Hậu quả khôn lường khi giấy tờ giả được công khai sản xuất, mua bán tràn lan

ANTD.VN - Hàng loạt đường dây sản xuất, mua bán giấy tờ giả đã bị lực lượng công an triệt xóa, thu giữ hàng nghìn văn bằng giả các loại... Hệ lụy nào khi các loại giấy tờ này được công khai mua bán tràn lan?

Chợ giấy tờ giả... khách cần gì cũng có!?

Tang vật bị lực lượng công an thu giữ trong các vụ án sản xuất, kinh doanh giấy tờ giả có tới hàng nghìn văn bằng, chứng chỉ các loại... Đủ các loại, bằng gì cũng có, nhiều là các bằng tốt nghiệp THPT, các loại chứng chỉ nghề, ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp của các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước.

Học bạ, Bằng tốt nghiệp các loại, tem 7 màu do cơ quan công an thu giữ trong nhà đối tượng sản xuất giấy tờ giả

Điển hình như trong vụ án Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức mà CAQ Nam Từ Liêm, Hà Nội mới điều tra, khám phá gần đây, khi khám xét khẩn cấp chỗ ở của đối tượng cầm đầu Nguyễn Duy Quang, tổ công tác Đội CSHS CAQ Nam Từ Liêm thu giữ 2 máy in, 1 máy tính, 1 máy photocoppy, 1 máy ép plastic; 11 con dấu của các trường Đại học, Cao đẳng và văn phòng công chứng); 1.388 phôi bằng tốt nghiệp, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp đại học, bằng kĩ sư, bằng cử nhân, bằng tốt nghiệp THPT, chứng chỉ ứng dụng CNTT cơ bản, chứng chỉ ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, giấy phép lái xe và 156 bộ văn bằng chứng chỉ giả đã hoàn thiện.

Hay như trong vụ án Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, Cơ quan CSĐT - CAQ Bắc Từ Liêm đã thu giữ của Phạm Viết Lương, một mắt xích trong đường dây 1 máy khắc laze màu xanh trắng; 1 máy tính xách tay, 1 máy in màu, 100 vỏ bìa hồ sơ, 126 quyển học bạ THPT các loại chưa qua sử dụng; 14.568 con tem bảy màu các loại; 596 mặt con dấu các loại, 7 hộp dấu các loại, 38 phôi bằng tốt nghiệp THPT chưa qua sử dụng; 1 máy ép plastic cùng nhiều tang vật liên quan khác.

Lời mời chào làm giấy tờ giả nhan nhản trên mạng xã hội

Phạm Viết Lương khai nhận, từ khoảng tháng 4-2024 đến nay đã mua các loại máy móc như máy cắt laze, máy in màu các loại… để phục vụ việc làm giả con dấu giấy tờ của cơ quan tổ chức.

Lương chủ yếu làm giả các loại giấy tờ như: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, bằng tốt nghiệp THPT, bằng Đại học và Cao đẳng, học bạ, bảng điểm, giấy công chứng…

Không cần học vẫn có bằng

N.K.L, trú tại Hà Nội muốn “làm đẹp” thêm hồ sơ của mình bằng một chứng chỉ TOEIC do Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ cấp nên khi nhìn thấy lời mời chào trên mạng đã gửi thông tin cho nhóm đối tượng làm giấy tờ giả. Nhu cầu của L đã được đường dây của Nguyễn Duy Quang giải quyết ngay lập tức và L chỉ phải trả 2,5 đồng chi phí. Những lời quảng cáo, nhận làm mới đăng ký xe, Bằng tốt nghiệp THPT đến đại học, Giấy phép lái xe máy, ô tô các hạng... và tất cả giấy tờ khác được các đối tượng đăng công khai, kèm theo số điện thoại, Zalo và tài khoản được đăng tràn lan trên mạng xã hội.

Đối tượng thao tác làm chứng chỉ TOEIC giả chỉ trong vài phút và giống như thật kể cả dấu nổi

Thực tế cho thấy, việc các cơ quan tuyển dụng thường chỉ căn cứ vào bằng cấp, chứng chỉ để tuyển dụng đã dẫn tới tình trạng một số người thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, học tập, mua văn bằng, chứng chỉ giả để “làm đẹp” hồ sơ, gián tiếp tiếp tay cho tội phạm sản xuất, mua bán giấy tờ giả.

Trong khi đó, một bộ phận người không muốn học, không muốn tốn thời gian khám sức khỏe nhưng lại muốn có bằng cấp, giấy tờ để làm hồ sơ xin việc hoặc sử dụng với những mục đích khác như thực hiện các hành vi lạm dụng, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản…

Thực tế cho thấy việc sử dụng giấy tờ giả gây hậu quả nghiêm trọng và hậu quả để lại cho xã hội, tổ chức, cá nhân liên quan và ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhất là khi các đối tượng sử dụng vào mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, gây rối trật tự xã hội, xin việc làm; làm ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, uy tín cá nhân và các cơ quan, tổ chức, mất niềm tin của cộng đồng.

Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý người sử dụng giấy tờ giả còn nhẹ nên chưa có tính răn đe, vì thế “thị trường” giấy tờ giả vẫn phát triển. Theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức chịu mức án cao nhất là 7 năm tù giam, bị phạt tiền đến 50 triệu đồng nếu tái phạm nhiều lần; còn người sử dụng chỉ bị xử phạt hành chính hoặc chịu kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, cách chức, cảnh cáo, khiển trách.

Để ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh giấy tờ giả, cần nâng chế tài xử lý đối với hành vi này, không đặt nặng vai trò của bằng cấp trong quá trình tuyển dụng, siết chặt quản lý Nhà nước trong việc thi, cấp chứng chỉ...