Hà Nội tổ chức thi tốt nghiệp THPT: Quy mô lớn, đòi hỏi chu đáo, an toàn ở mức độ cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá Hà Nội huy động người, phương tiện tham gia vào công tác thi rất lớn, có nhiều phần công việc nặng nề, đòi hỏi tính chu đáo, an toàn cũng ở mức độ cao hơn các địa phương khác.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT tại trường THCS Trần Duy Hưng, Cầu Giấy Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT tại trường THCS Trần Duy Hưng, Cầu Giấy Hà Nội.

Theo Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, GD-DT Hà Nội là địa phương chiếm khoảng 1/10 số lượng thí sinh cả nước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, như mọi năm, công tác chấm thi ở Hà Nội khá vất vả bởi số lượng bài thi tương đối lớn.

Ông Huỳnh Văn Chương đề nghị Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT của thành phố cần phải quyết liệt trong công tác chấm thi để tổng hợp, gửi dữ liệu về Bộ đúng thời hạn.

Cùng với đó, cần tổng kiểm tra lần cuối cho tất cả các điểm thi, đặc biệt là các địa bàn xa, để đảm bảo việc triển khai các công việc hiệu quả, nghiêm túc.

Đồng thời dành sự quan tâm đặc biệt đến các đối tượng thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt, hỗ trợ tốt nhất cho các thí sinh tham dự kỳ thi.

Trao đổi về phương án tổ chức chỉ đạo của Kỳ thi, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, cùng với Ban Chỉ đạo cấp thành phố, 30 quận/huyện/thị xã đều thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện. Việc phân công nhiệm vụ Ban Chỉ đạo, ban hành các kế hoạch tổ chức, hướng dẫn tổ chức Kỳ thi của TP Hà Nội bảo đảm chỉ đạo xuyên suốt từ cấp thành phố đến cơ sở.

Từ nay đến khi Kỳ thi diễn ra, thành phố Hà Nội sẽ triển khai công tác hướng dẫn, tập huấn công tác coi thi, thanh tra thi; tiếp tục hoàn thiện chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo tổ chức Kỳ thi; chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi diễn biến của dịch bệnh, mưa bão, cấp điện để triển khai tổ chức Kỳ thi tại địa phương phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thí sinh và những người tham gia tổ chức Kỳ thi.

“Thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực phục vụ công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT bảo đảm diễn ra an toàn, nghiêm túc, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi”, ông Trần Thế Cương khẳng định.

Bộ trưởng nhấn mạnh cần thiết cẩn trọng đối với một kỳ thi có tính chất quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp THPT

Bộ trưởng nhấn mạnh cần thiết cẩn trọng đối với một kỳ thi có tính chất quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp THPT

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự chuẩn bị của Thủ đô, đã chuẩn bị bài bản, cẩn thận, chuyên nghiệp cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Công tác chuẩn bị đã đúng theo kế hoạch, yêu cầu chung đối với kỳ thi.

"Dù năm nào cũng tổ chức thi nhưng chúng ta vẫn phải nhắc nhau về sự quan tâm, cẩn trọng đối với một kỳ thi có tính chất quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp.

Hà Nội có số lượng thí sinh lớn, phạm vi địa bàn rộng, thành phần thí sinh đa dạng với trên 4.000 phòng thi, huy động gần 15.000 cán bộ làm công tác coi thi,... những con số này đã cho thấy mức độ huy động người, phương tiện tham gia vào công tác thi rất lớn, có nhiều phần công việc nặng nề, đòi hỏi tính chu đáo, an toàn cũng ở mức độ cao hơn", Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng cũng nêu ra một số vấn đề Thành phố Hà Nội cần lưu tâm.

Thứ nhất, việc huy động cán bộ coi thi với số lượng lớn, trên 15.000 người, nên các cán bộ coi thi cần được tập huấn đầy đủ, chu đáo. Tài liệu tập huấn nhiều, nên cần tóm lược, nhấn mạnh những điểm cần thiết, quan trọng để tạo thuận lợi cho cán bộ coi thi.

Đặc biệt phải lưu tâm việc có lực lượng cán bộ dự phòng đầy đủ trong trường hợp cần thiết, nhất là các quận huyện có số lượng điểm thi lớn thì càng phải có số lượng nhân sự dự phòng nhiều hơn. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ với các thầy cô giáo làm công tác coi thi.

Thứ hai, đối với học sinh, thành phố cần lưu ý công tác hỗ trợ cho học sinh đi thi, dành sự quan tâm đến những thí sinh chuyên biệt, những thí sinh thiệt thòi, tiếp tục có nhiều sự hỗ trợ cho những đối tượng thí sinh đặc biệt.

Hiện, có những thí sinh đăng ký miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng hệ thống vẫn báo phải thi, cần lưu ý những trường hợp này, để giải đáp cho thí sinh và cho phụ huynh đầy đủ thông tin liên quan đến kỳ thi.

Thứ ba, về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, thành phố đã chuẩn bị khá chu đáo, thời gian tới, cần tiếp tục quan tâm rà soát lại, đặc biệt, cần ưu tiên trang thiết bị tốt nhất cho khâu in sao đề thi và khâu chấm bài thi trắc nghiệm, kèm theo đó phải có sự kiểm tra của con người để tránh rủi ro về kỹ thuật.

Thứ tư, về công tác phòng chống gian lận thi cử bằng công nghệ cao, thành phố cần tiếp tục lưu tâm để có phương án phòng ngừa hiệu quả, hướng tới kỳ thi nghiêm túc, an toàn.

Bộ trưởng cho biết, với thành phố Hà Nội, các sở ngành khác cũng cần có sự hỗ trợ đắc lực. Như về giao thông, nguy cơ tắc đường luôn cao nên cần có sự tham gia của đội ngũ Công an làm nhiệm vụ phân luồng, ưu tiên vấn đề giao thông để học sinh đi thi tránh xảy ra ùn tắc, đảm bảo trật tự an ninh các khu vực cổng trường, điểm thi.

Hà Nội cũng có nguy cơ ngập úng, ngập lụt nếu trời mưa lớn. Thành phố phải có phương án dự phòng cho những trường hợp xấu xảy ra, vì nếu thí sinh khi bị ướt, hay gặp sự cố xe cộ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của thí sinh.

Về y tế, thành phố đã có chuẩn bị các điều kiện về để đảm bảo sức khỏe đối với cả thí sinh và cán bộ coi thi.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần lưu ý các khâu về thông tin, truyền thông liên quan đến kỳ thi, chủ động thông tin cho báo chí, thông tin giải thích cho phụ huynh, học sinh về các nội dung của kỳ thi.

Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT TP Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định, thành phố xác định qua buổi làm việc này, một lần nữa rà soát các công việc, để triển khai các nhiệm vụ tốt hơn.

Trưởng Ban chỉ đạo thi Thành phố Hà Nội cho biết, dù thành phố vừa tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có quy mô tương tự như kỳ thi tốt nghiệp nhưng không chủ quan, chú ý rà soát công việc và triển khai kỹ lưỡng.

Ngoài những vấn đề, quy định chung, thành phố sẽ chủ động với các tình huống, phân công rõ trách nhiệm để có phương án xử lý hiệu quả.

Sở GD-ĐT phối hợp với Công an Thành phố để xử lý, có phương án cho các tình huống, rà soát tất cả các điểm thi vì mỗi điểm thi có đặc điểm, tính chất khác nhau.

Đặc biệt, thành phố rút kinh nghiệm sâu sắc từ công tác in sao đề thi để có điều chỉnh, tránh những sai sót xảy ra.

Về công tác truyền thông, thành phố đã chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo, sở thông tin và truyền thông để truyền thông sâu rộng hơn tới phụ huynh, thí sinh, tránh xảy ra trường hợp thí sinh vi phạm quy chế thi.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, vẫn có thí sinh mang điện thoại vào phòng thi dù không sử dụng, như vậy là rất đáng tiếc vì các em đã vi phạm quy chế thi.

Với những trường hợp thí sinh đặc biệt cần hỗ trợ, ví dụ thí sinh bị tai nạn, thời gian qua, thành phố cũng đã có phương án xử lý, hỗ trợ thí sinh, được nhân dân đồng tình đánh giá cao.

Về giao thông, các điểm thi cơ bản như kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, thành phố tiếp tục rà soát và có thêm phương án tổ chức giao thông, phòng tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn giao thông để tạo thuận lợi tốt nhất cho thí sinh.

Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục rà soát kỹ, chuẩn bị các phương án, các lực lượng đã sẵn sàng, xác định tinh thần, hôm nào kết thúc kỳ thi, chấm thi và công bố kết quả thi thì mới hoàn thành nhiệm vụ.