Hà Nội xem xét dừng thêm một số loại hình kinh doanh không thiết yếu như bia hơi...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, về cơ bản, người dân đã tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, tuy nhiên, còn một số nơi có tình trạng tập trung đông người, Chủ tịch UBND TP đề nghị xem xết tiếp tục tạm dừng một số loại hình ăn uống không thiết yếu như quán bia hơi...

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị

Nhanh chóng triển khai khu cách ly tại các quận huyện

Tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy với Ban cán sự Đảng và Ban Chỉ đạo phòng dịch Covid-19 TP chiều 10-5, báo cáo Bí thư Thành ủy, các quận huyện cho biết đang quyết liệt triển khai các công việc cần thiết để khoanh vùng dập dịch và kiến nghị nhiều nội dung đang vướng mắc ở địa phương. Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Hà Nội đã trả lời ngay các vướng mắc.

Là 1 trong 3 điểm nóng, Bí thư Huyện uỷ Đông Anh Lê Trung Kiên đề xuất, TP sớm có vaccine tiêm diện rộng; mỗi địa bàn đều có bệnh viện dã chiến; có nơi cách ly ở từng quận, huyện và giao quân đội phụ trách; chỉ đạo ban quản lý Khu công nghiệp chế xuất TP đảm bảo công tác phòng chống dịch tại chỗ…

Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức nơi cách ly tại địa bàn.

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm và sàng lọc ở các khu có dịch ở huyện triển khai các bước tiếp. Sở Y tế chuyển 16 trường hợp F1 về phòng khám đa khoa Tô Hiệu. Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đồng ý và chỉ đạo tăng tốc xét nghiệm và sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao trên địa bàn huyện.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân kiến nghị cho huyện thành lập khu cách ly tập trung tại C4, C5 Học viện Nông nghiệp; sớm có phương án tổ chức, phân luồng giao thông tại Quốc lộ 17 và tuyến đê hữu Đuống; cho xét nghiệm toàn bộ đối với 4 thôn của xã Kim Sơn (2.178 hộ dân); bổ sung cho Trung tâm Y tế huyện 1 xe chuyên dùng để chuyên chở các trường hợp F1 về khu cách ly; đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm để thuận tiện truy vết, khoanh vùng nhanh hơn.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh khẳng định Gia Lâm là địa bàn có nguy cơ rất cao, do giáp ranh với vùng dịch tại huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) vì vậy huyện cần tăng tốc thực hiện các giải pháp, chốt chặn toàn bộ các đường ngang, ngõ tắt; các tổ Covid -19 cộng đồng của huyện tăng cường nắm bắt di biến động của người dân thời điểm trước, trong và sau khi huyện Thuận Thành giãn cách xã hội.

Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Y tế và Sở Giao thông vận tải phối hợp với huyện trong triển khai khu cách ly, tổ chức phân luồng giao thông theo kiến nghị của huyện.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư Lệnh Thủ đô kiến nghị Thường trực Thành ủy chỉ đạo các địa phương kích hoạt ngay các khu cách ly tại địa phương.

Qua rà soát 16 địa phương, có thể tổ chức khu cách ly cho 23.000 người; Tổ chức cách ly chặt chẽ không để lây chéo, sau cách ly bàn giao cho địa phương quản lý chặt.

Khu cách ly phải có camera, kiểm tra xem có kiểm soát hết các hoạt động không…

“Diễn biến dịch bệnh phức tạp, sát ngày bầu cử, đề nghị TP nâng mức cảnh báo cao, lãnh đạo các cấp không được rời khỏi thành phố. Hiện nay, học sinh rời TP nhiều, nhiều công dân phải cách ly tập trung nên TP cần có phương án đảm bảo quyền bầu cử của công dân”, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt nói.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, đã giao cho các DN trên địa bàn TP dự trữ 17 mặt hàng thiết yếu với tổng giá trị 194.000 tỷ đồng.

Đồng thời, dự trữ nguồn hàng hỗ trợ cho các tỉnh lân cận; xây dựng phương án đảm bảo hàng hóa cho các khu cách ly. “Nguồn hàng TP dồi dào, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá” – bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Bà Trần Thị Phương Lan kiến nghị TP, trong trường hợp dịch bùng phát mạnh thì đối với các xe vận chuyển hàng hóa chỉ cần Sở lập danh sách gửi Sở GTVT, Công an TP thì kích hoạt để hoạt động ngay mà không cần xin phép UBND TP; dẹp chợ cóc, chợ tạm giảm nguy cơ lây nhiễm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá…

Nâng mức khuyến cáo phòng dịch lên cao hơn

Báo cáo Bí Thư Thành ủy về một số nội dung quan trọng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh khẳng định, thời gian qua, các đơn vị đã quyết liệt vào cuộc theo chỉ đạo nhất quán kiên quyết, của đồng chí Bí Thư Thành ủy: Chủ động ,quyết liệt, kịp thời, linh hoạt ở tất cả các khâu; khoanh vùng hẹp, quản lý chặt theo diễn biến của dịch tễ.

Theo Chủ tịch UBND TP, các chỉ đạo không chỉ trên văn bản mà còn nhiều sáng tạo hiệu quả như: “Ở Đông Anh đã có mô hình khoanh vùng 3 lớp: vùng lõi có ca bệnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, ngoài là Chỉ thị 15, vòng ngoài cùng là Chỉ thị 19 nên đã kiểm soát hiệu quả, nhanh chóng”.

Theo Chủ tịch UBND TP, các chuyên gia đánh giá, sắp tới sẽ còn gia tăng các ca bệnh, cần chú trọng nguy cơ F0 từ địa bàn các tỉnh giáp ranh với Hà Nội. Chủ tịch UBND TP nêu việc vẫn còn chỗ này chỗ kia thực hiện chưa quyết liệt như ở công viên, vườn hoa vẫn tụ tập; loại hình kinh doanh không thiết yếu như bia hơi vẫn đông người…

Chủ tịch UBND TP đề nghị xem xét tiếp tục tạm dừng một số loại hình ăn uống không thiết yếu như quán bia hơi...

Chủ tịch UBND TP nêu việc các chuyên gia khuyến cáo, chủng virus mới từ Ấn Độ hiện nay có mức độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, do vậy, việc thực hiện khuyến cáo 5K hiện nay cần nâng cao, Chủ tịch Hà Nội cho biết TP sẽ có quy định cụ thể từ khoảng cách giãn cách người với người đến việc tránh tụ tập đông người ra sao.

TP cũng sẽ phối hợp MTTQ xây dựng quỹ phòng chống Covid trên địa bàn để chủ động phương án mua và tiêm vaccine cho bà con Thủ đô và tăng cường chế độ đối với tuyến đầu chống dịch.

“UBND TP sẽ có công điện mới sớm nhất để chỉ đạo tiếp tục nâng cao mọi mặt công tác chống dịch”, Chủ tịch UBND TP nói.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội

CATP thực hiện hiệu quả các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh Covid-19

Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP cho biết, vừa qua, trong dịp nghỉ lễ vừa qua, CATP đã có văn bản yêu cầu CBCS không ra khỏi thành phố để tập trung chống dịch cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm trong lực lượng.

Theo Giám đốc CATP, vừa qua, toàn TP, các sở ngành, địa phương đã chủ động hơn, quyết liệt hơn, phối hợp nhanh hơn, ứng phó tốt hơn trong phòng chống dịch bệnh.

Trong đó, lực lượng CATP đã triển khai hiệu quả các phần việc. Trung tướng Nguyễn Hải Trung dẫn chứng: Ngay sau khi có chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, lực lượng công an từ TP đến các phường đã huy động mọi lực lượng có mặt ở các điểm công cộng để giải tán việc tụ tập và tuyên truyền các biện pháp phòng dịch; xử phạt nghiêm các vi phạm phòng dịch.

“Riêng về hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, từ 29-4 đến 9-5, CATP đã xử phạt 2.326 trường hợp với số tiền 3 tỷ 753 triệu đồng. Qua đó đã răn đe, giáo dục, tuyên truyền làm hạn chế vi phạm”.

CATP cũng đã quyết liệt, triệt để trong việc phát hiện, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép. Từ khi nhận nhiệm vụ Giám đốc CATP, Trung tướng Nguyễn Hải Trung đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và chỉ đạo rà soát lại mọi mặt về công tác này từ trước đến nay.

Vừa qua, Công an TP cũng đã triển khai mạnh công tác này; phát hiện xử lý 10 vụ với nhiều đối tượng. Các hoạt động vi phạm pháp luật về phòng chống Covid-19 trên mạng đợt này cũng giảm hẳn đi bởi TP đã tuyên truyền tốt, CATP phối hợp xử lý nghiêm.

Trước bài học dịch bệnh lây lan từ các chuyên gia nhập cảnh, Giám đốc CATP đề nghị Sở LĐ-TB&XH quản lý chặt chẽ việc cấp phép cho người lao động, chuyên gia nước ngoài nhập cảnh; CATP sẽ phối hợp chặt chẽ để rà soát quy trình.

“Các đơn vị nên có cơ chế trao đổi thông tin hiệu quả hơn, cập nhật thường xuyên, ứng dụng CNTT để đảm bảo nhanh chóng, kịp thời mọi mặt công tác”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nói.