Hà Nội: Đối diện nguy cơ thiếu nước sinh hoạt nếu dự án cứ “ôm” rồi để đấy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ diễn ra ở một số khu dân cư tại Hà Nội những ngày vừa qua như cảnh báo sớm về nguy cơ thiếu nước sinh hoạt có thể diễn ra trên quy mô rộng hơn, tần suất dày hơn trong những năm tới.

Nhu cầu dùng nước gia tăng mạnh

Báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, đến thời điểm hiện nay, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay đạt khoảng 1,530 triệu m3/ngày đêm. Trong đó, nguồn nước ngầm khoảng 735.000m3/ngày đêm và nguồn nước mặt khoảng 795.000m3/ngày đêm.

Nguồn cung cấp nước sinh hoạt hiện nay trên địa bàn các quận và một số huyện có tốc độ đô thị hóa cao từ Nhà máy nước mặt Sông Đà, Nhà máy nước mặt Sông Đuống và Nhà máy nước Yên Phụ. Trong đó, Nhà máy nước mặt Sông Đà và Sông Đuống sử dụng nguồn nước mặt, còn Nhà máy nước Yên Phụ sử dụng nguồn nước ngầm.

Ngoài ra, tại một số huyện có các nhà máy nước quy mô nhỏ như Nhà máy nước Ba Vì, Nhà máy nước Mê Linh, Nhà máy nước Sơn Tây…

Theo quy hoạch, tổng công suất nguồn cấp đến năm 2025 toàn TP Hà Nội đạt khoảng khoảng 2,383 triệu m3/ngày đêm; đến năm 2030 khoảng 2,850 triệum3/ngày đêm và đến năm 2050 khoảng 3,595 triệu m3/ngày đêm.

Cư dân KĐT Thanh Hà nhiều ngày phải xếp hàng chờ nước từ xe bồn chở tới

Cư dân KĐT Thanh Hà nhiều ngày phải xếp hàng chờ nước từ xe bồn chở tới

Theo tính toán, xét riêng dưới góc độ tăng trưởng cơ học thì nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng khoảng 5% mỗi năm, trong khi đó, tốc độ đầu tư các dự án nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội hiện quá chậm, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng của người dân.

Cũng bởi vậy, ngay trong năm 2023 vào những tháng cao điểm hè, một số khu vực đã rơi vào cảnh mất nước sinh hoạt như Hoài Đức, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân… dù các nhà máy nước Sông Đà, Sông Đuống và Yên Phụ đã vận hành tối đa công suất.

Còn tại khu vực các huyện ngoại thành, hiện vẫn còn 139/413 xã (tổng số hộ 183.133 với 372.500 dân) chưa hoàn thành việc cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung của thành phố.

Các dự án cấp nước đều chậm tiến độ

Đại diện Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông cho biết, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân tăng theo từng năm, nhưng sản lượng nước lại không tăng mà thậm chí có giai đoạn còn giảm.

Đầu năm 2023, Công ty Nước sạch Hà Đông thỏa thuận với Công ty CP Nước sạch Sông Đà sẽ mua 59.000m3/ ngày đêm nhưng thực tế gần 10 tháng qua, lượng nước cấp trung bình chỉ đạt 45.000m3/ngày đêm; Còn thỏa thuận với Công ty CP Nước mặt Sông Hồng là 28.000m3/ngày đêm nhưng thực tế chỉ đạt trung bình 24.000m3/ngày đêm.

Cao điểm Hè vừa qua, người dân ở Hoài Đức, Hà Nội cũng nhiều ngày thiếu nước sinh hoạt

Cao điểm Hè vừa qua, người dân ở Hoài Đức, Hà Nội cũng nhiều ngày thiếu nước sinh hoạt

“Với lưu lượng cấp như trên, nhiều địa bàn cấp nước của Công ty thường xuyên rơi vào cảnh phải cấp nước luân phiên theo giờ. Thậm chí, tại một số tòa chung cư cao tầng, Công ty phải đưa máy bơm phụ đến để bơm tăng áp lên bể chung, từ đó cấp cho cư dân. Cán bộ, công nhân viên đêm nào cũng phải đi kiểm tra áp lực nước trên địa bàn để kịp thời báo cáo về Công ty, xử lý các điểm yếu”- đại diện Công ty Nước sạch Hà Đông chia sẻ.

Cũng theo vị này, nếu TP Hà Nội không đẩy nhanh các dự án cấp nước sạch thì nguy cơ thiếu nước sinh hoạt như KĐT Thanh Hà là hiện hữu, nhất là trong bối cảnh việc khai thác nước ngầm phải giảm dần từ 100.000-150.000m3/ngày đêm thì lượng nước cung cấp từ 2 nhà máy nước mặt Sông Đuống và Sông Đà là rất quan trọng.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện các dự án quy mô lớn cung cấp nước sạch cho địa bàn Thủ đô đều trong tình trạng chậm tiến độ, gặp khó khăn.

Cụ thể, nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày (chủ đầu tư là Công ty CP Nước mặt sông Hồng) hiện triển khai thi công xây dựng các hạng mục công trình nhà máy nước và công trình thu, trạm bơm tại xã Liên Hồng, xã Liên Hà và tuyến ống nước thô, nước sạch theo quy hoạch được duyệt. Cùng đó, dự án đang triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức để phục vụ thi công hệ thống tuyến ống nước thô và nước sạch. Dự án triển khai chậm và đề xuất điều chỉnh tiến độ hoàn thành trong năm 2024.

Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2 nâng công suất lên 450.000-600.000m3/ngày đêm (chủ đầu tư là Công ty CP Nước sạch sông Đà) tới nay cũng chưa thể hoàn thành giai đoạn 2 theo tiến độ.

Dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng chậm trễ nhiều năm qua

Dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng chậm trễ nhiều năm qua

Dự án đầu tư xây dựng nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì lên 200.000-250.000m3/ngày đêm (chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội) mới đang nghiên cứu, khảo sát lập số liệu, xây dựng kế hoạch triển khai chuẩn bị đầu tư.

Nhà máy nước Xuân Mai tại Hòa Bình công suất 200.000m3/ngày đêm (chủ đầu tư là Công ty CP Nước Aqua One) đang triển khai thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư…

Với bức tranh chung như trên, nếu các dự án này không có sự đột phá về tiến độ mà tiếp tục ì ạch, trong cao điểm hè 2024 sắp tới và các giai đoạn tiếp theo, Hà Nội sẽ phải đối diện với nguy cơ thiếu nước sạch cục bộ tại các khu vực dân cư, đặc biệt là vùng giáp ranh hoặc cuối nguồn.