Hát Xoan Phú Thọ - Nét văn hóa hun đúc hồn quê đất Tổ

ANTD.VN - Hát Xoan là Di sản văn hóa phi vật thể quý báu của vùng đất Tổ nói riêng và trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung. Hát Xoan gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Là một nghệ thuật trình diễn cộng đồng, Hát Xoan nuôi dưỡng sự hiểu biết văn hóa, sự gắn kết cộng đồng và tôn trọng lẫn nhau. Với sức sống mãnh liệt cùng thời gian, cách tổ chức biểu diễn chuẩn mực, không gian văn hóa rộng lớn, sức lan tỏa của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này ngày càng rộng khắp.

Tương truyền, hát Xoan có thời các vua Hùng, tồn tại hơn 2.000 năm và là di sản văn hóa dân gian hết sức quý báu. Phần lớn các làn điệu hát Xoan đều bắt nguồn từ những ngôi làng cổnằm trên địa bàn trung tâm Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. 

Hát Xoan được chia ra làm 3 hình thức hát chính: hát thờ cúng các vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe và hát lễ hội (hình thức để nam nữ giao duyên)

Loại hình nghệ thuật này được rất nhiều người có vị thế và uy tín trong xã hội góp phần nâng niu, gìn giữ, trau dồi, phát huy…

Hát Xoan đi vào đời sống từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong hát Xoan, múa và hát luôn đi cùng và kết hợp với nhau, dùng điệu múa để minh họa nội dung cho lời ca

Hát Xoan hay còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần

Nhịp điệu của Xoan khi thủng thẳng, thong thả, khi lại dồn dập, say mê

Từ tình yêu nghệ thuật hát Xoan, thế hệ trẻ đã và đang cùng giữ hồn Xoan cổ, thêm yêu hát Xoan, trân trọng và cùng giữ gìn làn điệu Xoan