- Cảnh sát hình sự Hà Nội, lực lượng mũi nhọn trên mặt trận tấn công tội phạm
- Phát huy sức mạnh "quả đấm thép", đập tan các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự
Lương tâm và trách nhiệm
Một ngày tháng 2-2022, tại căn phòng trọ trên địa bàn phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội), một thanh niên trẻ bàng hoàng khi phát hiện người yêu của mình tử vong với hàng chục nhát dao đâm, trên người không một mảnh vải che thân. Ngay lập tức, cán bộ, chiến sĩ Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án đã vào cuộc... Hiện trường khá đáng sợ, khoảng 40-50 vết thương trên cơ thể nạn nhân cho thấy hung thủ là một kẻ máu lạnh, ra tay tàn ác. Xác định đây có thể là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, lực lượng trọng án đã nhanh chóng thu thập tài liệu, chứng cứ, khoanh vùng thủ phạm để truy bắt hung thủ gây án. Quá trình điều tra, Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án phát hiện nạn nhân làm “nghề nhạy cảm” và hung thủ gây án chính là kẻ quản lý nạn nhân. Đến khi bị bắt, đối tượng khai nhận, do trước đó nhiều lần nạn nhân không trả công môi giới dẫn khách dẫn đến xô xát và cuối cùng kết thúc bằng những nhát dao tàn nhẫn.
Cán bộ, chiến sĩ Đội Phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án,Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội |
Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, điều tra viên phát hiện đối tượng đã lên một chiếc xe khách và chạy trốn tới địa phận tỉnh Quảng Bình. Lập tức, Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án đã chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Bình để “đón lõng”, đồng thời một mũi công tác lên đường bắt giữ đối tượng. “Dù đã thụ lý rất nhiều vụ án với tính chất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vụ án này để lại nỗi ám ảnh rất lớn đối với cán bộ, chiến sĩ chúng tôi. Nhưng chính những tâm lý nặng nề sau khi trở về từ hiện trường khiến mỗi người lính dâng lên sự căm phẫn và quyết tâm không để hung thủ chạy thoát…” - Thiếu tá Nguyễn Hữu Luyện, Phó Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội cho biết.
Ghi dấu những chiến công
Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, từ đầu năm 2017 đến nay, Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án luôn là lá cờ đầu trong đơn vị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền giữ vững danh hiệu Đơn vị quyết thắng. Năm 2017, đơn vị được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, Bằng khen của Bộ Công an. Năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022 được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen. Đặc biệt, năm 2020, Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Bằng khen, Giấy khen… là sự ghi nhận của các cấp lãnh đạo cho sự cống hiến bền bỉ của những người lính trọng án. Và họ, sẽ tiếp tục nỗ lực trên mặt trận đấu tranh, phòng chống tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân Thủ đô.
Khó có thể nói hết sự vất vả, hy sinh của người lính hình sự, nhất lại là lính trọng án thì nỗi gian truân còn lớn gấp nhiều lần. Họ không chỉ làm nhiệm vụ trinh sát, bắt giữ, đấu tranh mà còn phải xử lý hồ sơ. Để đáp ứng được yêu cầu công việc, cán bộ, chiến sĩ trong Đội phải hy sinh rất nhiều. Những ngày nghỉ, lễ, Tết…, khi mọi người được quây quần bên gia đình thì họ vẫn miệt mài với từng bộ hồ sơ, hay đang truy tìm manh mối phá án. “Phải yêu nghề lắm mới gắn bó được với Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án. Có những đêm đang ngủ phải bật dậy lên đường thực hiện nhiệm vụ. Khi một vụ án chưa được phá thì đến việc ăn uống cũng không thiết. Anh em chúng tôi vẫn bảo nhau, dù tội phạm có tinh vi đến đâu thì cũng sẽ để lộ sơ hở. Thế nên, nhiều khi đang ngủ cũng giật mình tỉnh giấc vì một chi tiết nào đó liên quan đến vụ án chợt lóe lên…” - Trung tá Lê Minh Hải, Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội chia sẻ.
Cuộc chiến không khoan nhượng
Đã là lính hình sự phải xác định vất vả và hy sinh. Thời gian làm việc của họ ở đơn vị thậm chí nhiều hơn ở nhà, có khi chỉ cần một suất “cơm bụi” cũng xong. Ban ngày thì bàn là nơi làm việc, nhưng đêm đến lại thay chỗ ngả lưng. Phòng làm việc chật hẹp, cán bộ, chiến sĩ có khi trải chiếu nằm luôn xuống đất. Thế nhưng, xác định từ đầu nên anh em trong Đội đều nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh. Không biết bao nhiêu vụ án, trinh sát phải dãi nắng dầm mưa, hay run bần bật trong cái lạnh cắt da cứa thịt của mùa đông giá rét, nhưng bản lĩnh người lính hình sự không cho phép họ sờn lòng. Chỉ một niềm tin duy nhất giúp họ vượt qua mọi nghịch cảnh, đó chính là phá án thành công.
Theo Trung tá Lê Minh Hải, tội phạm trong các vụ trọng án đều là những đối tượng côn đồ, hung hãn, sẵn sàng ra tay không từ thủ đoạn nào. Không ít đối tượng sau khi gây án tìm đủ cách để phi tang chứng cứ, xóa dấu vết hiện trường khiến cán bộ, chiến sĩ gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều tra. Vì vậy, đòi hỏi người lính trọng án phải sắc bén, nhanh nhạy, bản lĩnh để đấu lý và đấu trí với tội phạm, có như vậy mới nhanh chóng phá án thành công.
“Nhiều năm lăn lộn với nghề, không ít vụ án để lại những ám ảnh, trăn trở, nhưng có lẽ, vụ sát hại nữ sinh Học viện Ngân hàng ở huyện Thường Tín khiến các chiến sĩ day dứt nhiều nhất. Khi nhận được tin báo, chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ có mặt phong tỏa hiện trường, phục vụ điều tra. Đối tượng chỉ vì số tiền vài trăm nghìn đồng đã ra tay tàn độc sát hại cô nữ sinh vừa mới bước chân vào giảng đường đại học. Căm phẫn bao nhiêu thì quyết tâm đưa thủ phạm ra ánh sáng càng lớn bấy nhiêu. Và dù các đối tượng trong vụ án đều quanh co chối tội, nhưng trước cái chết đầy oan khuất của nạn nhân, chúng tôi bằng các chứng cớ rõ ràng đã khiến các đối tượng phải khai nhận hành vi phạm tội” - Một cán bộ Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án kể lại.
Cán bộ, chiến sĩ trong Đội chia sẻ, khi đến nhà nạn nhân thắp nén hương tiễn biệt cô gái xấu số, trong lòng mọi người đều không khỏi xót xa. Họ đều là những người anh, người cha, nên cảm nhận được nỗi đau đớn của thân nhân người đã khuất. Vì thế, chiến công ấy đối với họ không phải là niềm vui trọn vẹn dù đã phải gian nan, vất vả, hy sinh. Họ lặng lẽ xếp lại những tấm Huân chương, Bằng khen… rồi tiếp tục chặng đường dài phía trước trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm.
Cán bộ, chiến sĩ Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội |
Gác lại nỗi niềm riêng
Thiếu tá Nguyễn Hữu Luyện, Phó Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án kể rằng, từng có những ngày dài theo chuyên án không về nhà, con nhớ bố gọi điện thoại nói chuyện mà sống mũi cứ cay cay. Có những đêm trở về nhà khi các con đã ngủ, anh vẫn khua chúng dậy để chơi đùa một lát cho vơi bớt cảm giác nhớ thương rồi sáng sớm lại lên đường. Có đồng chí trong Đội giờ đã bước sang tuổi 34 vẫn chưa lập gia đình và vẫn nói vui: “Chỉ huy giao cho tôi nhiều việc quá nên chẳng có thời gian mà đi tìm hiểu”. Nói là thế, nhưng nếu có án thì người lính hình sự ấy lại xung phong trước tiên để gánh bớt phần nào cho đồng đội có hoàn cảnh đặc biệt hơn. Họ không chỉ là đồng chí mà còn là người thân trong “ngôi nhà số 7”, đồng đội trong trận chiến cam go, phức tạp với tội phạm.
Chia sẻ về những người đồng đội của mình, Trung tá Lê Minh Hải, Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội nói: “Ở đây, chúng tôi không quản ngại ngày đêm, vất vả. Có những đồng chí khi vợ sinh nở cũng không ở bên cạnh, chỉ biết mặt con qua bức ảnh của người thân. Hay những lúc trên hành trình phá án, cha già, mẹ yếu, vợ ốm, con đau cũng không thể rời vị trí, buông nhiệm vụ để trở về nhà. Ngày giáp Tết, người người, nhà nhà đi mua sắm, chuẩn bị tươm tất cho đêm Giao thừa thì chúng tôi vẫn ở ngoài đường phá án. Lúc ấy, chạnh lòng lắm, nghĩ cùng là công việc mà người được ở bên gia đình, người thì phải lăn lộn ngoài tiết trời chuyển khắc. Rất, rất nhiều những điều mà chúng tôi không thể nói hết. Nhưng rồi, những cảm giác bất chợt ấy cũng qua đi, nhường lại cho sự quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cấp trên và nhân dân giao phó”.
Nếu tôn vinh họ là người lính hình sự thầm lặng thì những người mẹ, người vợ xứng đáng là “Anh hùng”. Bởi đằng sau những chiến công của chồng, của cha nơi “tiền tuyến” đều có sự hy sinh vô bờ bến của “hậu phương”. Nếu không có sự cảm thông, thấu hiểu và sẻ chia, hẳn là nhiệm vụ của người lính trọng án còn nặng nề thêm gấp bội. Đón họ trở về sau mỗi vụ án là nụ cười của con thơ, là bữa cơm với ánh mắt trìu mến của người vợ, là niềm tự hào của bậc sinh thành. Ước mơ giản đơn của mỗi người lính Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án trong “ngôi nhà hình sự” là được ở bên gia đình, người thân, đưa vợ con đi chơi và cùng nhau quây quần bên những bữa cơm chiều sau một ngày làm việc vất vả. Nhưng, ước mơ nhỏ bé ấy luôn vô cùng khó bởi họ đã xác định lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân là lẽ sống của đời mình.