UBND TP Hà Nội mới có Công văn số 999/UBND-KTN chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện, thị xã về việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt.
Theo đó, để giảm thiểu thiệt hại do chuột gây ra, góp phần bảo vệ sản xuất trồng trọt, UBND TP yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch số 209/KH-UBND ngày 05/8/2022 của UBND TP về kế hoạch diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các đơn vị chuyên môn chủ động xây dựng kế hoạch diệt chuột hàng vụ, hàng năm để bảo vệ sản xuất trồng trọt với các biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình canh tác, đặc điểm tình hình kinh tế xã hội tại địa phương;
Tổ chức phát động phong trào diệt chuột; tổ chức các tổ nhóm diệt chuột cộng đồng theo các đợt “diệt chuột tập trung”.
Tùy theo tình hình cụ thể tiến hành từ 3-5 đợt diệt chuột/năm, thực hiện đồng bộ các biện pháp diệt chuột. Tổ chức diệt chuột cả ngoài đồng, ven khu dân cư, bờ mương máng và các diện tích đất bỏ hoang.
Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả; hạn chế sử dụng nilon quây từng ruộng nhỏ để bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung, thuốc diệt chuột nói riêng ở địa phương; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, đặc biệt là kinh doanh, sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên điều tra, nắm chắc diễn biến, phân bố và dự báo khả năng phát sinh gây hại. Đề xuất kế hoạch diệt chuột cộng đồng, hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt các đợt diệt chuột tập trung, đồng loạt.
UBND TP cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt việc sản xuất, chăm sóc cây trồng kết hợp với công tác phòng chống chuột.
Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước của đơn vị; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Tham mưu kịp thời hiệu quả, phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn nông dân công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt.