xếp hàng dài đến đêm khuya để được vào viếng Tổng Bí thư, đứng chờ hàng tiếng đồng hồ giữa trời nắng hè dọc trên nhiều tuyến phố Hà Nội để tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Nhiều người mang ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và hoa cúc, bày tỏ lòng thành kính

Nhiều người mang ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và hoa cúc, bày tỏ lòng thành kính

Trên mạng xã hội, nhiều người dân đăng hình Tổng Bí thư với niềm thương tiếc: “Vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân dân Việt Nam mãi biết ơn sự cống hiến của Bác - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Những hình ảnh Tổng Bí thư ân cần tới thăm hỏi, động viên các đơn vị quân đội và các đối tượng chính sách, người có công, người già và trẻ nhỏ, người có hoàn cảnh khó khăn tại một số địa phương trong cả nước liên tục được chia sẻ với sự trân quý, biết ơn và ngưỡng mộ sâu sắc. Hình hình ảnh người đứng đầu Đảng ta gần gũi, bình dị, khiêm nhường như một người đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè thân thiết; những câu chuyện Tổng Bí thư đến thăm, gửi thư chúc sức khỏe, thầy giáo, cô giáo từng dạy mình; đi xe gắn máy đến vui ngày gặp mặt sinh viên trường cũ… cũng được nhắc nhiều trên các trang mạng xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giành được nhiều tình cảm và sự kính trọng của người dân bởi ông đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa - cống hiến trọn đời cho Tổ quốc, vì nhân dân. Ông đã quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đạo đức là cái gốc, là nền tảng của người cách mạng”, “đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng… hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”.

Người dân xếp hàng trên các tuyến phố tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: LAM THANH

Người dân xếp hàng trên các tuyến phố tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: LAM THANH

Ở cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng răn mình, giũa sáng tứ đức “cần, kiệm, liêm, chính” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã dạy. Ông là người luôn nhất quán giữa nói và làm, lấy dân làm thước đo, lấy dân làm chuẩn mực, lấy lợi ích của dân làm mục tiêu phấn đấu, luôn gần dân, sát dân và có một trái tim nhân hậu. Có thể nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giành trọn vẹn lòng tin của người dân và sống trong lòng nhân dân.

Động lực vững tin vào tương lai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa nhưng ông đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Là nhà tư tưởng, ngọn cờ lý luận của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm sáng tỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về vai trò của Đảng Cộng sản, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Di sản vô giá đó đã củng cố niềm tin mãnh liệt về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của phong trào cộng sản trên thế giới, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại hiện nay.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Đảng quy hoạch ngày càng sáng rõ, như: các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng kinh tế trên cả nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoạch định mục tiêu, tầm nhìn, phương hướng phát triển của đất nước đến giữa thế kỷ XXI, vào dịp kỷ niệm 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước, trở thành quốc gia phát triển, hiện đại, văn minh, định hướng XHCN.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi sâu làm rõ về bản chất của Đảng, về xây dựng Đảng cầm quyền từ thực tiễn đổi mới ở Việt Nam. Từ đó, Tổng Bí thư đã cùng Ban Chấp hành Trung ương hoạch định và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương chiến lược về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng. Đây là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” vô cùng gian nan vất vả làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, khẳng định vai trò tiên phong, bản lĩnh, trí tuệ, để Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh”.

Với nhãn quan chính trị sâu sắc, nhạy bén, Tổng Bí thư đã nâng tầm tư duy chiến lược, tạo bước phát triển mới cho nền quốc phòng, an ninh Việt Nam. Đó là tư tưởng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy; luôn chú trọng xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng tinh, gọn, mạnh, thật sự trong sạch, vững mạnh; Quân đội, Công an đoàn kết gắn bó như “hai cánh của một con chim”, như “thanh kiếm và lá chắn”, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn đóng góp vào sự hình thành, phát triển của trường phái đối ngoại, ngoại giao “Cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”, ngày càng được quốc tế thừa nhận rộng rãi. Với uy tín và nỗ lực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam vừa tăng cường, phát triển quan hệ với các đối tác truyền thống, vừa mở lối để tạo lập và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nước lớn, góp phần nâng cao vai trò và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đã góp phần để “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ tiềm lực vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, có thêm nhiều điều kiện tiền đề thuận lợi để vững bước trên con đường mà Đảng ta, nhân dân ta và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn”.

Giờ đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, nhất là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng tình cảm, sự quan tâm dành cho đồng bào và chiến sĩ cả nước sẽ là động lực để chúng ta vững tin thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn.

Theo gương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để học tập, cống hiến cho xã hội sao cho thật xứng đáng

Sáng 26-7, dòng người vẫn đổ dồn về Nhà tang lễ Quốc gia. Tất cả cùng chung một mong muốn được tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.

Hòa chung trong dòng người đông đúc, một cô gái trẻ vừa đi vừa ôm mặt khóc vì không kiềm chế được cảm xúc tiếc thương vô hạn dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, cô cho biết hôm nay dậy từ rất sớm đi một mình vào viếng Tổng Bí thư. “Trong gia đình, bố, mẹ em đều là Đảng viên, bố công tác trong quân đội. Lúc nào bố cũng dạy chúng em phải sống làm người tử tế, trong sạch, không được làm gì trái với đạo đức…, cho nên em rất ngưỡng mộ cách sống của Tổng Bí thư. Sáng nay em đi một mình vào viếng để tỏ lòng biết ơn của mình” - em Nguyễn Thị Linh Chi (quê Nghệ An), sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên bộc bạch.

Trời Hà Nội nắng, nóng hơn nhưng cũng không thể cản bước được những người dân dành tình yêu thương cho Tổng Bí thư. Bên cạnh không ít cụ già cũng xếp hàng trong tâm thái thành kính, chờ đợi; có cả những “búp măng non” cũng theo cha, mẹ đi viếng. “Tôi về Hà Nội từ đêm qua, ở nhờ nhà người thân để sáng nay vào viếng Tổng Bí thư sớm. Tôi ngưỡng mộ con người, nhân cách sống của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cũng vì mong muốn con cháu mình theo gương Tổng Bí thư, là một người vừa có tài vừa có đức, nên tôi dẫn cả con trai, cháu đi cùng. Hy vọng cháu cảm nhận được không khí thiêng liêng, xúc động và tình cảm của hàng vạn người dân đang xếp hàng ở đây dành cho Tổng Bí thư, để cháu cố gắng học tập, cống hiến cho xã hội sao cho thật xứng đáng” - chị Mai Hằng, quê ở thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) cho hay.

Còn cụ Nguyễn Văn Đảng (83 tuổi), quê ở Nam Định, chia sẻ: “Đây là một tấm gương hiếm thấy, một người luôn vì dân vì nước, luôn đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên hàng đầu, thật đáng kính. Tổng Bí thư là một tấm gương lớn, khiến cho cá nhân tôi nghĩ về Bác Hồ. Sức khỏe tôi không được tốt, nhưng tôi vẫn muốn được có cơ hội vào tiễn biệt người lãnh đạo đáng kính”.

Tại khu vực ngã tư Trần Thánh Tông - Hàn Thuyên - Trần Hưng Đạo, gần vườn hoa Tăng Bạt Hổ, lực lượng tình nguyện viên phối hợp cùng lực lượng an ninh vẫn miệt mài hướng dẫn người dân quét mã QR để vào nhà tang lễ. “Người dân đến càng lúc càng đông, đôi lúc chúng em cảm thấy thấm mệt nhưng cảm nhận được tình cảm của người dân dành cho Tổng Bí thư thì bọn em lại cố gắng hết sức hỗ trợ người dân được vào nhanh chóng hơn” - bạn Nguyễn Ngọc Yến, Bí thư Chi đoàn Cụm 8, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nói.

HA

Phó Tổng thống El Salvador Felix Ulloa: Tài năng và nhân cách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là nguồn cảm hứng, là tấm gương sáng

Phó Tổng thống El Salvador Felix Ulloa viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico, ngày 25-7-2024 (theo giờ địa phương)

Phó Tổng thống El Salvador Felix Ulloa viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico, ngày 25-7-2024 (theo giờ địa phương)

Tài năng và nhân cách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là nguồn cảm hứng, là tấm gương cho lãnh đạo và người dân El Salvador noi theo trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đây là nhận định của Phó Tổng thống El Salvador Felix Ulloa khi đến dự lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico ngày 25-7.

Phó Tổng thống El Salvador Felix Ulloa khẳng định qua sự dẫn dắt tài tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, con đường mà Việt Nam đang đi, những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong những năm qua luôn là hình mẫu phát triển cho El Salvador cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Theo ông Ulloa, bước ra từ đống tro tàn chiến tranh, Việt Nam giờ đây đã trở thành một quốc gia hùng mạnh, đạt được nhiều kỳ tích trên con đường xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội cùng vai trò, vị thế ngày tăng trên trường quốc tế. Đây cũng chính là một phần di sản mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại trên các cương vị lãnh đạo của mình.

Đây cũng là những gì El Salvador từng phải trải qua trong quá khứ đau thương của mình, thời điểm mà các cuộc nội chiến triền miên xảy ra trong những năm 80 của thế kỷ trước đã tàn phá, làm kiệt quệ mọi nguồn lực của đất nước. Nhưng như Tổng thống El Salvador Nayib Bukele từng nói, giờ đây El Salvador đã được tái sinh, trở lại với chính mình sau những nỗ lực không mệt mỏi của chính phủ và người dân trong công cuộc xây dựng và tái thiết đất nước. Trong suốt quá trình này, tấm gương về sự kiên cường vươn lên của Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng, là động lực cho nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân El Salvador.

Theo Phó Tổng thống Felix Ulloa, sự ngưỡng mộ này được thể hiện qua việc El Salvador đã chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á (ASEAN) để mở Đại sứ quán hồi năm 2023, đồng thời cũng là minh chứng cho việc El Salvador luôn coi trọng việc phát triển quan hệ với Việt Nam - đất nước mà El Salvador không chỉ coi là đối tác, mà còn là đồng chí, là anh em.

(Theo TTXVN)

Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm, gần gũi với văn nghệ sĩ sân khấu

Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ

Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật và quản lý của Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam có nhiều kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Khi NSND Lê Tiến Thọ còn làm Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó đang giữ chức Chủ tịch Quốc hội đã luôn quan tâm và động viên, chỉ đạo sâu sát các công việc của Bộ VH-TT&DL. Khi về làm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ đã làm văn bản phối hợp cùng Nhà hát Chèo Việt Nam tổ chức phục dựng lại vở chèo “Ni cô Đàm Vân”, một vở rất hay mà tác giả Học Phi đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Vở diễn được biểu diễn vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 100 của tác giả Học Phi, bố của nhà văn Chu Lai.

NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ: “Ngày vở diễn ra mắt ở rạp Kim Mã, Tổng Bí thư đã đến xem và ngồi đến hết buổi biểu diễn. Sau đó, ông lên sân khấu tặng hoa và chụp ảnh cùng đạo diễn, diễn viên, bắt tay thân tình từng người... Với những nghệ sĩ hoạt động trong sân khấu truyền thống, sự xuất hiện của nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã là một vinh dự, thì việc Tổng Bí thư ngồi xem hết vở lại càng khích lệ những người làm nghề nhiều hơn. Đấy là tình cảm mà nhà lãnh đạo quan tâm, gần gũi với anh em văn nghệ sĩ sân khấu truyền thống.

Những lần đại hội Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, hay kỷ niệm 65 năm, 70 năm Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Tổng Bí thư bao giờ cũng dành thời gian đến dự.

Sự ra đi của ông là mất mát lớn lao của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Riêng, đối với văn nghệ sĩ chúng tôi, đã từ rất lâu, chúng tôi coi ông như người anh cả, và dẫu biết, quy luật sinh tử ai rồi cũng phải trải qua, nhưng rồi vẫn cứ thương, cứ xót lắm...”.

Phạm Hương

Nghệ sĩ nhân dân Lê Chức: Nguyện giữ mãi lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nghệ sĩ nhân dân Lê Chức

Nghệ sĩ nhân dân Lê Chức

Là giọng đọc nổi tiếng với nhiều bộ phim tài liệu, chương trình, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) - đạo diễn Lê Chức nguyện giữ mãi lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Anh hãy giữ giọng và tiếng nói của anh cho đất nước thông qua việc anh thể hiện lời bình, những lời giới thiệu về Đảng và hệ thống chính trị”.

NSND Lê Chức được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2018 tại Văn phòng Trung ương Đảng. Lần đó, ông được trò chuyện cùng nhà lãnh đạo của đất nước. “Xin thưa với Tổng Bí thư, em là người sử dụng giọng và tiếng để đọc hầu hết các phim tài liệu và chương trình có nội dung liên quan tới Đảng và hệ thống chính trị. Khi được thực hiện cùng đồng nghiệp các chương trình như vậy, em nhận cho mình một sự vinh hạnh lớn” - đạo diễn bày tỏ.

Khi NSND Lê Chức nói với Tổng Bí thư như vậy, ông đã hồ hởi nói lại với nghệ sĩ: “Tôi đã được nghe anh rất nhiều năm. Nay, chúng ta mới có điều kiện gặp nhau. Hôm nay, anh đã nói về ý niệm của mình trong công việc, thì tôi nói lại với anh Lê Chức thế này nhé! Anh hãy giữ giọng và tiếng của mình cho đất nước, vì độ chuẩn xác như anh nói và chúng tôi cảm nhận được trong khi nghe cùng với các hình ảnh mà anh là người thể hiện”.

NSND Lê Chức rất vui trước lời căn dặn của Tổng Bí thư và xin giữ lấy cho riêng mình. Theo NSND Lê Chức, cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thuộc về Đảng và thuộc về dân tộc. Chúng ta bàng hoàng khi mất đi một con người mà con người ấy là chỗ tựa về niềm tin của chúng ta với những điều tốt đẹp.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 - 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”. Cần phải có những con người dẫn dắt và làm cho sang trọng những giá trị của văn hóa, giá trị của cốt cách dân tộc bằng chính mình, bằng lý tưởng mà mình theo và sự ảnh hưởng của con người đó đối với Đảng, đất nước, dân tộc và bạn bè quốc tế.

“Tôi cho rằng, ở Tổng Bí thư có đủ tất cả phẩm lượng, phẩm chất đó. Ngày trước tôi đã từng được gặp, được trò chuyện với ông và ngày hôm nay ông đã khuất núi, thì lời dặn dò “Anh hãy giữ giọng và tiếng nói của anh cho đất nước thông qua việc anh thể hiện lời bình, những lời giới thiệu về Đảng và hệ thống chính trị”, tôi nguyện giữ mãi”, NSND Lê Chức cho biết. Thanh Xuân