Hà Nội: Phổ biến pháp luật phải gắn với các vấn đề thời sự người dân quan tâm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu, việc phổ biến pháp luật phải gắn với các vấn đề thời sự được người dân quan tâm, tạo sự đồng thuận vì sự phát triển của  thành phố...
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu công tác phổ biến pháp luật phải gắn với các vấn đề thời sự người dân quan tâm

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu công tác phổ biến pháp luật phải gắn với các vấn đề thời sự người dân quan tâm

Chiều 27- 7, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến pháp luật TP đã chủ trì hội nghị giao ban đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm.

Thời gian qua, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật đã chủ động và kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn về tuyên truyền, phổ biến pháp luật đợt cao điểm tuyên truyền pháp luật, phổ biến, các luật, Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2022 trên địa bàn thành phố.

Hội đồng đã tham mưu cho UBND TP ban hành kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành để chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thực hiện “bình thường mới” góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Hà Nội.

Hà Nội cũng đã tổ chức 2.345 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 81.658 lượt người tham dự; tổ chức 5 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 42.430 lượt người dự thi; phát hành 118.371 tài liệu phổ biến pháp luật, trong đó đăng tải 6.518 tài liệu, tin, bài tuyên truyền pháp luật trên internet.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tuyên truyền, phổ biến hiệu quả Luật Cư trú và các văn bản liên quan, Luật Phòng, chống ma túy, kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng, chống tham nhũng; cải cách hành chính; phòng cháy, chữa cháy; quản lý và sử dụng pháo; an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; an toàn lao động; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Đáng chú ý, để thích ứng trong thời đại 4.0, Hà Nội đã đẩy mạnh sử dụng nền tảng mạng xã hội trong việc thực hiện tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật mạng xã hội Lotus, tài khoản zalo, facebook, fanpage... tương tác nhanh trong công tác tuyên truyền đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền pháp luật trong thời kỳ chuyển đổi số

Tham dự phiên họp, các thành viên Hội đồng đã đề xuất những giải pháp nhằm tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật một cách hữu hiệu xuất phát từ thực tiễn.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nền tảng trong việc giữ vững ổn định xã hội, phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, công tác này phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên Hội đồng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật...

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội yêu cầu rõ, thời gian tới, các sở ngành phải triển khai 10 kế hoạch, đề án tuyên truyền phổ biến pháp luật theo đúng tiến độ đề ra và giao Sở Tư pháp giám sát việc thực hiện.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội đặc biệt lưu ý, việc phổ biến pháp luật cần gắn với các vấn đề thời sự được người dân quan tâm, tạo sự đồng thuận vì sự phát triển của thành phố như: Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật Thủ đô; công tác quản lý đất đai, cải cách hành chính, phân loại rác...

Để đa dạng hóa, đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải có hình thức, phương pháp phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; thường xuyên củng cố, kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực thực hiện: báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương...

Tin cùng chuyên mục