Hà Nội: Kiểm tra thường xuyên, đột xuất chấp hành an toàn, vệ sinh lao động

ANTD.VN - Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2045, giảm tần suất tai nạn lao động hàng năm ít nhất 7%/năm.

Kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại Công ty thuốc lá Thăng Long

UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND thực hiện Kế hoạch số 278-KH/TU ngày 19/11/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới” trên địa bàn thành phố.

UBND TP Hà Nội đặt ra mục tiêu, giai đoạn 2025 – 2030, giảm tần suất tai nạn lao động hàng năm ít nhất 5,5%/năm; giảm tần suất tai nạn lao động chết người hàng năm ít nhất 5,0%/năm; giảm tần suất tai nạn lao động thương tật hàng năm ít nhất 5,0%/năm.

Số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có hại, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm.

Cùng với đó là, kiểm tra quan trắc môi trường lao động tại cơ sở lao động có yếu tố có hại, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm.

Người lao động tại các cơ sở lao động có yếu tố có hại, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được trực tiếp tiếp cận thông tin và truyền thông về yếu tố có hại, biện pháp phòng chống tăng ít nhất 5%/năm.

Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045, giảm tần suất tai nạn lao động hàng năm ít nhất 7%/năm; giảm tần suất tai nạn lao động chết người hàng năm ít nhất 6,0%/năm; giảm tần suất tai nạn lao động thương tật hàng năm ít nhất 6,0%/năm.

Số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có hại, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 6%/năm; kiểm tra quan trắc môi trường lao động tại cơ sở lao động có yếu tố có hại, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 6%/năm.

Để thực hiện những mục tiêu trên, UBND TP Hà Nội giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan truyền thông, sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Tổ chức tập huấn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; Cập nhật kiến thức, kỹ năng an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp.

Chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề lồng ghép kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho học sinh, sinh viên và người học nghề vào chương trình đào tạo.

Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với các đơn vị, doanh nghiệp và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tai nạn lao động...