Hành vi cố ý, đặc biệt nghiêm trọng

ANTĐ - Sau phiên toà xét xử vụ trốn thuế tại Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam do Lê Quốc Quân làm giám đốc, một số chuyên gia kinh tế, luật sư đã nêu quan điểm về vấn đề này.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà- Giám đốc Công ty Luật S&B
Hành vi cố ý, đặc biệt nghiêm trọng ảnh 1
Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Hành vi lập hồ sơ khống, hạch toán vào chi phí nhằm làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Việt Nam do Lê Quốc Quân làm giám đốc và là người đại diện theo pháp luật thuộc trường hợp nghiêm trọng. Về khách thể, tội trốn thuế xâm phạm quy định của Nhà nước về thuế làm suy giảm đến ngân sách Nhà nước. Mặt khách quan của của tội trốn thuế được thể hiện ở hành vi khai báo gian dối trong sản xuất, kinh doanh để không phải đóng thuế hoặc đóng mức thuế thấp hơn nhiều so với mức phải đóng. Hành vi này thường thể hiện ở việc gian dối trong kê khai hàng hóa trong sản xuất hoặc kinh doanh. Cụ thể Lê Quốc Quân là người giữ vai trò chính, đã chủ động chỉ đạo người khác giúp mình thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Thậm chí, Lê Quốc Quân biết rõ hành vi trốn thuế của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì vụ lợi vẫn cố tình thực hiện tội phạm. Đây là hành vi cố ý, đặc biệt nghiêm trọng.
Tại phiên tòa, Lê Quốc Quân không thừa nhận nội dung cáo trạng và cho rằng mình không có hành vi phạm tội “trốn thuế” thể hiện thái độ ngoan cố, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Mức án 30 tháng tù đối mà TAND TP Hà Nội tuyên phạt đối với Lê Quốc Quân là mức án quá nhẹ, thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước Việt Nam.

Thông tư liên tịch số 10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính về hướng dẫn, áp dụng một số điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán đã quy định tại điều 1 về tội trốn thuế áp dụng theo Điều 161 BLHS. Theo đó. người phạm tội trốn thuế là người thực hiện một trong các hành vi được quy định tại Điều 108 của Luật Quản lý thuế, đồng thời thỏa mãn các dấu hiệu được quy định tại Điều 161 của BLHS. Phạm tội trốn thuế trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại khoản 3 Điều 161 của BLHS được hiểu là trường hợp tuy số tiền trốn thuế có giá trị từ 300 triệu đồng đến dưới 600 triệu đồng, nhưng người phạm tội đồng thời thực hiện một trong các hành vi liên quan khác mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm độc lập, như đưa hối lộ; chống người thi hành công vụ; gây thương tích cho người thi hành công vụ; hủy hoại tài sản của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế và các cơ quan nhà nước khác có trách nhiệm trong việc thực hiện quản lý thuế. Trường hợp các hành vi này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm khác thì ngoài tội trốn thuế, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng.Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:Hành vi trốn thuế là vi phạm pháp luật
Hành vi cố ý, đặc biệt nghiêm trọng ảnh 2
Chuyên gia kinh tế 
Ngô Trí Long
Trong hoạt động kinh doanh, thuế là một phần thu nhập đáng kể của doanh nghiệp. Mọi khoản thu nhập, chi tiêu của doanh nghiệp hiện nay chưa được công khai, minh bạch nên điều này đã tạo kẽ hở cho hành vi trốn thuế xảy ra.

Về chế tài xử phạt hiện nay, mọi hành vi trốn thuế là hành vi vi phạm luật pháp, đã được đưa vào tội hình sự. Như vậy đã có sự nghiêm khắc, có sức răn đe đối với người trốn thuế rồi. Vì vậy, cơ quan chức năng cần xử lý công tâm, khách quan cho hành vi trốn thuế để đưa hoạt động này được minh bạch. 


TS Nguyễn Minh Phong: 
Cần nghiêm trị những trường hợp trốn thuế

Hành vi cố ý, đặc biệt nghiêm trọng ảnh 3
TS Nguyễn Minh Phong
Tôi cho rằng, một mặt Nhà nước tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng phải nghiêm trị những trường hợp nợ thuế không chính đáng, trốn thuế.

Trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế đang khó khăn, các doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ giảm thuế, giảm tiền thuê đất theo Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ. Nhờ đó giúp các doanh nghiệp giảm được khá tốt áp lực về chi phí tài chính.

Có một số doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, nhưng trong đó có nhóm gặp khó khăn thật, Chính phủ cũng đã có giải pháp giãn, hoãn nộp thuế.... Tuy nhiên, cũng có một nhóm không thể tránh khỏi là các doanh nghiệp lợi dụng hùa theo “kêu khó” rồi chây ỳ việc nộp thuế.

Trong việc này Chính phủ cũng đã đưa ra biện pháp ngăn chặn là ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về đảm bảo nguồn thu và chống thất thu ngân sách, trên tinh thần rà soát để để đảm bảo doanh nghiệp nào có lãi thật, không thuộc diện được miễn giảm, giãn hoãn thì phải nộp thuế. Đây cũng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp nào cũng cố tình chây ỳ, trốn thuế thì tình hình ngân sách Nhà nước sẽ căng thẳng quá mức. 

Luật sư Nguyễn Văn Hà –Văn phòng Luật sư Hà Lan và Cộng sự:

Mức án đối với Lê Quốc Quân là khá nhẹ

Hành vi cố ý, đặc biệt nghiêm trọng ảnh 4
Luật sư Nguyễn Văn Hà
Bản chất của tội phạm về kinh tế là vì mục đích kinh tế. Đây cũng chính là yếu tố then chốt để quyết định áp dụng hình phạt đối với người phạm tội. Về trường hợp Lê Quốc Quân rõ ràng mức độ trốn thuế là rất nghiêm trọng, lên đến hơn 600 triệu đồng. Vì thế các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng khoản 3, Điều 161-BLHS để đưa ra truy tố, xét xử là hoàn toàn chính xác.

Với khung khoản của tội danh này thì Lê Quốc Quân có thể bị xử phạt tới 7 năm tù giam. Tuy nhiên, mức án mà TAND TP Hà Nội áp dụng chỉ là 30 tháng tù. Và theo những gì tôi được biết thì đến tận khi vụ án được đưa ra xét xử, bị cáo vẫn chưa khắc phục hậu quả một đồng nào. Giả sử bị cáo đã khắc phục hết hậu quả hoặc đã khắc phục phần lớn hậu quả, thì có thể coi “cái giá” mà Lê Quốc Quân phải trả cho hành vi xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước như tòa tuyên là phù hợp và đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm chung.

Do đó theo quan điểm của cá nhân tôi, một lần nữa xin khẳng định mức án mà Lê Quốc Quân phải nhận vào chiều 2-10 vừa qua là rất “nhẹ nhàng” so với hành vi phạm tội, nhờ chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Vì tinh thần, đường lối xử lý của pháp luật nước ta đã xác định rõ, hình phạt áp dụng đối với người phạm tội không chỉ mang tính trừng trị, răn đe mà còn mang tính giáo dục, cải tạo sâu sắc.

Luật sư Lê Đức Bính – Công ty Luật Minh Đức Minh:

Không thể chấp nhận người hiểu luật lại vi phạm luật

Hành vi cố ý, đặc biệt nghiêm trọng ảnh 5
Luật sư Lê Đức Bính
Lê Quốc Quân đã từng học ngành luật, vậy mà lại có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đó là trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp tới hơn nửa tỷ đồng. Xét về hành vi, thủ đoạn phạm tội của Lê Quốc Quân rất tinh vi, quỷ quyệt. Ông ta đã “đạo diễn” và lập khống các hợp đồng cũng như chứng từ giả mạo nhằm làm tăng chi phí của doanh nghiệp, từ đó sẽ được khấu trừ khoản thuế thu nhập của công ty theo quy định… Tôi cho rằng đã là một công dân thì bất kỳ ai cũng phải tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Trong khi đó, Lê Quốc Quân lại là một luật sư, do đó trách nhiệm tôn trọng và tuân thủ pháp luật phải cao hơn rất nhiều so với những người dân bình thường. Điều này cũng đã được khẳng định tại Luật Luật sư cũng như các quy định về phẩm chất, đạo đức đối với ngành nghề. Còn về hình phạt và trách nhiệm hình sự mà Lê Quốc Quân phải chịu do TAND TP Hà Nội vừa quy kết với 30 tháng tù giam và phạt bổ sung bằng tiền, với quan điểm của tôi đối tượng đã được “giơ cao đánh khẽ”. Bởi lẽ theo tôi được biết, ngoài hành vi trốn thuế nghiêm trọng đã gây ra, Lê Quốc Quân không thành khẩn nhận tội và cũng chưa khắc phục hậu quả. Từ đó có thể thấy ông ta không chỉ biết luật nhưng vẫn phạm luật mà còn thể hiện rõ sự không biết ăn năn, hối cải để trở thành một người lương thiện. Đứng ở góc độ luật sư, một lần nữa tôi cho rằng xã hội không thể chấp nhận người hiểu luật lại vi phạm pháp luật.

Điều 161 về tội trốn thuế, Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định:

1. Người nào trốn thuế với số tiền từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.

2. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ ba trăm triệu đồng đến dưới sáu trăm triệu đồng hoặc tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

3. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ sáu trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến ba lần số tiền trốn thuế.