Hàng giả hoành hành, vai trò, trách nhiệm của lực lượng quản lý ở đâu?

ANTD.VN - Hiện nay, công tác chống hàng giả, hàng nhái nói chung và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói riêng ở Việt Nam đang là vấn đề được các doanh nghiệp và người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Bên cạnh nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp cũng rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các địa phương trong việc đẩy mạnh công tác này.


Theo khảo sát của riêng Công ty NGK chuyên sản xuất bugi xe gắn máy, thì có đến 20,5% bugi của hãng bị giả mạo tại thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp đã nhiều năm kiên trì thực hiện các biện pháp chống hàng giả như kiểm tra, ghi nhận thông tin về hàng giả, phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra xử lý.

Từ năm 2014 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 44.500 vụ việc về hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2017, cả nước phát hiện hơn 3.800 vụ, trong đó có những vụ việc lớn được cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng như lụa Trung Quốc giả nhãn mác Việt Nam của Khaisilk; thuốc giả của VN Pharma, hay 14000 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nhãn mác của TS Group… Vấn nạn hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn nhức nhối.

Bên cạnh sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong bảo vệ thương hiệu thì lực lượng chức năng ở các địa phương cũng phải đẩy mạnh hơn nữa công tác này. Rõ ràng, khi số lượng hàng giả, hàng nhái của một thương hiệu đã lên tới hàng chục nghìn sản phẩm thì để sản xuất và đưa ra thị trường sản lượng ấy, Trách nhiệm quản lý, kiểm soát của lực lượng chức năng của các địa phương là rất mờ nhạt, nếu như không muốn nói là hoạt động không hiệu quả.