Hàng nghìn người Iraq bị tổn thương tâm lý thời hậu chiến

ANTD.VN -Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) ngày 15/8 cho biết, hàng nghìn người tị nạn Iraq từng phải đi sơ tán để tránh xung đột vào thời điểm chính phủ nước này triển khai chiến dịch quân sự quy mô lớn chống lại nhóm khủng bố Nhà nước hồi giáo tự xưng (IS) ở thành phố Mosul, đang bị mắc các triệu chứng tổn thương tâm lý.

Theo các số liệu của Liên hợp quốc (LHQ) và chính phủ Iraq, chiến dịch quân sự quy mô lớn được triển khai từ tháng 10/2016 nhằm giải phóng Mosul từ các tay súng IS cũng đã buộc hơn 900.000 dân thường phải sống tha hương. 

Theo IOM, hơn 24.000 người Iraq từng đi sơ tán kể từ khi quân đội nước này bắt đầu cuộc chiến tái chiếm Mosul vào cuối năm 2016 đang cần hỗ trợ tâm lý.

Hơn 4 triệu dân Iraq đã phải sơ tán, kể từ tháng 1/2014. 

Báo cáo của IOM cho hay, nhiều tuần sau khi thành phố Mosul được giải phóng, hàng loạt người đi sơ tán hiện đang có các dấu hiệu của bệnh căng thẳng và lo âu

Đặc biệt, nhiều trẻ em đã bị dư chấn tâm lý nghiêm trọng nhất và cần phải được hỗ trợ tâm lý trong thời gian dài. IOM cho biết thêm, nhiều trẻ em sơ tán từ Mosul có xu hướng bộc lộ hội chứng hồi quy phát triển, lo âu trầm trọng, hội chứng thờ ơ (apathy) cũng như dễ cáu giận và la hét. 

Trong suốt thời gian chiếm giữ một số thành phố của Iraq, các chiến binh IS đã tra tấn, hành quyết và bắt hàng nghìn người làm nô lệ, đồng thời sử dụng nhiều dân thường làm lá chắn sống hoặc bắn chết họ một khi họ có ý định chạy trốn.