Hà Nội yêu cầu sớm triển khai giải pháp chấm điểm khả tín khách hàng vay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 2024, Hà Nội sẽ thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, ứng dụng "Công dân Thủ đô số", giải pháp chấm điểm khả tín khách hàng vay...
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Chiều 17-1, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án 06 trên địa bàn thành phố năm 2023, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 2024.

Những dấu ấn mạnh mẽ

Năm 2023, Hà Nội đạt nhiều kết quả tích cực trong việc triển khai Đề án 06. Việc khai thác, ứng dụng dữ liệu dân cư bắt đầu cho thấy nhiều hiệu quả. Ứng dụng, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia (CSDLQG) về dân cư thay thế cho việc xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú;

Gần 7,1 triệu người có thẻ BHYT trên địa bàn Thành phố đã được đồng bộ với dữ liệu dân cư, có thể sử dụng CCCD để khám chữa bệnh; 718/718 (100%) các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn áp dụng dùng CCCD để tra cứu thông tin khi khám chữa bệnh BHYT; 50.000 chữ ký được cấp miễn phí cho công dân Thủ đô.

Người dân đang từng bước được hưởng thụ lợi ích mà Đề án 06 mang lại.

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết 07/2023 NQ- HĐND quy định về mức phí, lệ phí bằng không khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến đến hết ngày 31/12/2025. Điều này giúp tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân.

Nhằm giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn trong giải quyết TTHC, chủ tịch UBND thành phố ra Chỉ thị số 15 về việc thực hiện Cao điểm 60 ngày đêm rà soát, xử lý 6 điểm nghẽn trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công.

Đến nay, cơ bản các nhiệm vụ đã được hoàn thành: Thành phố đã phân quyền quản trị hệ thống của TTHC cho giám đốc, thủ trưởng các sở ngành; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Thành phố đã cơ bản đáp ứng yêu cầu; hoàn thành chuẩn hóa quy trình điện tử của 1893/1893 thủ tục hành chính; hoàn thành khai báo, kiểm thử và tiếp nhận hồ sơ thanh toán trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia: 950/1.191 DVC, tăng hơn 60% so với ban đầu.

Kết thúc năm 2023, BCĐ đề án 06 thành phố để lại dấu ấn mạnh mẽ bằng kết quả tích cực trong triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 185/NQ-CP, trong đó giao UBND TP chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử, triển khai thí điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội; UBND TP đã ban hành kế hoạch, văn bản đề nghị các bộ, ngành Trung ương phối hợp, hỗ trợ kết nối triển khai; đồng thời đôn đốc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Thành phố triển khai thực hiện.

Đến nay, Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố Hà Nội được triển khai, cài đặt, vận hành thử nghiệm. Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã đã tiến hành tổng rà soát phục vụ công tác đồng bộ cơ sở dữ liệu về lịch sử khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội lên Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố để phục công tác quản lý, điều hành của ngành y tế Thành phố.

Tính đến ngày 15/01/2024, đã có 46.799 hồ sơ đã được đẩy thành công lên cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VneID. Hơn 3.200 tài khoản đã được cấp cho các đơn vị, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng hệ thống...

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm giám sát điều hành thông minh

Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc CATP Hà Nội đã thông tin về những nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thúc đẩy đề án 06, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong năm 2024.

Theo đó, UBND TP yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, quận, huyện, thị xã tiếp tục duy trì quyết tâm chính trị cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 06 của cơ quan, địa phương mình trong năm 2024.

Ban hành kế hoạch triển khai Đề án 06 trong năm 2024; tập trung đồng bộ các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh triển khai thực hiện 28 mô hình điểm theo lộ trình đã được đặt ra.

Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn. Đẩy nhanh việc thực hiện ký số trên thiết bị di động. Nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa theo đúng quy định.

Thực hiện chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp dựa trên dữ liệu thời gian thực theo Quyết định số 766 ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo công khai, minh bạch, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính

Đề ra lộ trình để hoàn thành 9 nhóm đơn giản hóa thủ tục hành chính và Đề án 06 đã đề ra trong giai đoạn 2022-2025.

Tập trung khai thác, sử dụng thông tin dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường truy thu thuế cho Nhà nước.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử trong các lĩnh vực ngân hàng, y tế, bảo hiểm, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, quản lý nhà nước; thu thập, xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo chỉ đạo, hướng dẫn của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và các Bộ, ngành về cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng nhà, xây dựng nhà ở hộ tịch, y tế, an sinh xã hội của thành phố;

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm giám sát điều hành thông minh của thành phố để triển khai phân tích dữ liệu phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và các chính sách khác.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky đề nghị, Sở Y tế chủ trì triển khai thực hiện thí điểm việc quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn Thành phố; thực hiện đánh giá kết quả thí điểm, đề xuất UBND TP báo cáo Chính phủ để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

Sở Tư pháp chỉ đạo các quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hà Nội: Triển khai giải pháp chấm điểm khả tín khách hàng vay để người dân tiếp cận được với nguồn vốn nhanh chóng, hiệu quả theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an.

Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu việc phát triển phiên bản App của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố trên điện thoại. Đẩy nhanh tiến độ thuê hạ tầng, kho dữ liệu của Thành phố.

Văn phòng UBND TP triển khai ứng dụng "Công dân Thủ đô số" để giúp người dân, doanh nghiệp tương tác trực tiếp với Cơ quan Nhà nước Thành phố trên môi trường số; cung cấp các dịch vụ, tiện ích hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực...

Chính quyền phục vụ - Doanh nghiệp cống hiến – Người dân hạnh phúc

Năm 2024, mục tiêu mà Hà Nội hướng tới, đó là: người dân, doanh nghiệp dù ở bất kỳ đâu, đều có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng các dịch vụ công, các ứng dụng số, nền tảng số, được cung cấp thông tin đầy đủ, được phục vụ kịp thời. Xác định Năm 2024 là năm "Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Hà Nội đang từng bước xây dựng Chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số... góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại – một Thủ đô xanh, thanh bình và thịnh vượng với hệ giá trị cốt lõi: “Chính quyền số - Chính quyền phục vụ; Kinh tế số - Doanh nghiệp số - Doanh nghiệp cống hiến; Xã hội số - Văn hóa số - Xã hội niềm tin; Công dân số - Người dân hạnh phúc”