Hàng loạt bác sĩ, nhân viên y tế bị bắt trong vụ trục lợi bảo hiểm đối diện hình phạt nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vụ hàng loạt bác sĩ, nhân viên y tế bị bắt trong vụ trục lợi bảo hiểm mới đây khiến dư luận phẫn nộ. Nhiều người đề nghị cần xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi trục lợi…

5 bác sĩ, 14 nhân viên y tế và người môi giới đã bị CATP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố về hành vi làm giả giấy tờ, trục lợi bảo hiểm xã hội, y tế với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Các bị can gồm 3 bác sĩ là các trưởng phòng khám đa khoa Long Bình Tân, Tân Long và Hiền Phước; 2 bác sĩ là Phó phòng khám đa khoa Tam Đức và chuyên khoa tại Phòng khám đa khoa Mỹ Đức. Số còn lại là dược sĩ, nhân viên y tế và người chuyên môi giới làm giả giấy tờ tại các phòng khám.

Nhóm bị can đã tham gia làm giả 130.000 giấy chứng nhận nghỉ bệnh để trục lợi bảo hiểm; bán hơn 400 giấy khám sức khỏe khống cho công nhân quyết toán chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Với sự tiếp tay của các đối tượng này, nhiều công nhân đã giả vờ bị bệnh rồi mua "giấy xác nhận bệnh" của các phòng khám trên, nộp cho công ty, gửi cho bảo hiểm xã hội để được chi trả 75% lương, gây thất thoát không nhỏ cho ngân sách Nhà nước.

Lực lượng chức năng khám xét một cơ sở có dấu hiệu làm giả giấy tờ

Lực lượng chức năng khám xét một cơ sở có dấu hiệu làm giả giấy tờ

Phân tích hành vi trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi trên có dấu hiệu của Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan.

Điều 341 BLHS 2015 quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; 2 lần trở lên; Làm từ 2-5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Thu lợi bất chính 10- dưới 50 triệu đồng…thì bị phạt tù từ 2-5 năm.

Trường hợp làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên hoặc thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù 3-7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, khi xác định con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức có bị làm giả hay không phải căn cứ vào con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức là con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ có thật.

Với hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân cũng tương tự như đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, song khác ở chỗ, người có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân không nhằm chiếm đoạt tài sản mà nhằm mục đích khác như dùng bằng tốt nghiệp giả để xin việc, dùng giấy xác nhận có bệnh rởm gửi BHXH để lĩnh tiền.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành cơ bản của phạm tội này, nhưng hậu quả lại là tình tiết định khung hình phạt. Về mặt chủ quan, người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cỗ ý. Họ có thể là người có chức vụ, quyền hạn có trách nhiệm trong việc khắc con dấu, trong việc quản lý con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức.

Đối với vụ hàng loạt bác sĩ, nhân viên y tế bị bắt do làm giả giấy tờ, trục lợi bảo hiểm ở Đồng Nai, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hậu quả của, tính chất của hành vi từ đó xác định khung hình phạt đối với từng đối tượng – luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.