Hà Nội tiếp tục đầu tư mạnh cho y tế

ANTĐ - Trong 3 ngày, từ 4 đến 6-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012 trên địa bàn Hà Nội. Sau khi giám sát tại cơ sở, chiều 6-3, đoàn làm việc với UBND TP Hà Nội, dưới sự chủ trì của đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Báo cáo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc tại buổi làm việc cho thấy, trong 3 năm qua, Quỹ BHYT của thành phố đều có kết dư. Cụ thể, năm 2010 kết dư 571 tỷ đồng, năm 2011 là 319,6 tỷ đồng, năm 2012 ước tính 871 tỷ động. Mặc dù có kết dư quỹ nhưng người bệnh BHYT vẫn phải bỏ tiền túi khám bệnh. Lý do chủ yếu là vì bệnh nhân vượt tuyến, nên chỉ được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh BHYT bằng 70% tại BV hạng III, 50% tại BV hạng II, 30% BV hạng I theo quy định của Bộ Y tế. 

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, do đặc thù của Hà Nội có nhiều BV lớn của Trung ương và của thành phố, người dân Hà Nội cũng có điều kiện kinh tế khá hơn nên tình trạng vượt tuyến khá phổ biến. Nhìn chung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không muốn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế phường và nếu có đăng ký tại đây thì họ cũng sẵn sàng vượt tuyến, chấp nhận cùng chi trả. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi bệnh nhân, mà còn gây quá tải BV tuyến trên. 

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, trong thời gian qua, Hà Nội luôn quan tâm đầu tư và tạo mọi điều kiện cho các công tác an sinh xã hội nói chung, y tế nói riêng. Tỷ lệ tham gia BHYT của Hà Nội hiện chưa đạt như mong đợi, nhưng theo Chủ tịch UBND TP, để tăng tỷ lệ này không dễ, nhất là các đối tượng tự nguyện. Vì vậy, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung khắc phục quá tải BV, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để huy động người dân tham gia BHYT, nhất là có chính sách động viên, khích lệ những đối tượng tham gia BHYT tự nguyện. Đồng thời Hà Nội cũng sẽ kiểm tra lại, tăng cường quản lý Nhà nước về công tác này, xem xét nâng mức hỗ trợ tham gia BHYT cho các đối tượng khó khăn, đặc biệt là hộ cận nghèo để họ có thể tham gia BHYT. 

Đánh giá cao về công tác thực hiện chính sách BHYT của Hà Nội, bà Tòng Thị Phóng cũng đề nghị Bộ Y tế, cơ quan BHXH Việt Nam hỗ trợ để Hà Nội thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Riêng Hà Nội cần tuyên truyền tốt hơn để huy động người dân mua thẻ BHYT.