Hà Nội: 76,4% vụ cháy liên quan đến điện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại Hà Nội, từ năm 2018 đến nay có 76,4% các vụ cháy liên quan đến điện. Có không ít trường hợp vi phạm PCCC bị đình chỉ vẫn hoạt động dẫn đến cháy to, nghiêm trọng... 
Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội cho biết, tại Hà Nội, có 76,4% vụ cháy liên quan đến điện

Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội cho biết, tại Hà Nội, có 76,4% vụ cháy liên quan đến điện

Tại Hội nghị tăng cường công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quản lý, sử dụng điện trên địa bàn của UBND TP Hà Nội chiều 19-4, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội, cho biết: Từ năm 2018 đến nay, trong tổng số 2.044 vụ cháy, nổ trên địa bàn thành phố, có 1.562 vụ có liên quan đến hệ thống điện (chiếm 76,4% tổng số vụ cháy), với 16 vụ cháy lớn, 11 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 2 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, (chiếm 35,4% số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng); 325 vụ cháy trung bình, 1.207 vụ cháy nhỏ; làm 34 người chết, 62 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 180 tỷ đồng.

Ngoài ra còn 2.470 vụ chập điện trên cột, đường dây dẫn điện trên cột và 1.852 vụ sự cố chập điện trong nhà. 3.041 vụ, sự cố chập điện trên cột, đường dây dẫn điện.

Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thông tin, nguyên nhân cháy, nổ của hệ thống điện bên trong nhà, công trình là do việc thiết kế lựa chọn dây dẫn lắp đặt, thiết bị bảo vệ trong nhà, thiết bị sử dụng điện không được kiểm soát, tính toán và lựa chọn phù hợp đúng theo các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật điện hạ áp.

Hệ thống điện sử dụng tại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, nhà ở hộ gia đình về mặt kỹ thuật quy định trong thiết kế lắp đặt phải có điều chỉnh phù hợp để đảm bảo an toàn trong sử dụng, nhưng phần lớn chủ hộ, chủ đầu tư không nắm được các yêu cầu về quy định sử dụng điện an toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong thiết kế lắp đặt nên không có kiểm soát cho người tư vấn thiết kế, thậm chí không thiết kế, lắp đặt theo chủ quan;

Không lựa chọn được các thiết bị điện lắp đặt đúng quy chuẩn, quy cách trong khi thiết bị sử dụng điện thì đa dạng.

Thiết bị bảo vệ nguồn điện (aptomat) đặc biệt quan trọng không được tính toán kỹ, lựa chọn phù hợp với khả năng cắt dòng điện nên khi có sự cố chạm chập, thiết bị bảo vệ không cắt được nguồn dẫn đến duy trì dòng điện phát nhiệt cao sinh ra cháy.

Sự phát triển thiết bị sử dụng điện trong nhà tăng liên tục do điều kiện, đòi hỏi nhu cầu sử dụng, sinh hoạt, sản xuất ngày càng cao trong khi hệ thống điện đã lắp đặt trước đó chưa được hoặc khó nâng cấp, dây dẫn, thiết bị điện qua thời gian chất lượng đã xuống cấp dẫn đến quá tải, những vị trí xung yếu phát nhiệt dẫn đến chạm chập gây cháy.

Ý thức một bộ phận người dân còn chủ quan, thiếu ý thức, không ngắt các thiết bị điện không cần thiết ra khỏi nguồn điện khi không ở nhà hoặc quên không ngắt thiết bị sử dụng điện đang vận hành công suất cao khi ra khỏi nhà gây ra nhiều vụ hỏa hoạn liên quan đến sử dụng điện.

Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội nói rõ, đối với hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ xen cài trong khu dân cư, tình trạng mất an toàn trong sử dụng điện là rất phổ biến.

Tuy nhiên lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH không quản lý trực tiếp, không kiểm tra thường xuyên, trong khi đó quy định của ngành điện lực không quản lý, kiểm tra việc sử dụng điện an toàn của cơ sở, hộ gia đình (sau công tơ); đây là nguyên nhân tiềm ẩn tiềm ẩn nguy cơ gây chập, cháy đường dây dẫn điện, các thiết bị tiêu thụ, bảo vệ điện.

Đối với cơ sở vi phạm quy định về PCCC đã ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nêu, trước đây thành phố đã có thông báo yêu cầu đơn vị điện lực dừng cấp điện đối với cơ sở này, tuy nhiên việc thực hiện gặp khó khăn do liên quan đến Luật chuyên ngành điện không quy định cụ thể; vấn đề này đã từng đưa ra Quốc hội để xin ý kiến nhưng còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa thống nhất và không được thông qua, dẫn đến việc thực hiện giải pháp này không hiệu quả.

"Đối với cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, cơ quan chức năng qua kiểm tra đã tiến hành xử lý vi phạm, kiến nghị khắc phục các lỗi vi phạm về an toàn PCCC, an toàn trong sử dụng điện nhưng nhìn chung không có sự chuyển biến. Như vụ cháy kho ở Gia Lâm vừa qua, đây là cơ sở đã xảy ra cháy năm 2022, đã bị đình chỉ nhưng vẫn lén lút hoạt động, nguyên nhân cháy ban đầu vẫn là do điện" , Đại tá Phạm Trung Hiếu nói rõ.

Về các khó khăn vướng mắc, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH CATP cho biết, hiện nay một số văn bản quy phạm pháp luật về PCCC có nội dung đã không còn phù hợp; văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành điện hiện đang không quy định buộc phải ngừng cấp điện với các công trình vi phạm, tạm đình chỉ, đình chỉ về PCCC; chưa có quy định về trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra, xử lý đối với việc lắp đặt, sử dụng hệ thống, thiết bị tiêu thụ điện sau công tơ.

Việc xử lý cưỡng chế, chế tài xử lý của nhà nước đối với cá nhân, tổ chức có hành vi xây dựng, hoạt động không phép, trái phép trên đất dự án, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất, công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC... không đảm bảo an toàn về PCCC, đang rất hạn chế và gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh loạt giải pháp được đặt ra để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, kiểm tra, phòng ngừa cháy nổ, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP kiến nghị sửa đổi Luật PCCC để bám sát thực tiễn hơn ; kiến nghị chính phủ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Nghị định quy định về chế tài xử lý cưỡng chế đủ sức răn đe, đảm bảo tính khả thi đối với các cơ sở vi phạm nghiệm trọng quy định về PCCC đã ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ nhưng vẫn hoạt động…