Hạ viện Mỹ bầu được Chủ tịch mới, chấm dứt tình trạng Quốc hội tê liệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nỗ lực của đảng Cộng hòa gạt bất đồng sang một bên để dồn phiếu ủng hộ ứng cử viên Mike Johnson đã giúp chấm dứt tình trạng tê liệt trong Quốc hội Mỹ do không bầu được Chủ tịch. Sóng gió đã tạm yên trên đồi Capitol.
Các thành viên Hạ viện chúc mừng tân Chủ tịch Mike Johnson

Các thành viên Hạ viện chúc mừng tân Chủ tịch Mike Johnson

Thành viên lãnh đạo cấp thấp trong đảng Cộng hòa trúng cử

Ngày 25-10 (theo giờ Washington), với 220 phiếu thuận, Hạ viện Mỹ đã bầu Hạ nghị sĩ Mike Johnson thuộc đảng Cộng hòa, đại diện của bang Louisiana, làm Chủ tịch Hạ viện sau 3 tuần chiếc ghế lãnh đạo này bị bỏ trống, khiến hoạt động của cơ quan lập pháp này rơi vào tê liệt.

Theo quy định, bất cứ ứng cử viên nào cũng cần giành được ít nhất 217 phiếu để có được chiếc búa tượng trưng cho quyền lực của Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Trong vòng bỏ phiếu kín trong nội bộ đảng Cộng hòa cuối ngày 24-10, ông Johnson đã giành được 128 phiếu ủng hộ trong tổng số 221 phiếu, nhiều hơn bất cứ ứng viên nào trước đây nhưng vẫn là chưa đủ. Trong vòng bỏ phiếu lưỡng đảng vào cuối ngày 25-10, tất cả những hạ nghị sĩ của đảng Cộng hòa tối 24-10 đã quyết định dồn phiếu cho ông Johnson để đối đầu với ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ là Hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries của bang New York, lãnh đạo khối thiểu số tại Hạ viện.

Kết quả kiểm phiếu cho thấy, ứng cử viên Johnson được 220 phiếu ủng hộ, vượt qua ngưỡng cần thiết 217 phiếu để đắc cử Chủ tịch Hạ viện, trong khi ứng cử viên Jeffries của đảng Dân chủ chỉ được 209 phiếu, mất 3 phiếu so với các vòng đối đầu với các ứng cử viên khác của đảng Cộng hòa trước đó. Như vậy, ông Johson đã chiến thắng và trở thành Chủ tịch Hạ viện thứ 56 của Mỹ.

Trước đó, trong lần đầu nhóm họp, các hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa đã chọn lãnh đạo khối đa số tại Hạ viện Steve Scalise (bang Louisiana) nhưng ông này rút lui trước vòng bỏ phiếu chính thức khi biết chắc sẽ không đủ số phiếu. Lần thứ 2, Hạ nghị sĩ Jim Jordan (bang Ohio), Chủ tịch Ủy ban tư pháp Hạ viện, qua 3 vòng bỏ phiếu vẫn không kiếm đủ sự ủng hộ, nên đảng Cộng hòa đành bỏ qua ứng cử viên này. Lần thứ 3, ứng viên được đề cử là Tom Emmer (bang Minnesota), nhân vật số 3 của đảng Cộng hòa tại Hạ viện nhưng ông này cũng phải rút lui chỉ sau vài giờ được đề cử khi phe cực hữu nhất quyết chống đối. Kết quả là người nhiều phiếu thứ hai là ông Mike Johnson đã được đề cử và trúng cử.

Quá trình bầu Chủ tịch Hạ viện Mỹ cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa, thể hiện rõ ở việc các thành viên cực hữu không chấp nhận một Chủ tịch theo đường lối truyền thống hơn, trong khi các hạ nghị sĩ ôn hòa không muốn có lãnh đạo là người theo đường lối cứng rắn. Chính điều này đã tạo điều kiện cho ông Johnson, dù chỉ là một thành viên cấp thấp hơn trong đội ngũ lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện, trúng cử.

Ông Mike Johnson, 51 tuổi, là thành viên của Hạ viện Mỹ từ năm 2016 và hiện đang đảm trách nhiệm kỳ Hạ nghị sĩ thứ 4. Là một trong những đồng minh trung thành nhất của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử Tổng thống năm 2020, ông Johnson nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của ông Trump. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm 25-10, ông Trump tuyên bố: “Tôi nghĩ ông ấy (Johnson) sẽ là một Chủ tịch Hạ viện tuyệt vời. Ai cũng yêu quý ông ấy”.

Tháng 12-2020, ông Johnson đã đứng ra thu thập chữ ký ủng hộ vụ kiện do Texas dẫn đầu yêu cầu Tòa án Tối cao can thiệp vào việc kiểm phiếu ở một số bang mà Tổng thống Joe Biden đã thắng. Ông đã thuyết phục được hơn 60% thành viên Cộng hòa tại Hạ viện ký vào đơn kiến nghị. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao sau đó đã bác bỏ vụ kiện. Chính vì thế, ngay sau khi ông Johnson được bầu là Chủ tịch Hạ viện Mỹ, đảng Dân chủ tỏ ra ái ngại về tiểu sử của tân lãnh đạo Hạ viện vì ông Johnson phản đối dự luật công nhận bình đẳng hôn nhân và đóng vai trò then chốt trong nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử Tổng thống năm 2020.

Tranh cãi về phương cách bầu Chủ tịch Hạ viện

Việc ông Mike Johnson được bầu làm Chủ tịch Hạ viện đã chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 22 ngày qua sau khi ông Kevin McCarthy bất ngờ bị phế truất khỏi chức Chủ tịch Hạ viện hôm 3-10, sự kiện lần đầu tiên xảy ra trong 234 năm lịch sử của Mỹ, mở ra triển vọng để Quốc hội Mỹ giải quyết các vấn đề cấp thiết, trong đó có việc xem xét gói chi tiêu an ninh quốc gia trị giá 106 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden công bố ngày 20-10 nhằm tăng cường an ninh biên giới của Mỹ, cũng như gửi hàng tỷ USD viện trợ đến Israel và Ukraine, đặc biệt là đạt thỏa thuận về gói chi tiêu giúp tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ trong bối cảnh thời hạn chót ngày 17-11 đang đến gần.

Phát biểu với các nhà lập pháp, ông Johnson cho biết, hành động đầu tiên của ông khi lãnh đạo Hạ viện là đưa ra một nghị quyết hỗ trợ Israel trong cuộc xung đột với lực lượng Hamas. Ông nói: “Dự luật đầu tiên mà tôi sắp đưa ra trong thời gian ngắn sẽ nhằm ủng hộ Israel, và giờ đã quá hạn để hoàn thành việc đó”, đồng thời cảnh báo rằng “đồng minh lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông đang bị tấn công”.

Sóng gió đã tạm yên trên chính trường Mỹ nhưng việc Quốc hội Mỹ tê liệt nhiều tuần vì bất đồng trong nội bộ đảng Cộng hòa khiến không thể bầu được Chủ tịch Hạ viện, nhân vật quyền lực chỉ đứng sau Tổng thống và Phó Tổng thống, khiến dư luận và trong và ngoài chính trường Mỹ bàn tán nhiều.

Có ý kiến cho rằng việc bầu chọn Chủ tịch Hạ viện không nên dựa trên việc tuân theo truyền thống vì cần phải điều chỉnh, cũng như không nên dựa trên quyền lực chính trị vì lợi ích cá nhân hoặc đảng phái. Họ cho rằng trong Quốc hội Mỹ, do khoảng cách chênh lệch tương đối hẹp giữa các đảng, để tránh việc bỏ phiếu gặp khó khăn, một liên minh gồm các thành viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có thể nhất trí từ chối bỏ phiếu cho một lãnh đạo của đảng này hay đảng kia vào chức Chủ tịch Hạ viện. Thay vào đó, họ có thể chọn một Chủ tịch thực sự độc lập, thậm chí cả người không phải là thành viên Hạ viện, để lãnh đạo cơ quan này. Trên thực tế, một số đảng viên Cộng hòa cực hữu từng chỉ ra rằng chức Chủ tịch không nhất thiết phải là thành viên Hạ viện và đề nghị để cựu Tổng thống Donald Trump hoặc một trong những người thân tín của ông giữ chức vụ này.

Cũng có ý kiến cho rằng nên học kinh nghiệm của Hạ viện Anh, nơi chức Chủ tịch được lựa chọn thông qua bỏ phiếu, nhưng cuộc bỏ phiếu đó không phải là cuộc chiến giữa các đảng phái để xem ai sẽ mang lại lợi thế cho đảng của họ hơn. Vấn đề là ai có được sự tôn trọng và tin tưởng để lãnh đạo cơ quan lập pháp một cách công bằng và danh dự thì bầu người đó. Để đảm bảo điều này, luật pháp Anh quy định bất kỳ ai được đề cử làm Chủ tịch Hạ viện đều phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 3 thành viên của một đảng không phải là đảng của người được đề cử, và việc bỏ phiếu được tổ chức bằng hình thức bỏ phiếu kín để hạn chế sự nâng đỡ hoặc nguy cơ bị trả thù. Sau khi được bầu, Chủ tịch Hạ viện sẽ không còn là thành viên của bất kỳ đảng phái chính trị nào.