Hệ thống IRST giúp tiêm kích Rafale chiếm ưu thế lớn trước Su-35

ANTD.VN - Tiêm kích Rafale được xem như đối thủ lớn của Su-35. Các chuyên gia quân sự đã so sánh sức mạnh của hai loại chiến đấu cơ hàng đầu này.

Tiêm kích Rafale do Pháp sản xuất đã chứng tỏ sức mạnh đáng gờm của mình trong các cuộc xung đột trên toàn cầu, bao gồm Afghanistan, Mali, Libya, Syria và Iraq.

Giới chuyên môn cho rằng lý do chính khiến những chiếc máy bay phản lực này có khả năng tác chiến cao đến như vậy phần lớn là do chúng được trang bị nhiều cảm biến tiên tiến.

Trong số các cảm biến công nghệ cao này có hệ thống theo dõi và tìm kiếm hồng ngoại (IRST) SAGEM OSF. Công cụ nhỏ gọn, mạnh mẽ này mang lại cho Rafale khả năng phát hiện và theo dõi tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm J-20 cũng như Su-35 của Trung Quốc.

Theo tiết lộ từ nhà sản xuất: “Hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại gắn trên mũi tiêm kích Rafale sẽ tự động thực hiện thao tác tìm kiếm, nhận dạng, đo từ xa và theo dõi mục tiêu”.

Không quân Indonesia đã từng đánh giá sức mạnh của hệ thống SAGEM OSF, họ nhận thấy khí tài này có thể phát hiện ra tiêm kích F-16 từ khoảng cách hơn 100 km. Ở quãng đường 70 km, hình ảnh từ chiếc F-16 bắt đầu "tràn vào" hệ thống theo dõi của Rafale.

Thông tin tình báo trực quan chi tiết này cho biết hình dạng của F-16, vũ khí được trang bị và tốc độ của đối phương. Công bằng mà nói thì Su-35 hay J-20 tuy đáng gờm nhưng không thể sánh được với tiềm năng phân tích chi tiết của Rafale.

SAGEM OSF (IRST) là viết tắt của Optronique Secteur Frontal. Đây là hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại tiên tiến được phát triển bởi công ty SAGEM của Pháp, nay là Safran Electronics & Defense.

Hệ thống OSF bao gồm một số thành phần chính, trọng tâm là cảm biến hồng ngoại, phát hiện dấu hiệu nhiệt từ các mối đe dọa tiềm ẩn, hoạt động ở hai dải quang phổ để đảm bảo khả năng nhận biết đáng tin cậy trong các điều kiện khác nhau.

Khí tài này cũng bao gồm một camera truyền hình để nhận dạng hình ảnh và máy đo khoảng cách laser để xác định khoảng cách một cách chính xác nhất.

Trong chiến đấu, hệ thống SAGEM OSF đóng vai trò quan trọng trong cả hoạt động tấn công và phòng thủ khi liên tục quét môi trường xung quanh máy bay, phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc.

Cảm biến hồng ngoại có thể phát hiện dấu hiệu nhiệt từ máy bay, tên lửa của đối phương và nhiều mối đe dọa tiềm ẩn khác, ngay cả khi ở trên nền đất liền hoặc biển.

Khi mối đe dọa được phát hiện, hệ thống sẽ tự động theo dõi nó. Sau đó cung cấp cho phi công thông tin theo thời gian thực về vị trí, khoảng cách và quỹ đạo của vật thể. Thông tin này sẽ được sử dụng để khởi động các biện pháp đối phó hoặc trực tiếp xử lý nguy cơ.

Điều quan trọng là do hệ thống OSF sử dụng cảm biến thụ động nên có thể hoạt động mà không để lộ vị trí của máy bay. Điều này mang lại cho nó một lợi thế đáng kể trong các tình huống chiến đấu.

Hơn nữa, camera truyền hình và máy đo khoảng cách laser của hệ thống OSF còn sử dụng được trong vai trò nhận dạng trực quan và nhắm mục tiêu chính xác.

Camera cho phép phi công xác nhận mối đe dọa một cách trực quan, trong khi máy đo khoảng cách laser cung cấp các phép đo cự ly, cho phép nhắm mục tiêu bằng vũ khí có độ chính xác cao.

Theo giải thích của chuyên gia quân sự người Ấn Độ Abhirup Sengupta, tiêm kích Su-35 sử dụng radar N035 Irbis-E, khí tài này chỉ có thể theo dõi một mục tiêu duy nhất.

Ông Sengupta giải thích: “Irbis-E, được sử dụng trên Su-35, chỉ có thể theo dõi một mục tiêu tại một thời điểm. Hơn nữa nhà phân tích còn đưa ra những so sánh giữa chức năng của Irbis-E và radar AN/APG-70 được sử dụng trên F-15E Strike Eagle từ thập niên 1980.

Vị chuyên gia đánh giá thêm rằng Su-35 sẽ gặp nhiều khó khăn khi đọ sức với Rafale tiên tiến hơn về mặt công nghệ, đồng thời dự đoán phần thắng nghiêng nhiều về phía chiến đấu cơ do Pháp sản xuất.