Hiệu quả của mô hình “Vì môi trường mạng xã hội bình yên”

ANTD.VN - Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội thời gian qua đã đem đến những giá trị, tiện ích to lớn cho người sử dụng,  tuy nhiên cũng gây ra không ít những hệ lụy, nhất là đối với các em học sinh, đang ở độ tuổi chưa có đầy đủ nhận thức và chín chắn. Mô hình "Vì môi trường mạng xã hội bình yên" được Công an quận Bắc Từ Liêm triển khai thí điểm tại các trường THCS đã mang hiệu quả tích cực.

Để con có thể tra cứu tài liệu học tập, chị Trần Thị Bình cho phép con gái mình được sử dụng máy tính. Tuy tôn trọng quyền riêng tư của con, nhưng việc không thể luôn kiểm soát cách con sử dụng mạng xã hội, đã khiến chị cùng gia đình có rất nhiều lo lắng.

Không chỉ gia đình chị Bình có nỗi lo lắng này. Địa bàn quận Bắc Từ Liêm hiện có 16 trường THCS với gần 13.000 học sinh. Từ năm 2014 - 2020, chỉ tính riêng trên địa bàn quận đã xảy ra 5 vụ trẻ em bị xâm hại do đối tượng quen trên mạng xã hội dụ dỗ; 1 vụ tự tử do thường xuyên sử dụng mạng xã hội và bị bạo lực mạng…

Trước thực tế này, ngay từ đầu năm 2021, Công an quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với các trường THCS trên địa bàn, triển khai mô hình “Vì môi trường mạng xã hội bình yên" với nhiều biện pháp như lập trang fanpage giữa lực lượng công an - nhà trường - cha mẹ học sinh; tuyên truyền trực tiếp thông qua Infographic, văn nghệ, tiểu phẩm, các bản tin phòng ngừa tội phạm được đăng tải và chia sẻ lên trên 100 nhóm tương tác Zalo, facebook... do CAQ thiết lập và gần 500 nhóm tương tác của các trường, các lớp...

Mặc dù thời gian qua, học sinh phải nghỉ học do dịch bệnh, nhưng công tác tuyên truyền vẫn được thực hiện thường xuyên, liên tục. Các bài tuyên truyền được lực lượng công an và thày cô thực hiện dưới hình thức giáo án điện tử, video bài giảng với những hình ảnh, slide phong phú để triển khai đồng loạt tới các nhà trường, qua đó dễ dàng đăng tải, chia sẻ lên các nhóm Zalo, Facebook, Fanpage cũng như triển khai các tiết học Zoom trực tuyến tới 100% học sinh và phụ huynh.

Bằng việc triển khai đồng bộ các biện pháp trên, bước đầu đã mang lại những ý nghĩa to lớn và hiệu quả thiết thực, giúp học sinh ứng xử ngày càng văn minh trên mạng xã hội. Hiện tượng bắt nạt trực tuyến và bạo lực học đường hay các hệ lụy khác từ mạng xã hội... được hạn chế. Mô hình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực qua đó giúp phụ huynh yên tâm khi các con tham gia học trực tuyến và sử dụng mạng xã hội một cách hữu ích.