Hà Nội đã có những bước phát triển đáng kinh ngạc

ANTĐ - Là một chuyên gia cao cấp về phát triển bền vững, GS.TS Mai Trọng Nhuận - nguyên Giám đốc ĐHQG Hà Nội đã dành cho Báo ANTĐ cuộc trò chuyện về định hướng phát triển của Hà Nội trong tương lai, sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.


- PV: Giáo sư có thể cho biết chiến lược phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội trong những năm tới?

- GS.TS Mai Trọng Nhuận: Chiến lược cơ bản để phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội bao gồm: Tôn vinh Hà Nội và các vùng lân cận như là “Thành phố nước” (có nhiều sông hồ); Khuyến khích cách tiếp cận mang tính toàn diện, liên ngành; Phát triển môi trường nhân văn bền vững; Khai thác tiềm năng của các làng nghề truyền thống nằm rải rác ở ngoại ô; Duy trì và sử dụng hình tượng truyền thống và sức sống của Hà Nội “khu 36 phố phường” trong sự bền vững, hướng tới một môi trường sống tốt đẹp hơn.

- PV: Để thực hiện chiến lược này cần những giải pháp gì thưa Giáo sư?

- GS.TS Mai Trọng Nhuận: Đó là việc xây dựng mô hình đô thị bền vững. Do Hà Nội có sự “dàn trải” cả về địa lý và kinh tế nên quá trình phát triển bền vững của thành phố cần phải lựa chọn những trung tâm đô thị để phát triển, duy trì sức sống của chúng và ngăn ngừa việc sử dụng  không hợp lý và thái quá của xe ô tô cá nhân, khuyến khích các giải pháp phát triển thành phố hướng tới giao thông công cộng.

Bên cạnh đó, chúng ta cần nuôi dưỡng các di sản làng nghề truyền thống và tạo thành mạng lưới các trung tâm du lịch bền vững ở các làng ngoại ô; Thúc đẩy sự phát triển đô thị theo hướng sông và nước (giữ gìn các hồ và các con sông nhỏ của Hà Nội cùng lúc với cải thiện chất lượng nước); Quản lý sử dụng đất và kiểm soát các hiểm họa bất ngờ của thiên nhiên và úng lụt, cải thiện các nhánh của sông Hồng thành kênh tháo lũ. Bên cạnh đó, các chính sách và biện pháp cho chiến lược nâng cấp hệ thống giao thông đô thị cũng cần được quan tâm như cải thiện về số lượng và chất lượng hệ thống giao thông, sử dụng hiệu quả các phương tiện công cộng, chú ý khai thác không gian ngầm dưới đất.

Các kết quả phân tích, đánh giá cho thấy: Vùng không thuận lợi cho xây dựng công trình phân bố chủ yếu tại các khu vực nền đất yếu, đất thấp ven sông, khu vực có địa hình dốc, phân bố rộng ở Sóc Sơn, các quận nội thành. Vì vậy, để phát triển bền vững thành phố cần xây dựng mô hình đô thị bền vững cho vùng Hà Nội, nâng cấp hệ thống giao thông đô thị, quản lý tốt về chất lượng nước, không khí và chất thải rắn, duy trì khu vực đô thị hiện có của Hà Nội “cũ” như là thủ đô lịch sử và xây dựng thủ đô hành chính mới ở khu vực phía Tây với nền móng vững chắc.

Hà Nội sẽ trở thành đô thị hiện đại, Xanh-Văn hiến-Văn minh

- PV: Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 định hướng đến 2050 đã được xây dựng. Theo đó, Hà Nội sẽ được quy hoạch thành thành phố Xanh –Văn hiến - Văn minh, hiện đại. Giáo sư có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- GS.TS Mai Trọng Nhuận: Xanh nghĩa là phát triển bền vững về môi trường, Văn hiến: Sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, Văn minh-hiện đại: Bền vững trên nền tảng kinh tế tri thức. Đây là định hướng mang tính chiến lược nhưng để triển khai được còn nhiều vấn đề phải bàn.

Chúng ta đã biết, việc dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010 là một bước ngoặt của lịch sử. Thăng Long - Hà Nội được phát triển từ cái nôi của văn hóa sông Hồng, của nền văn minh lúa nước nên thấm đượm đặc trưng ấy trong mọi mặt của đời sống thành phố. Hệ thống đất ngập nước của Hà Nội có ý nghĩa về nhiều mặt, trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn môi trường sinh thái và đời sống văn hóa, tâm linh của Thủ đô. Thời gian qua, do những nguyên nhân khác nhau, sông hồ Hà Nội bị suy thoái đáng báo động, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững. Gần đây, Thành phố đã đề ra nhiều giải pháp để cải tạo, song về lâu dài, các giải pháp công nghệ sinh thái cần được đặc biệt chú trọng để bảo tồn các hệ sinh thái. Quy hoạch tổng thể Hà Nội cần tính tới các yếu tố biến đổi khí hậu một cách cẩn trọng để đảm bảo tính bền vững lâu dài, trong đó việc phát triển hệ thống hành lang xanh cần đặc biệt quan tâm.

- PV: Trong lịch sử, Hà Nội đã trải qua trên 300 lần vỡ đê và nhiều lần động đất. Vậy theo Giáo sư, Hà Nội cần phải làm gì để vừa phát triển bền vững vừa ứng phó tốt với thiên tai?

- GS.TS Mai Trọng Nhuận: Hà Nội hiện có những điểm thấp hơn mặt sông Hồng 1,5m. Trong quá khứ, đúng là Hà Nội đã có hơn 300 lần vỡ đê và nhiều lần động đất. Do vậy, Hà Nội “mới” để phát triển bền vững phải có không gian ổn định (Hà Nội “cũ” không có được điều này do nền móng yếu). Nghĩa là Thủ đô phải có vùng đất cao, nền móng vững chắc để đặt các cơ quan hành chính và là nơi người dân có thể sơ tán kịp thời trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa lớn. Ngoài ra, Hà Nội phải có nguồn tài nguyên và môi trường đáp ứng cho quá trình phát  triển. Mặt khác, phát triển bền vững của Thủ đô còn dựa vào đội ngũ tri thức. Thật may mắn là hiện Hà Nội đứng đầu cả nước về vấn đề này. 

- PV: Theo Giáo sư, mô hình phát triển nào đối với Thủ đô Hà Nội là bền vững trong tương lai?

- GS.TS Mai Trọng Nhuận: Thủ đô Hà Nội sẽ bao gồm hai phân khu: Thủ đô lịch sử và thủ đô hành chính. Thủ đô lịch sử  gồm các khu vực nội thành, là nơi chứa đựng, bảo tồn các giải trị lịch sử vốn có. Do vậy, đối với phân khu lịch sử, chúng ta càng làm cho nó quay lại hiện trạng cũ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Đó là việc bảo tồn các công trình cổ, khơi lại sông hồ. Còn Thủ đô hành chính phải là nơi an toàn nhất, hiện đạt nhất. Giữa thủ đô hành chính và thủ đô lịch sử sẽ tồn tại một khoảng không gian (vùng đệm) với bản sắc tự nhiên vốn có. Đó có thể là sông Đáy với cảnh sắc hiền hòa và thơ mộng.

- PV:Giáo sư có nhận xét gì về Hà Nội sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính?

- GS.TS Mai Trọng Nhuận: Sau 5 năm, Hà Nội đã có những bước phát triển đáng kinh ngạc về mọi mặt. Điều đó cho thấy, việc mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với định hướng của cả quá khứ và tương lai.

- PV: Cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện thú vị này!