Hà Nội siết chặt quản lý trật tự giao thông - đô thị

(ANTĐ) - Nghiên cứu tổ chức giao thông khu vực phố cổ; siết chặt quản lý hoạt động của xe ô tô điện, xe xích lô du lịch, xe taxi và các điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố là những nhiệm vụ công tác đang được  CATP Hà Nội phối hợp với các ngành chức năng cùng UBND quận Hoàn Kiếm triển khai thực hiện; được đông đảo người dân và báo chí quan tâm. Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc CATP, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội cho biết:

Hà Nội siết chặt quản lý trật tự giao thông - đô thị

(ANTĐ) - Nghiên cứu tổ chức giao thông khu vực phố cổ; siết chặt quản lý hoạt động của xe ô tô điện, xe xích lô du lịch, xe taxi và các điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố là những nhiệm vụ công tác đang được  CATP Hà Nội phối hợp với các ngành chức năng cùng UBND quận Hoàn Kiếm triển khai thực hiện; được đông đảo người dân và báo chí quan tâm. Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc CATP, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội cho biết:

- Có thể thấy rằng, ở Hà Nội không có nơi nào mật độ du khách và mật độ giao thông đông đúc như ở phố cổ. Bài toán giao thông khu vực phố cổ đã trải qua nhiều thử nghiệm, có những thử nghiệm đã thành công, đi vào nền nếp như nhiều con phố từ hai chiều nay đi một chiều cho mọi phương tiện; nhiều hè phố không được để phương tiện, chỉ dành cho người đi bộ…

Tuy nhiên, do việc quản lý vỉa hè, lòng đường bị buông lỏng; việc xử phạt các hành vi vi phạm như hoạt động không đúng quy định của xe xích lô du lịch chưa nghiêm; ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân chưa cao dẫn tới việc áp dụng các biện pháp để ổn định trật tự giao thông - đô thị ở đây chưa đạt hiệu quả, gây nên tình trạng lộn xộn, ùn ứ thường xuyên.

Để lập lại trật tự giao thông khu vực phố cổ cần phải có một giải pháp toàn diện hơn, với những biện pháp quản lý tốt hơn. Tổ chức lại giao thông phố cổ phải bằng việc lập các tuyến đường đi bộ, hạn chế tối đa các loại phương tiện gây cản trở giao thông cũng như ô nhiễm môi trường như xích lô, xe máy, ô tô; từng bước thay thế và mở rộng phạm vi hoạt động của phương tiện giao thông sạch…

TTATGT và trật tự đô thị ở phố cổ Hà Nội đang dần đi vào quy củ, nền nếp bằng các giải pháp tổng thể và quyết liệt
TTATGT và trật tự đô thị ở phố cổ Hà Nội đang dần đi vào quy củ, nền nếp bằng các giải pháp tổng thể và quyết liệt

- PV: Với quan điểm trên, các cơ quan chức năng đã triển khai việc đảm bảo TTATGT, TTĐT khu vực phố cổ như thế nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Đức Nhanh: CATP đã chủ trì, phối hợp với Sở GT-VT, UBND quận Hoàn Kiếm họp, bàn và Ban chỉ đạo 197 thành phố đã thống nhất kiến nghị Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND thành phố chỉ đạo Sở GT-VT chủ trì, phối hợp với CATP và UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức nghiên cứu, khảo sát và đề xuất phương án tổ chức giao thông khu phố cổ theo hướng: Từng bước xây dựng không gian đi bộ, không có  các phương tiện giao thông hoạt động.

Trước mắt, vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần; các ngày lễ, tết tổ chức tuyến đi bộ kể cả ban ngày trên tuyến đường xung quanh hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân. Đồng thời, đề xuất các điểm trông giữ xe tạo thuận lợi cho người đi bộ trên các tuyến phố đi bộ; tổ chức lại các tuyến xe buýt hoạt động xung quanh khu vực phố cổ cho phù hợp với các tuyến đi bộ.

Ngoài ra, nghiên cứu, xây dựng lộ trình từng bước dừng hoạt động của loại hình vận tải khách không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; đánh giá hiệu quả thực hiện thí điểm hoạt động của xe ô tô điện và đề án khoán quản trông giữ ô tô, mô tô, xe máy; đề xuất hướng mở rộng tuyến hoạt động và số lượng  xe ô tô điện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

- PV: Đồng chí cho biết rõ hơn về thực trạng hoạt động hiện nay cũng như các biện pháp nhằm siết chặt quản lý hoạt động của xe xích lô du lịch trên địa bàn thành phố?

- Đồng chí Nguyễn Đức Nhanh: Trên địa bàn thành phố hiện có 4 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xích lô du lịch được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy phép đăng ký kinh doanh và có 264 xe xích lô được cấp Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng xe xích lô đang hoạt động đã vượt quá số xe xích lô du lịch đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành. Đáng chú ý, hoạt động của xe xích lô, nhất là trong khu vực phố cổ diễn ra khá phức tạp, thường xuyên xảy ra vi phạm.

Trước thực trạng hoạt động lộn xộn của xích lô, ngày 10-5-2011, CATP và Sở GT-VT đã triển khai thực hiện Kế hoạch liên ngành về kiểm tra, xử lý xe xích lô du lịch vi phạm TTATGT-TTĐT trên địa bàn thành phố Hà Nội với yêu cầu: xử lý kiên quyết và triệt để tất cả các trường hợp vi phạm.

Cụ thể, lực lượng liên ngành sẽ tạm giữ những xe xích lô không tuân thủ các quy định, gây mất TTATGT và lập biên bản đối với doanh nghiệp sử dụng; nếu doanh nghiệp nào có số lượng xe vi phạm nhiều sẽ bị đình chỉ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hành khách bằng xe xích lô. Ngoài xử phạt theo quy định, những xe xích lô không đủ điều kiện hoạt động sẽ bị tịch thu.

- PV: Thực trạng hoạt động của các điểm trông giữ xe đã và đang gây bức xúc trong nhân dân. Những biện pháp nào sẽ được thực hiện nhằm chấn chỉnh hoạt động trông giữ ô tô, xe máy trên địa bàn thành phố, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Đức Nhanh: Đúng là hoạt động trông giữ ô tô, xe máy đang diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Nhằm chấn chỉnh hoạt động trông giữ xe ô tô, xe máy trên địa bàn Hà Nội, Ban chỉ đạo 197 thành phố đã triển khai Kế hoạch số 01/KH-BCĐ, trong đó tập trung tổng kiểm tra trách nhiệm quản lý của các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân được giao quản lý các điểm trông giữ xe cùng hoạt động tại các điểm trông giữ xe trên địa bàn 10 quận nội thành. Qua đó, sẽ kiên quyết đình chỉ các điểm trông giữ xe không có giấy phép, các điểm bất hợp lý, gây ùn tắc giao thông; kết hợp với việc rà soát, bổ sung mới các điểm trông giữ xe hợp lý.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo 197 thành phố kiến nghị UBND thành phố xây dựng Quy hoạch tổng thể giao thông tĩnh trên địa bàn Thủ đô đáp ứng nhu cầu trông giữ xe của người dân, theo nguyên tắc: Giao Sở GT-VT cấp giấy phép tại các điểm trông giữ xe dưới lòng đường; giao UBND quận, huyện, thị xã cấp phép tại các điểm trông giữ xe trên hè phố.

Cùng với việc siết chặt và nâng cao hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, Ban chỉ đạo 197 thành phố rất mong được sự đồng tình ủng hộ cùng với việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân Thủ đô, để công tác đảm bảo TTATGT - TTĐT ở Hà Nội đạt hiệu quả cao.

- PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Trên địa bàn 10 quận của Hà Nội hiện có 1.055 điểm trông giữ xe, trong đó có tới 309 điểm tự phát, không có giấy phép. Riêng địa bàn quận Hoàn Kiếm, UBND quận đã cấp phép và giao cho 5 công ty đảm nhiệm 162 điểm trông giữ xe dưới hình thức “khoán quản”. Tuy nhiên, các công ty này mới dừng lại ở việc khai thác trông giữ xe để thu phí; việc phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an, Thanh tra GT-VT đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường tại khu vực trông giữ xe còn hạn chế. Có thể thấy, phần lớn các điểm trông giữ xe diện tích còn chật hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân. Thu tiền cao hơn quy định, không sử dụng vé xe do Chi cục Thuế phát hành, không kê khai nộp thuế, không đảm bảo điều kiện về PCCC, chiếm dụng vỉa hè và lòng đường… là vi phạm chủ yếu tại các điểm trông giữ xe. Trong khi đó, công tác phối hợp quản lý, kiểm tra, xử lý giữa các sở, ngành, UBND các quận chưa đồng bộ; có lúc, có nơi còn buông lỏng quản lý và có tư tưởng “khoán trắng” cho lực lượng công an. Từ ngày 12 đến 15-5-2011, CATP đã kiểm tra thí điểm tại 7 điểm trông giữ xe thì cả 7 điểm đều thu phí vượt quá quy định; trong đó có 5 điểm trông xe không có giấy phép và 1 điểm có dấu hiệu không kê khai nộp thuế tới 1 tỷ đồng. Tiếp đó, ngày 17-5-2011, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, công an các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, lập danh sách các khu vực, địa điểm trông giữ xe; đồng thời tăng cường kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ làm rõ các tất cả các dấu hiệu vi phạm và xử lý nghiêm minh; tổ chức thu thập các chứng cứ với những trường hợp vi phạm có dấu hiệu hình sự để khởi tố điều tra…

Một số vi phạm phổ biến của xe xích lô

- Hoạt động sai thời gian quy định;

- Đi không đúng tuyến đường đã được quy định;

- Dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định;

- Đi theo đoàn vượt quá số xe quy định là 5 xe;

- Đi theo đoàn sai khoảng cách quy định giữa các đoàn xe với khoảng cách tối thiểu là 100m…

Tính từ đầu năm 2010 đến nay, CATP đã xử lý 751 trường hợp xe xích lô vi phạm; tạm giữ 291 xe không biển kiểm soát, sử dụng biển kiểm soát giả.

Quỳnh Chi (Thực hiện)