Hai phương án lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo

ANTĐ - Hôm qua, 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải được công bố công khai, minh bạch 

(Trong ảnh: cử tri phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội
theo dõi phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội, tháng 7-2012)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày 2 phương án về diện cán bộ thực hiện, tần suất tiến hành, việc công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm và phương án xử lý nếu lấy phiếu tín nhiệm không đạt quá bán. Về diện cán bộ thực hiện, phương án 1 bao gồm những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ở Trung ương với tổng số 49 người. Ở phạm vi HĐND, thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, số lượng lấy phiếu tối đa 20 người đối với HĐND cấp tỉnh, 12 người đối với HĐND cấp huyện và 7 người đối với HĐND cấp xã. 

Phương án 2, sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với toàn bộ những người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, với tổng số lên tới 430 người. Số người giữ các chức vụ do HĐND bầu ở HĐND cấp tỉnh được lấy phiếu tín nhiệm  khoảng 50 - 65 người, ở HĐND cấp huyện khoảng 20 - 30 người, ở HĐND cấp xã là 5 - 7 người.

Bên cạnh các phương án nêu trên, có ý kiến đề nghị chỉ nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí là thành viên Chính phủ, thành viên UBND. Ý kiến khác đề nghị Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn như phương án 1; HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu theo phương án 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, đa số ý kiến trong Ban chỉ đạo và ý kiến của các cơ quan được tham khảo đã tán thành phương án 1 của Đề án. Nếu theo phương án này, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm sẽ do Quốc hội và HĐND tiến hành tại phiên họp toàn thể của các cơ quan này.

Góp ý về vấn đề này, đa số ý kiến trong UBTVQH cũng tán thành phương án 1. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm có thể tiến hành ở các cấp độ khác nhau, các chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực của các Ủy ban chỉ nên lấy ý kiến trong hội đồng, ủy ban nơi họ công tác là đủ. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với cả các ĐBQH chuyên trách để nâng cao tính trách nhiệm của đội ngũ này…

Đáng lưu ý, nhiều thành viên UBTVQH đề nghị dành cơ hội cho các cán bộ không đạt được tỷ lệ tín nhiệm cần thiết (thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm) phát huy “văn hóa từ chức” trước khi các vị này được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, phiếu tín nhiệm nên thiết kế thêm câu hỏi: có nên bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ đó hay không? Ông phân tích: “Khi người cho ý kiến trả lời câu hỏi này, Quốc hội sẽ có được tỷ lệ đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm mà Hiến pháp quy định (khi có từ 20% đại biểu Quốc hội trở lên đề nghị thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm - PV). Như vậy vừa phù hợp với pháp luật, vừa đảm bảo yêu cầu kịp thời xử lý những cán bộ mất uy tín nghiêm trọng”. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò ý kiến, mức độ tín nhiệm của ĐBQH, ĐB HĐND về cán bộ. Bỏ phiếu là để thể hiện quan điểm có giữ cán bộ đó lại làm việc tiếp nữa hay không. Đề án quy định theo hướng lấy phiếu thăm dò, tín nhiệm thấp thì mới bỏ phiếu, sau khi có kết quả bỏ phiếu sẽ tiến hành các thủ tục bãi miễn cán bộ nếu cần thiết.

Nhiều thành viên UBTVQH cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cần được công bố công khai, minh bạch. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói: “Lấy phiếu rồi phải công khai kết quả. Nhưng đề nghị làm 2 năm liên tục hãy lấy phiếu tín nhiệm, bởi hiệu quả của công việc quản lý điều hành cần có thời gian mới thể hiện chính xác”. Đồng ý tần suất lấy phiếu tín nhiệm nên là 2 năm một lần, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lưu ý đến một lý do khác. Ông nêu vấn đề: “Lấy phiếu tín nhiệm thường xuyên quá nhiều khi cũng làm cán bộ chùn tay, mất tính quyết đoán”. Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ nên tiến hành hàng năm... Sau phiên họp của UBTVQH, Đề án sẽ được tiếp thu hoàn thiện một bước, trình Bộ Chính trị cho ý kiến, sau đó tiếp tục được chỉnh lý và trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 4. Chiều 14-9, UBTVQH nghe và cho ý kiến về dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).

Tin cùng chuyên mục