Hà Nội: Mời đơn vị quản lý 30 trang thông tin tổng hợp có dấu hiệu “báo hóa” lên làm việc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường quản lý nhà nước lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.
Sở TT-TT Hà Nội giao ban công tác 10 tháng năm 2023

Sở TT-TT Hà Nội giao ban công tác 10 tháng năm 2023

Sáng 21-11, Sở TT-TT Hà Nội tổ chức hội nghị “Giao ban công tác thông tin và truyền thông 10 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 2 tháng cuối năm 2023”.

Ông Nguyễn Tiến Sỹ- Phó Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội cho biết, ngành TT-TT thành phố đã đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tăng cường kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông trên địa bàn Thủ đô.

Cụ thể, đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, Sở TT-TT đã phối hợp các đơn vị liên quan tích cực tham mưu Thành phố triển khai Nghị quyết số 18 NQ/TU Thành ủy về Chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đã phổ biến, tuyên truyền, hỗ trợ triển khai Nghị quyết, thúc đẩy chuyển đổi số tới các quận, huyện, sở ngành...;

Phối hợp với các doanh nghiệp triển khai cấp gần 39.000 chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội; Tổ chức các sự kiện lớn về chuyển đổi số, ATTT...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị

Về lĩnh vực viễn thông, Sở TT-TT đã phối hợp cùng các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn Thành phố bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong các sự kiện lớn của thành phố…

Về kinh tế số, xã hội số, Sở TT-TT đã thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố.

Về công tác báo chí, truyền thông, trong 10 tháng năm 2023, Sở TT-TT đã phối hợp cùng các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của TP Hà Nội.

Đối với lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Sở đã rà soát, phối hợp xử lý đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” trên địa bàn Thành phố;

Lập danh sách và mời các đơn vị quản lý 30 trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” trên địa bàn thành phố Hà Nội lên làm việc, căn cứ vi phạm chuyển Thanh tra Sở hồ sơ xử phạt 07 doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp;

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Sở TT-TT thực hiện rà soát, thẩm định 234 video clip trên Youtube, TikTok; 01 bài viết trên tài khoản Facebook có nội dung xấu, độc gửi Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị Google gỡ bỏ.

Đồng thời, Sở TT-TT cũng tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, đặc biệt là quảng cáo xuyên biên giới (quảng cáo tự động của GoogleAdSense, MGiD) đặc biệt là các hành vi vi phạm về quảng cáo sản phẩm, dịch vụ bị cấm; quảng cáo sản phẩm, dịch vụ tài chính bất hợp pháp; quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho hay, Hà Nội đã xác định hai chuyển đổi quan trọng là xanh và bền vững. Và để thực hiện được hai chuyển đổi này thì chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc.

“Nói về chuyển đổi số thì nghe có vẻ trừu tượng nhưng nội dung triển khai thì rất cụ thể và đã được Hà Nội xác định rõ, gồm: số hoá, kết nối chia sẻ và lựa chọn công nghệ”- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cũng lưu ý Sở TT-TT cần cương quyết thực hiện theo nguyên tắc 3 có và 4 không. Trong đó, 3 thứ phải đảm bảo là: nhân lực số, hạ tầng kết nối - trung tâm dữ liệu và hành lang pháp lý. 4 không gồm: xử lý không giấy tờ, họp không gặp mặt, thủ tục không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.

Cùng với đó, phương châm hành động với chuyển đổi số cần tập trung vào 7 khía cạnh gồm: Nhận thức đầy đủ, tầm nhìn dài hạn, tư duy sáng tạo, giải pháp thông minh, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất và phục vụ nhân dân.