Hà Nội sau 6 ngày giãn cách xã hội: Nhiều tiểu thương nghỉ kinh doanh, cải bắp gần 80.000 đồng/chiếc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Những ngày gần đây, giá rau xanh, thực phẩm thiết yếu tại một số chợ truyền thống tại Hà Nội có xu hướng tăng dù người mua khá thưa vắng.
Giá các loại thực phẩm, rau xanh có xu hướng tăng lên

Giá các loại thực phẩm, rau xanh có xu hướng tăng lên

Cụ thể, sáng sớm nay (30-7), tại chợ đầu mối Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), giá của nhiều mặt hàng thiết yếu đã biến động. Cụ thể, thịt lợn gồm nạc mông, nạc vai, ba chỉ, sườn thăn đã tăng thêm khoảng 20.000 đồng/kg, lên mức 120.000-130.000 đồng/kg.

Trong khi đó, các loại thủy hải sản tăng giá nhiều hơn. Tôm dảo, mực ống tăng từ 30.000-50.000 đồng/kg so với trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội (ngày 24-7). Chị Nguyễn Thị Thơm (tiểu thương chợ Phùng Khoang) cho biết: “Các mặt hàng được kinh doanh hiện tại đều lên giá vì vận chuyển hàng hóa vào Hà Nội khó khăn hơn, chi phí lớn và nguồn hàng ít hơn”.

Mặt hàng rau quả, tại chợ Phùng Khoang chưa có nhiều biến động. Cụ thể, chanh tươi 13.000 đồng/kg, cà tím 6.000 đồng/kg…

Tại chợ Trung Văn (Nam Từ Liêm), do lo lắng có nhiều ca tiếp xúc gần với F0 trong cộng đồng nên nhiều mặc dù chợ mở cửa nhưng nhiều tiểu thương tự nghỉ kinh doanh nhiều ngày nay. Các tiểu thương này kinh doanh rau, thịt lợn và thủy hải sản.

Ghi nhận cho thấy, ngày 29-7, thịt lợn tăng nhẹ lên 140.000-150.000 đồng/kg; thăn bò 260.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg. Các loại rau xanh, trái cây tăng giá nhẹ do lượng người bán giảm. Đặc biệt, bí xanh, bí đỏ tăng giá mạnh do người dân mua tích trữ nhiều, lên mức 25.000 đồng/kg.

Một tiểu thương kinh doanh tại chợ Trung Văn cho biết: “Thịt lợn đã tăng mấy giá mấy ngày nay nhưng chúng tôi chỉ dám tăng ít, vì người mua rất vắng. Đa số người dân đã mua tích trữ ngay từ ngày đầu thực hiện giãn cách chưa dùng hết”.

Theo phản ánh của người tiêu dùng, giá rau củ, thực phẩm đã tăng lên trông thấy. Chị Hồng Liên (Vũ Tông Phan- Hoàng Mai) cho hay, tôi mua online chiếc cải bắp mà 25.000 đồng/kg. Một cây rau 2,7kg giá gần 80.000 đồng, chưa kể phí ship hàng online quá đắt, gần 35.000 đồng cho quãng đường gần 1 km.

“Với người lao động bình dân mà giá cả rau xanh, thực phẩm như vậy là quá cao, sẽ phải tiết kiệm cả rau xanh. Phí ship hàng lại quá cao khi giá tối thiểu đã là mức như trên. Cần có nhiều người ship hàng hơn để giảm giá ship thì người dân mới dám mua online để đảm bảo không tập trung đông người”- chị Hồng Liên nói.

Trong khi đó, theo chị Vũ Tươi (Huỳnh Thúc Kháng- Đống Đa), giá một mớ rau muống tại siêu thị gần nhà nhà nhất là 24.000 đồng. “Giờ cả nhà ngồi một chỗ mà chi tiêu sinh hoạt tối thiểu quá tốn kém. Không biết vài ngày nữa ra sao”?

Thực tế cho thấy, hiện nay dù hầu hết các chợ truyền thống và siêu thị tại Hà Nội đều mở cửa nhưng do tiểu thương tự nghỉ kinh doanh, nguồn hàng về Hà Nội giảm đáng kể nên giá cả các mặt hàng này đều tăng. Trong khi đó, tại Hà Nội, chợ đầu mối Đền Lừ tạm đóng cửa do có ca F0 nên ảnh hưởng nhất định đến người dân ở khu vực này.

Với nguồn hàng thịt lợn, nhiều người dân cũng lo lắng khi giá mặt hàng này ở siêu thị dù khá ổn định, song một trong những nhà cung cấp lớn cho các siêu thị trên toàn quốc là Vissan đã tạm ngừng hoạt động do có ca F0, liệu thịt lợn có khan hiếm.

Thông tin về vấn đề này, đại diện hệ thống siêu thị VinMart/VinMart+ cho biết, khách hàng có thể sử dụng thịt mát MEATDeli để thay thế. Tại TP HCM, hệ thống bán lẻ này cung ứng 100.000 – 150.000 hộp thịt mát /ngày, tương đương từ 35 – 50 tấn thịt mát / ngày. Tại Hà Nội, sản lượng cung ứng được chuẩn bị ở mức tăng gấp đôi so với trước đây.

Về nguồn cung nguyên liệu, Masan sở hữu trang trại nuôi heo công nghệ cao tại nghệ An với quy mô 250.000 heo thịt/năm. Bên cạnh nguồn lợn tự cung cấp này, Masan linh hoạt điều chuyển nguồn cung từ Bắc vào Nam và ngược lại.