Hành trình chinh phục Nam Kang Ho Tao - một trong những cung leo núi khó nhất Việt Nam

ANTD.VN - Hành trình chinh phục đỉnh Nam Kang Ho Tao cao 2.881m ở Lào Cai - một trong những cung leo núi khó nhất vùng Tây Bắc, Việt Nam, khá vất vả, nguy hiểm, nhưng cũng đầy hứng thú đối với những người đam mê trải nghiệm, leo núi.

Nam Kang Ho Tao (cũng có người gọi là Nam Kang Hồ Tào) là đỉnh núi cao 2.881m, thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, địa phận tỉnh Lào Cai

Đại diện Vườn Quốc gia Hoàng Liên và một số người yêu thích leo núi, khám phá vừa có chuyến thực địa, khảo sát xuyên rừng quốc gia với đích đến là đỉnh Nam Kang Ho Tao.

Trước đây, tour leo núi Nam Kang Ho Tao từng được thực hiện với hành trình đi từ Tân Uyên (Lai Châu), lên đỉnh, và xuống tại Sapa, cung leo được coi là khắc nghiệt nhất khu vực Tây Bắc, Việt Nam

Tuy nhiên, chuyến khảo sát này nằm gọn trong địa phận thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, thuộc địa phận tỉnh Lào Cai

Một số ý kiến nói, cung leo từ phía Lai Châu hiểm trở hơn, đẹp hơn, so với cung leo lên và xuống thuộc phía Lào Cai...

Dù vậy, với những người leo núi không chuyên, hành trình leo đỉnh Nam Kang Ho Tao lên và xuống phía Lào Cai cũng được coi là rất khó.

Nhiều điểm phải lội suối, leo qua vách đá trơn trượt rất nguy hiểm...

Một trong những đoạn nguy hiểm nhất, một bên là núi, một bên là vực sâu hàng trăm mét

Đó là lý do hoạt động leo núi thường diễn ra trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 hàng năm. Những tháng còn lại ít ai đi leo núi vì rất nguy hiểm do mưa lũ có thể ập xuống bất cứ lúc nào.
Một trong những đoạn chưa phải là khó leo nhất khi chinh phục Nam Kang...
Nhưng nếu không có sức khỏe tốt và kinh nghiệm xử lý trơn trượt, cũng rất dễ bị ngã
Xen với một số đoạn không quá dốc qua những vườn thảo quả...
...Bất ngờ vẫn có những dốc đá đầy rêu trơn rất nguy hiểm
Càng nguy hiểm hơn với những đoạn phải đi xuyên qua hoặc dọc theo lòng suối đá đầy rêu trơn trượt. Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cát Cát (bìa trái ảnh), vừa chụp ảnh, vừa hướng dẫn cho một số thành viên cách đi an toàn
2 bạn thực tập sinh người Pháp cũng bất ngờ với độ khó của cung leo lên đỉnh Nam Kang Ho Tao. "Không có hãng nào trên thế giới có thể sản xuất nổi loại giày chống được trơn trượt kiểu này", một thực tập sinh cho biết.
Nhiều đoạn vượt suối nguy hiểm, các kiểm lâm viên phải trợ giúp một số người mới qua được. Một số người cởi giày đi chân đất, có người sục cả giày xuống nước....

Một thành viên hay đi phượt leo núi sử dụng loại "rọ" xích bằng thép chụp bên ngoài giày. Cách làm này chống trơn trượt rất hiệu quả.

Có thể bạn sẽ không hiểu nổi vì sao những người này lại rời khỏi nhà cửa, chăn ấm, nệm êm để ngủ rừng, uống nước suốt, leo trèo trên dốc đá nguy hiểm...
Nhưng trải nghiệm thiên nhiên mang lại nhiều cảm giác rất lạ. Nó gây "nghiện" và khiền con người ta sung sướng, sảng khoái khi vượt qua những giới hạn bản thân. Cũng có khi chỉ là được sống cùng những cây cỏ...
Bên cạnh thảm thực vật phong phú, hành trình chinh phục Nam Kang Ho Tao còn giúp người thích khám phá bất ngờ với những cây gỗ Pơ Mu đặc hữu của rừng Hoàng Liên
Đây là cây Pơ Mu cổ thụ, 5 người lớn giang tay ôm mới hết gốc, được coi là một trong những "cụ" Pơ Mu nhiều tuổi và "khủng" nhất còn tồn tại trong tự nhiên ở Việt Nam
Những cây hoa Đỗ Quyên đủ màu sắc rất đẹp và thơm
Một khối đá khổng lồ giữa suối thường được những người leo núi "check in". Gần đó là cây hoa Đỗ Quyên trắng cực đẹp
Những tháng cuối xuân đầu hè là thời điểm hoa Đỗ Quyên bung nở rực rỡ sắc màu và đượm hương thơm quyến rũ
Cận cảnh 1 cây hoa Đỗ Quyên trắng hồng giữa rừng Hoàng Liên
Hoặc đôi khi gặp những mảng rêu xanh mơn mởn cũng làm tâm ta lắng lại
Rất nhiều rêu xanh trên các thân cây trong rừng Hoàng Liên
Bất chợt nắng, những "cây rêu" bỗng bừng tỏa sáng đẹp mê hồn
Cũng có khi chỉ cần gặp những chồi non đỏ rực trên những thân cây xù xì cũng đủ làm nhiều người thích thú
Rừng Hoàng Liên như một "kho báu" bí ẩn thôi thúc những người mê leo núi khám phá
Ở đây hoàn toàn là rừng tự nhiên, thi thoảng mới có 1 cái lán thảo quả của người dân bản địa, hoặc lán bảo vệ của lực lượng kiểm lâm...
Vì thế, việc ăn nghỉ của cả đoàn khảo sát đều tạm bợ, tối giản
Việc nạp năng lượng đều diễn ra rất nhanh để tranh thủ nghỉ ngơi hoặc tiếp tục cho kịp hành trình
Nếu không nhanh, mưa rừng ập xuống là bị kẹt lại hoặc sẽ rất nguy hiểm nếu cố đi tiếp...
Giữa rừng núi mà kiếm được sung đỏ hoặc bi chuối rừng để chế biến thành món ăn thì thật tuyệt
Thêm chút nấm hương rừng tươi nấu với mì tôm, ăn ngon hơn ở nhà hàng 5 sao giữa đô thành rất nhiều
Một thành viên người bản địa đi cùng đoàn, có cách ăn mì đúng chất núi rừng.
Đơn giản là đổ nước sôi vào túi mì là thành món đặc sản!

Trong rừng cũng có rất nhiều cây có thể ăn được

Tuy nhiên nếu không phải là dân bản địa, bạn đừng tự ý ăn nếu không chắc nó có độc hay không. Đây là loại cây rừng, người bản địa gọi là cây Sun Sún

Một số thành viên cũng với kiểm lâm hiểu khá rõ về những cây rừng có thể ăn, giúp người đi rừng đỡ đói khát

Cây Sun Sún ăn rất ngon, vị thanh mát, chấm với chút gia vị, ăn rất lạ...

Ăn uống, rồi vật vã leo trèo mãi rồi cũng tới được đỉnh Nam Kang Ho Tao. Ai cũng hào hứng "check in" cùng biểu tượng ngọn núi có dòng chữ Nam Kang Ho Tao 2.881m
Không vui sao được khi có nhiều đoạn trên đường tưởng phải bỏ dở, không thể vượt qua để lên đỉnh Nam Kang Ho Tao

Ông Phạm Minh Đức (thứ 2 từ trái sang), Trưởng phòng Kinh tế tổng hợp, Vườn quốc gia Hoàng Liên, Trưởng đoàn khảo sát, cùng một số thành viên Vườn Quốc gia Hoàng Liên (gồm 2 thực tập sinh người Pháp) chụp ảnh lưu niệm tại đỉnh Nam Kang Ho Tao cao 2.881m

Ở độ cao 2.881m không khí khá loãng và rất lạnh. Một số người bản địa nhanh chóng nhặt củi khô, cẩn thận đốt lửa cho mọi người sưởi ấm...
Đồng thời tranh thủ nướng lại những ống cơm lam được mang từ Sa Pa lên để ăn chống đói
Ai ăn xong là tranh thủ xuống núi ngay. Vận động là một cách để giữ ấm cho cơ thể...
Đi xuống thảnh thơi hơn nên nhiều người tranh thủ chụp ảnh cùng những cây cổ thụ rêu phong

Những cây hoa Đỗ Quyên cổ thụ rất đẹp và giá trị về sinh học


Có những cây hoa Đỗ Quyên mọc nghiêng ra triền núi, trở thành điểm nghỉ ngơi, chụp ảnh tuyệt đẹp

Leo núi nguy hiểm 1 thì xuống núi nguy hiểm 10, do đi xuống khó kiểm soát hơn. Sơ í là trượt chân...
Có những chỗ cảm giác như phải nín thở, vì phải tập trung cao độ. Nếu trượt chân là xuống vực sâu hàng trăm mét, không còn cơ hội làm lại!
Nhưng những thác nước nguy hiểm lại chính là điếm hấp dẫn người leo núi
Hay khi vượt qua những cây cầu "tự chế" cũng rất thú vị
Cây cầu khá chắc chắn được tạo dựng để vượt suối khi có mưa lớn...

Tuy nhiên, một số người không đủ can đảm đi qua, phải trườn từng chút một...

Hành trình rất vất vả nhưng cũng đầy thú vị sau 3 ngày, 2 đêm chinh phục Nam Kang Hô Tao rồi cũng kết thúc. Đại diện lãnh đạo Vườn Quốc gia Hoàng Liên và một số thành viên bắt tay cảm ơn các "Porter" - người bản địa giúp vác đồ, hỗ trợ đoàn chuyến đi an toàn.
Bữa trưa khi kết thúc hành trình. Một số người tỏ ra khá mệt không ăn nổi, nhưng cũng có những người thốt lên: "Đây là bữa cơm ngon nhất trong đời"!
Ấm áp bữa cơm mừng chuyến đi thành công, an toàn, cũng là để chia tay, hẹn ngày gặp lại
Ông Phạm Minh Đức, Trưởng phòng Kinh tế tổng hợp, Trưởng đoàn khảo sát, và bà Trần Thị Thanh, Trưởng phòng Phát triển du lịch, Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết: Chuyến khảo sát đã thành công hơn mong đợi. Từ những thông tin thu thập được, đoàn sẽ báo cáo lãnh đạo Vườn Quốc gia Hoàng Liên xây dựng các phương án để phát triển du lịch ở Hoàng Liên
Mục tiêu là khai thác được các tiềm năng của rừng Hoàng Liên, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho người dân bản địa.
Từ đó nâng cao đời sống về nhiều mặt của người dân địa phương, góp phần bảo vệ rừng, bào vệ môi trường

Một số đoạn quá nguy hiểm trên cung leo núi Nam Kang Hô Tao sẽ được xem xét thiết kế lối đi mới, hoặc có các biện pháp hỗ trợ an toàn

Hy vọng, một ngày nào đó, những bản làng ở Tả Van, Sa Pa, Lào Cai dưới chân dãy Nam Kang, sẽ phát triển khang trang hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc đầy quyến rũ

Nhìn từ xa, đỉnh Nam Kang Hô Tao như cặp núi đôi bí ẩn lẫn vào trong mây gió, như thôi thúc những người đam mê leo núi một ngày trở lại...