Hiểm họa tâm thần vì nghiện game, Internet

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Cứ 100 người sử dụng Internet/game online thì sẽ có khoảng 8,5 người sử dụng nhiều ở mức độ “có vấn đề”, tức là có ảnh hưởng sức khỏe cơ thể, tâm thần.

Vào mùa hè, khi học sinh, sinh viên được nghỉ học, tình trạng vùi đầu vào máy tính, điện thoại, iPad để lướt web hay chơi game càng phổ biến hơn, hệ quả cũng nguy hại hơn. Một số con số thống kê cho thấy, tỷ lệ sử dụng Internet ở nước ta lên đến 70,3% dân số, trong đó 40% là thanh thiếu niên dưới 25 tuổi.

Cứ 10 trẻ tham gia khảo sát thì có 7 trẻ sử dụng Internet hơn 1 tiếng/ngày (Ảnh minh họa)

Cứ 10 trẻ tham gia khảo sát thì có 7 trẻ sử dụng Internet hơn 1 tiếng/ngày (Ảnh minh họa)

Thú vui đáng lo ngại

Tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), lượng thanh thiếu niên đến khám vì nghiện game hoặc các dạng rối loạn tâm lý do nghiện Internet gần đây tăng nhanh, bình quân mỗi tháng có khoảng 3-4 trẻ phải nhập viện điều trị. Đa số các em nhập viện trong tình trạng nặng như có các rối loạn cảm xúc, hành vi kèm theo do chơi game lâu năm.

Mới đây nhất, Viện Sức khỏe tâm thần tiếp nhận bệnh nhân M.P.Q (22 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng dễ cáu gắt, không làm chủ được cảm xúc. Q là sinh viên Khoa Công nghệ sinh học của Đại học Mở (hiện đã tạm dừng học). Do bố mẹ ly hôn nên Q ở cùng mẹ từ khi học lớp 7, đây cũng là thời điểm cậu bé bắt đầu chơi game online nhiều. Ban đầu chỉ là chơi cùng bạn bè cho vui, chơi vì tò mò, về sau Q càng ham và không dừng lại được. Dần dần bệnh nhân chơi cả ngày lẫn đêm, chỉ cần được nghỉ học là Q sẽ vùi đầu vào game với thời lượng lên đến 10 - 12 giờ/ngày. Vào dịp hè được nghỉ học, Q còn chơi nhiều hơn, có khi bỏ bữa hoặc chỉ ăn uống qua loa như mì tôm, nước tăng lực rồi lại ngồi lỳ bên máy tính, bất chấp lời khuyên bảo hay ngăn cấm của mẹ. Đỉnh điểm là khi mẹ bệnh nhân tịch thu máy tính, Q nổi cáu cãi lại, thậm chí định đánh cả mẹ… Nhận thấy con có biểu hiện bất thường nên gia đình đã phải đưa Q đi bệnh viện tâm thần điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Thành Long - Phó trưởng Phòng Sử dụng chất và y học hành vi (Viện Sức khỏe tâm thần) cho biết, bệnh nhân Q chỉ là một trong nhiều bạn trẻ nhập viện gần đây vì các biểu hiện tâm thần bất ổn sau thời gian dài nghiện game.

Một trường hợp khác là nam sinh viên (24 tuổi) đang học năm cuối của một trường đại học có tiếng tại Hà Nội. Do tình trạng nghiện game rất nặng nên bệnh nhân đã không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp được. Thậm chí mẹ bệnh nhân phải bỏ công việc ở quê lên Hà Nội để kiểm soát con, nhưng không giải quyết được vấn đề, cuối cùng buộc phải cho bệnh nhân nhập viện điều trị.

Gia tăng mạnh từ sau dịch Covid-19

ThS.BS Đặng Thị Hải Yến - Viện Sức khỏe tâm thần thông tin, khi dịch Covid-19 bùng phát, trong thời gian cách ly, cả người lớn và trẻ em ở nhà nhiều hơn nên tình trạng sử dụng các thiết bị truy cập mạng Internet như điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng tăng nhiều hơn. Cùng đó, mô hình học online ở giai đoạn dịch bệnh cũng phổ biến hơn, đòi hỏi trẻ phải sử dụng điện thoại, máy tính nhiều. Sau dịch, tình trạng này vẫn duy trì và có xu hướng tăng, đây là điều kiện khiến trẻ dễ rơi vào tình trạng nghiện game online. Theo số liệu thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần, trong nhóm tuổi từ 10 - 24 tuổi đang có vấn đề sức khỏe tâm thần thì nghiện Internet, nghiện game chiếm tới 43%.

Cũng theo các bác sĩ Viện Sức khỏe Tâm thần, nghiện Internet, nghiện game có nhiều nguyên nhân. Căn bệnh này thường được kích hoạt bởi nhu cầu xoa dịu cảm xúc tiêu cực như trầm cảm, lo âu, căng thẳng, hoặc cô đơn. Các nguyên nhân thường gặp như: Trẻ có các biến cố tâm lý (bố mẹ ly hôn); những xung đột tâm lý ở tuổi thanh thiếu niên và tìm đến game online như một cách thể hiện bản thân và cảm xúc. Bên cạnh đó, ở các đô thị ngày càng thiếu không gian, địa điểm vui chơi. Vào dịp nghỉ hè trẻ chỉ được quanh quẩn trong nhà và vùi đầu vào máy tính, điện thoại thông minh, lướt mạng xã hội… để giải trí rồi dần dần nghiện Internet lúc nào không hay.

Những con số báo động

Theo thống kê được tổ chức UNICEF đưa ra năm 2017, trên thế giới cứ 3 người sử dụng Internet thì có 1 người là trẻ em từ 10 tuổi trở xuống. Tỷ lệ về rối loạn sử dụng Internet/game trên toàn cầu là 8,5% đối với nam, 3,5% đối với nữ và châu Á là khu vực có tỷ lệ lưu hành cao nhất lên tới 6,3%. Tại Việt Nam, tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 70 triệu người sử dụng Internet (chiếm hơn 70% dân số) thông qua các nền tảng khác nhau. Trong đó, tỷ lệ tiếp cận Internet của người trẻ đang có chiều hướng gia tăng với 40% người sử dụng dưới 25 tuổi.

Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc - Phó trưởng Phòng Sử dụng chất và y học hành vi (Viện Sức Khỏe Tâm Thần) cho biết, theo một nghiên cứu của viện này vào năm 2021, độ tuổi bắt đầu sử dụng Internet tại Việt Nam là trên 10 tuổi. Thời gian sử dụng Internet trung bình hơn 3 tiếng/ngày chiếm tỷ lệ khá cao (51,3 - 71,6%), trong đó thời gian nhiều nhất lên đến 15 tiếng/ngày. Công cụ để sử dụng nhiều nhất là thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng…) chiếm 98,2%. Như vậy, cứ 100 người thì sẽ có khoảng trên 8 người sử dụng Internet/game ở mức độ “có vấn đề”, tức là có ảnh hưởng sức khỏe cơ thể, tâm thần.

Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc nêu rõ, hiện nay, nghiện game/Internet không còn là các hiện tượng đơn lẻ mà đã trở thành một thực trạng xã hội, là một dạng bệnh lý được nghiên cứu trong y khoa. Mặt khác, nghiện Internet có tác động tiêu cực đến sự phát triển tư duy. Các nghiên cứu cho thấy, có ít nỗ lực để lưu trữ thông tin trong bộ não khi sử dụng Internet, thay vào đó là ghi nhớ nơi lấy thông tin, làm giảm suy ngẫm và giảm khả năng lưu trữ thông tin. Do đó, con người ngày càng trở nên lười biếng về nhận thức và có suy nghĩ thụ động...

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 70-80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%. Nếu tính rộng hơn đến cả đối tượng nghiện Internet nói chung, con số này chắc chắn còn tăng mạnh.

Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH): Cha mẹ cần đồng hành để bảo vệ con trên môi trường mạng

Theo bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), trẻ sử dụng Internet quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng nghiện và trở thành bệnh khó chữa. Ngoài ra, khi lên mạng, bên cạnh những lợi ích thì các con dễ gặp rủi ro như: Xem những hình ảnh, thông tin nội dung độc hại, không phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi; lộ bí mật đời sống riêng tư; bị bắt nạt trên mạng, bị dụ dỗ, lừa gạt, lôi kéo tham gia các hành vi không phù hợp hoặc vi phạm pháp luật…

Về giải pháp, bà Nguyễn Thị Nga cho rằng, chính cha mẹ cũng cần làm gương, hạn chế sử dụng Internet ngoài giờ làm việc, nhất là lúc ăn tối hay sinh hoạt chung trong gia đình. Trẻ con học bằng cách bắt chước người lớn nên rất cần bố mẹ làm gương cho con, chứ không chỉ yêu cầu một chiều từ con cái. Mặt khác, để đồng hành và bảo vệ con an toàn trên môi trường mạng, bố mẹ cũng cần sẵn sàng học tập, tốt nhất là hãy bắt đầu học tập cách làm cha mẹ từ tiền hôn nhân và cả quá trình lớn lên cùng con.

Bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững: Chỉ 30,4% phụ huynh chủ động kiểm soát trẻ sử dụng Internet

Tại tọa đàm trực tuyến “SNET 2023 - Online chuẩn - mùa hè vui” diễn ra hồi tháng 6-2023, bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, cho rằng, trẻ em có quyền sử dụng Internet nhưng cân đối thời gian sử dụng phù hợp để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần, tối ưu hóa việc phát triển của các em là rất quan trọng. Chúng ta phải rất lưu tâm khi nghỉ hè học sinh không phải đi học, ít có sự quản lý của cha mẹ khiến trẻ có thể sử dụng Internet nhiều hơn. Việc này khiến các em dễ gặp những bệnh về mắt, đặc biệt là cận thị, ít vận động, ít giao tiếp với bên ngoài.

Bà Nguyễn Phương Linh khuyến cáo các bậc phụ huynh nên tiếp cận với con theo phương pháp đồng hành. Bằng tình yêu thương, cha mẹ hỏi han và tìm hiểu các trải nghiệm của con trên môi trường mạng, học tập cùng con, cùng nói chuyện, tâm sự và tìm ra những giải pháp cho các tình huống, vấn đề con có thể gặp phải trên môi trường mạng. Chẳng hạn, trong dịp hè, bố mẹ có thể tranh thủ lúc con rảnh rỗi cùng giao bài tập gia đình như tìm kiếm, trình bày, phản biện với nhau về các rủi ro trên môi trường mạng, giúp cả gia đình vừa học tập, vừa tăng kiến thức kỹ năng số…

Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, tại Việt Nam, cứ 10 trẻ tham gia khảo sát thì có 7 trẻ sử dụng Internet hơn 1 tiếng/ngày; 80,8% trẻ nói rằng cha mẹ hoặc người thân biết trẻ sử dụng Internet; 50,4% trẻ chia sẻ việc tiếp cận Internet với bố mẹ/người thân. Đáng chú ý chỉ có 30,4% bố mẹ/người thân chủ động kiểm soát việc sử dụng Internet của trẻ, chưa kể 4% trẻ giấu không cho bố mẹ/người thân biết mình có sử dụng Internet. Trẻ ở lứa tuổi lớn hơn thì giấu không cho bố mẹ/người thân biết về các hoạt động trên Internet của mình nhiều hơn nhóm trẻ ở lứa tuổi nhỏ (7,6% so với 1,3%).

Duy Tiến