- Bắt 10 đối tượng vụ đoàn xe chạy tốc độ cao tông cô gái 27 tuổi tử vong
- Triệu tập nhóm thanh thiếu niên đánh võng trên phố gây hậu quả nghiêm trọng
Đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn
Hiện tượng thanh thiếu niên tụ tập gây rối và thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật đã và đang diễn ra nhức nhối ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tại Hà Nội, thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của tình hình, lực lượng CATP đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, bắt giữ các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập, điều khiển xe máy phóng nhanh, lạng lách, gây rối trật tự công cộng. Ban Giám đốc CATP chỉ đạo xây dựng Chuyên đề, Kế hoạch xuyên suốt đến các quận, huyện, thị xã để phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với loại "tội phạm đường phố" này.
|
Nhóm đối tượng điều khiển xe máy lạng lách, tông cô gái 27 tuổi tử vong rạng sáng 3-11 tại quận Hoàn Kiếm |
Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội, chủ yếu nhóm đối tượng này ở khu vực ngoại thành, thậm chí từ các tỉnh ngoài di chuyển vào trung tâm thành phố, nhất là các tối cuối tuần, mang theo hung khí để khuếch trương “thanh thế”, mục đích quay clip đăng lên các nền tảng mạng xã hội, hoặc đi giải quyết mâu thuẫn vì những lý do...không đâu vào đâu.
Cơ quan Công an cũng nhận định, đây là các nhóm chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, hầu hết đều chưa nhận thức được đầy đủ về pháp luật, học theo các trào lưu trên mạng xã hội, bị kích động bởi các trò chơi điện tử bạo lực dẫn đến vi phạm pháp luật mà không nghĩ rằng mình sẽ trở thành đối tượng bị pháp luật xử lý, điều chỉnh.
|
Đối tượng trực tiếp gây tai nạn khiến cô gái 27 tuổi tử vong có tuổi đời còn rất trẻ |
Trên cơ sở đó, Phòng Cảnh sát hình sự đã triển khai các tổ công tác phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn. Trong đó, tập trung lực lượng tuần tra, kiểm soát tại các điểm “nóng”, các tuyến phố thường xuyên xuất hiện những nhóm thanh, thiếu niên “đầu trần”, điều khiển xe phóng nhanh, lạng lách, nẹt pô…
"Xác định đây là vấn nạn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ lụy khó lường, Công an các đơn vị cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, kết hợp phòng ngừa nghiệp vụ với phòng ngừa xã hội. Song song với việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức, lực lượng Công an đã tổ chức tuần tra khép kín, đặc biệt vào ban đêm và các ngày cuối tuần để ngăn chặn", chỉ huy Phòng CSHS thông tin.
|
Tổ tuần tra Công an huyện Ứng Hòa nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các nhóm thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng |
Đơn cử, tại địa bàn huyện Ứng Hòa, Công an huyện đã báo cáo xin ý kiến Ban Giám đốc CATP và xây dựng Phương án lập chốt kết hợp tuần tra lưu động ban đêm, nhằm phòng, chống tội phạm liên quan đến thanh thiếu niên điều khiển phương tiện, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng.
Để phương án đạt hiệu quả cao, Công an huyện Ứng Hòa đã có công văn trao đổi với Công an các địa bàn giáp ranh, tổ chức lễ ký kết trong công tác phối hợp. Mục tiêu là tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn tội phạm đường phố, đặc biệt là đối với các nhóm thanh thiếu niên có hành vi tụ tập đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối.
|
Các lực lượng tập trung phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa, không để các đối tượng tụ tập thành đoàn điều khiển xe máy phóng nhanh, lạng lách, gây rối trật tự công cộng |
Tương tự, Công an quận Hà Đông phối hợp Công an các huyện Thanh Oai, Chương Mỹ xây dựng cơ chế liên kết trao đổi thông tin, phối hợp tuần tra và quản lý đối tượng có nguy cơ trở thành "tội phạm đường phố". Cùng với việc tổ chức hội nghị tiếp xúc, trao đổi với thanh thiếu niên, CAQ Hà Đông mới đây đã phối hợp cùng Viện KSND và TAND quận đưa ra xet xử gần 20 bị cáo trong diện "tội phạm đường phố"...
Là lực lượng đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh an toàn giao thông cho người dân trên các tuyến phố, Chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông - CATP Hà Nội cho biết, đơn vị đã quán triệt 100% cán bộ chiến sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan để kịp thời phát hiện, bắt giữ các nhóm thanh thiếu niên có biểu hiện đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng.
Trong đó, các tổ công tác 141 không chỉ làm nhiệm vụ cắm chốt tại các tuyến trọng điểm, phối hợp với các tổ hóa trang tuần tra, mà còn tập trung tại các tuyến xuyên trục, xuyên tâm, cửa ngõ, nhằm phát hiện từ sớm, từ xa các đối tượng để chặn giữ, “chia cắt”, không để các đối tượng nhập thành từng đoàn đi vào sâu trong nội thành…Hiện nay, Phòng CSGT đang phối hợp triển khai cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm người điều khiển phương tiện mà không đủ điều kiện, trong đó tập trung chính vào thanh thiếu niên và những cá nhân giao xe cho con em, người thân mà biết rõ không đủ điều kiện cầm lái.
Tuy nhiên, thực tế các biện pháp trên mới chỉ giải quyết được phần "ngọn". Bởi thực tế nhiều trường hợp vi phạm bị phát hiện, khi kiểm tra xác minh nhân hân đều còn ít tuổi, hoặc chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự. Nên vô hình trung đã khiến các đối tượng “nhờn luật”, hoặc “không biết sợ”. Có đối tượng bị bắt vài lần nhưng “đâu vẫn vào đấy”, dù cha mẹ ký đủ loại cam kết!
Đừng mãi "đổ" những phức tạp và nguy cơ tội phạm ra xã hội
Quay trở lại vụ tai nạn giao thông khiến cô gái 27 tuổi tử vong rạng sáng 3-11 vừa qua; mẹ của N.T.M.K, một trong số những đối tượng trực tiếp gây ra tai nạn cho nạn nhân, tường trình bản thân đi ăn cỗ, để chìa khóa xe máy ở nhà nên con trai đã lén lấy xe đi cùng bạn bè, rồi gây ra vụ việc.
Chị Lan Hương, một phụ huynh tại quận Ba Đình (Hà Nội), chia sẻ: “Chúng tôi luôn dặn con không được đi quá giờ và phải báo khi có việc ra ngoài, nhưng có vẻ nhiều bậc phụ huynh lại quá dễ dãi trong việc cho con cái tự do. Họ không biết rằng chỉ một phút thiếu kiểm soát cũng có thể dẫn đến hậu quả đau lòng”.
Anh Nguyễn Văn Mạnh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: “Phụ huynh cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc giáo dục và giám sát con cái. Đôi khi chúng ta nghĩ con đã trưởng thành và có thể tự lập, nhưng thực tế là các em còn rất non nớt, dễ bị tác động xấu từ bạn bè và các thông tin lệch lạc trên mạng xã hội”.
Đồng quan điểm ấy, bà Hoàng Thị Thanh (quận Hoàn Kiếm), bày tỏ: “Vụ tai nạn trên thật sự quá đau lòng cho cả gia đình nạn nhân, và với chinh các cháu gây ra vụ việc. Cha mẹ lơ là, buông lỏng quản lý, mặc cho trẻ tiếp cận những thông tin độc hại, những trò chơi mạo hiểm, hay game online, trong khi đó, nếu các con được quan tâm hơn, chăm sóc tốt hơn thì sẽ khó bị tác động bởi những yếu tố tiêu cực.
Tôi cho rằng, trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về gia đình mà gần gũi nhất là cha mẹ. Cha mẹ có yêu thương con, định hướng và giáo dục con trẻ thì chúng mới hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình là gì, để từ đó phấn đấu học tập, trở thành người có ích cho xã hội”.
Thực tế cho thấy, gia đình là môi trường đầu tiên của một đứa trẻ, sau đó mới đến nhà trường và xã hội. Có không ít những gia đình cha mẹ mải mê kiếm tiền, mục đích để lo cho con cái, nhưng khi nhìn lại thì chính sự thiếu quan tâm, không sát sao, gần gũi con trẻ đã khiến chúng sa đà vào các mối quan hệ xã hội, để rồi bị cám dỗ, rủ rê. Nhận thức chưa đầy đủ, cộng với sự lơ là của gia đình, những đứa trẻ này rất dễ trở nên hư hỏng.
|
Các thanh thiếu niên bị Đội Cảnh sát giao thông số 6 chặn giữ vì có dấu hiệu điều khiển xe gây rối trật tự công cộng |
Rất nhiều bậc phụ huynh luôn tự hào khoe “cháu ở nhà ngoan lắm”, nhưng có bao nhiêu thời gian những đứa trẻ này ở nhà? Và liệu, có khi nào trước mặt bố mẹ, chúng tạo ra một vỏ bọc ngoan ngoãn để “qua mặt” phụ huynh, rồi ra xã hội thì lao theo chúng bạn, để rồi có cái kết như những đối tượng trong vụ tai nạn làm chết người rạng sáng 3-11 vừa qua?
Điều đáng nói ở đây là gì? Khi các đối tượng lấy xe máy phóng ra đường lúc đêm khuya thì các bậc làm cha làm mẹ đang ở đâu? Họ có biết việc con mình đang làm? Hậu quả đã thấy rất rõ, khi nạn nhân xấu số mất đi để lại bao đau đớn, mất mát cho gia đình. Còn những “nam thanh, nữ tú” chưa tới 20 tuổi kia thì đối mặt với tù tội, lỡ dở cả cuộc đời...
|
Sẽ là quá muộn nếu các bậc phụ huynh không có sự quan tâm đúng mực đến con em mình |
Lúc này, kiếm tiền để làm gì? Có đáng hay không thưa những bậc làm cha làm mẹ? Chúng ta có các ban, ngành, đoàn thể, nhà trường, tất cả cùng chung tay để mang đến một xã hội tốt đẹp hơn. Song, vai trò, trách nhiệm của cha mẹ là không thể thay thế. Những mất mát đau lòng như vụ tai nạn vừa qua là bài học đắt giá, nhắc nhở về tầm quan trọng của việc quản lý, giáo dục con em đúng cách.
Một lần nữa xin nhấn mạnh, mỗi đứa trẻ sinh ra đều cần nhận được sự quan tâm đầy đủ về vật chất và tinh thần. Hãy làm sao để chúng trở thành người có ích chứ không phải là gánh nặng cho xã hội. Người lớn hãy đừng "đổ" những phức tạp và nguy cơ tội phạm - những đứa trẻ thiếu sự quản lý, giáo dục - ra xã hội...
Làm rõ hành vi, xử lý triệt để tội phạm để tạo sự răn đe, phòng ngừa chung
Theo Điều 12 – Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau: người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Như vậy, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi mặt.
Về vụ việc đau lòng và nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận mà báo chí thông tin, liên quan đến nhóm đối tượng thanh thiếu niên điều khiển xe máy tốc độ cao, lạng lách đánh võng và đâm vào một phụ nữ đang dừng đèn đỏ ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội);
theo thông tin báo chí phản ánh, bước đầu, cơ quan điều tra đã triệu tập 10 đối tượng và làm rõ 2 hai trong số đó là thủ phạm đâm xe máy khiến người phụ nữ tử vong tại chỗ. Trong đó, 1 đối tượng nữ sinh năm 2005 và 1 đối tượng nam sinh năm 2008.
Tôi cho rằng, giả sử quá trình điều tra có đủ căn cứ kết luận nguyên nhân người phụ nữ tử vong là do các đối tượng nêu trên đâm xe máy gây ra, thì 1 trong 2 hoặc cả 2 đối tượng sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 260 - Bộ luật Hình sự, tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Hình phạt của tội danh này là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Trường hợp không có giấy phép lái xe theo quy định hoặc điều khiển phương tiện trong tình trạng có sử dụng rượu, bia với nồng độ cồn vượt quá mức quy định, sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác thì mức hình phạt tù sẽ là từ 3 năm đến 10 năm.
Với đối tượng sinh năm 2008, nếu thời điểm phạm tội, gây ra cái chết cho người phụ nữ mà đủ 16 tuổi (tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự) thì khi lượng hình, Tòa án sẽ áp dụng chính sách pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội, hình phạt thấp hơn người thành niên.
Một vấn đề mà tôi cho rằng cũng hết sức quan trọng và cần thiết trong vụ việc này, đó là quá trình điều tra, nếu phát hiện 2 đối tượng điều khiển xe máy gây ra cái chết cho người phụ nữ trên phố Trần Hưng Đạo đã được người khác giao phương tiện khi không đủ điều kiện điều khiển (không có giấy phép lái xe theo quy định), hoặc phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, thì người giao xe máy cho các đối tượng sẽ bị xem xét, xử lý hình sự theo nhóm Tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ. Cụ thể là Điều 262 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi và bổ sung 2017 (tội “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng không đảm bảo an toàn); hoặc Điều 263 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi và bổ sung 2017 (tội “Điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”); và rõ nhất là Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi và bổ sung 2017 (tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”).
Theo quy định của Điều 264, trường hợp người phạm tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt là từ 3 năm đến 7 năm tù, thì sẽ xếp vào loại tội phạm nghiêm trọng.
Trong vụ việc này, đối với các đối tượng liên quan có hành vi điều khiển xe máy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, mặc dù không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của người phụ nữ đứng chờ đèn đỏ, nhưng hành vi của các đối tượng là nguy hiểm cho xã hội và luôn tiềm ẩn, tiềm tàng những loại tội phạm khác.
Do đó, quá trình điều tra nếu đủ căn cứ thì cơ quan chức năng cần thiết phải xử lý những đối tượng này về tội “Gây rối trật tự công cộng”, theo quy định tại Điều 318 – Bộ luật Hình sự.
Hình phạt của tội danh này là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Hình phạt cao nhất của tội danh này lên đến 7 năm tù.
Trường hợp nếu không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì nhất thiết phải áp dụng chế tài hành chính ở mức cao nhất, thì mới bảo bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.
(Luật sư Trịnh Văn Tuyến – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)