Chiều 7/2, trên đường vào phủ Tây Hồ chật kín người.
Thời tiết nắng ấm nên rất nhiều người đổ về đây lễ đầu năm.
Theo quan niệm dân gian, phủ Tây Hồ là nơi cầu tài lộc, may mắn, công danh vô cùng linh thiêng.
Dù ban quản lý di tích đóng cửa phòng chống dịch Covid-19 nhưng người dân vẫn đến vái vọng ở cổng chùa
Dù là ngày đầu đi làm nhưng người dân vẫn đến lễ rất đông
Chị Nguyễn Thu Hương, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: Năm nào đầu năm tôi cũng đi lễ Phủ Tây Hồ. Năm nay dù ban quản lý đóng cửa nhưng tôi nghĩ lễ bên ngoài cũng được, thành tâm là chính.
Các bàn viết sớ cũng "đắt khách" hơn, trung bình viết sớ cho một hộ gia đình có giá 100.000 đồng.
Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng người dân vẫn tập trung tại đây rất đông.
Người dân để lễ vật ở cổng di tích.
Anh Trần Mạnh Hảo, huyện Hoài Đức, Hà Nội chia sẻ: Năm nay con gái tôi thi đại học nên tôi đến đây cầu cho gia đình mạnh khỏe, con gái đạt được nguyện vọng vào trường đại học theo ý muốn.
Càng về chiếu dòng người đổ về càng đông. Chị Nguyễn Hương Ly, quận Thanh Xuân cho biết: Hôm qua gia đình mới từ quê lên. Hôm nay đi làm tranh thủ về sớm qua lễ đầu năm.
Trong khi đó, tại chùa Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn mở cửa đón du khách. Chùa Hà nổi tiếng là ngôi chùa cầu duyên linh ứng nên rất đông bạn trẻ đến đây cầu duyên.
Mọi người đến chùa Hà đều mang những bó hồng dâng lễ. Lễ vật cầu duyên bao gồm vàng, hương… và không thể thiếu hoa hồng – loài hoa tượng trưng cho tình yêu đôi lứa.
Nhiều người tin rằng nếu đến chùa Hà cầu duyên, người đang độc thân sẽ tìm được ý trung nhân, "khi đi lẻ bóng khi về có đôi".
Không chỉ là nơi cầu duyên, người dân tới chùa Hà còn để cầu bình an, sức khỏe và may mắn.
Dự đoán trong những ngày tới sẽ có nhiều người đến lễ đầu năm do người dân từ quê đã lên thành phố.