Chưa đầy 3 tháng sau triển lãm “Đi biển có đôi”, Nguyễn Công Hoài lại bày tranh. Lần này, anh trở về với cái chất đặc trưng của mình - nỗi hoang tàn dữ dội.
Không thể gọi tên chính xác trạng thái của những phận người trong tranh Nguyễn Công Hoài. Là buồn mà không phải buồn. Là đau khổ mà không phải đau khổ. Vì nếu có buồn đã có vui, nếu có đau khổ đã có sung sướng.
Cái trạng thái mà Hoài diễn đạt là một thể phân lập vượt ra ngoài buồn - đau - thất vọng - cùng cực. Nó trống rỗng nhưng lại ngột, ngộp, như cá mắc cạn, như người đuối nước, mắc kẹt trong không thời gian thiếu trọng lực để neo đậu vào đâu đó.
“Tôi vẽ những gương mặt khô đét, mỏi mòn, những chân dung dị dạng, những hình thể rệu rã như đất đá, nắng gió tạo thành, những khổ đau được biểu hiện như đóng băng. Tôi vẽ những người chung quanh mình, và cả tôi. Tôi vẽ cho xót xa yêu thương những phận người đang sống và tồn tại với phần xác mệt mỏi, hoang tàn và phần hồn cô đơn ...”
“Tôi vẽ họ như là vẽ chính mình”, Nguyễn Công Hoài đề từ cho triển lãm.
Trong loạt tranh bày lần này, Hoài dùng nhiều sắc hồng. Lý do là dư màu. Hoài thường không chủ đích dùng màu để thể hiện tâm trạng. Cùng với cách bài trí của phòng tranh, người xem bị trôi vào không gian màu hồng hoang tàn, thưởng lãm mặt tối của chính mình.
Nguyễn Công Hoài đặt cho triển lãm cá nhân thứ 7 của anh một cái tựa lãng mạn: “Gửi gió theo mây ngàn”. Tên vẻ như chẳng ăn nhập gì với những bức tranh. Nhưng xét kỹ, đó hẳn là thứ Hoài muốn và (có lẽ) đã đạt được sau khi phơi bày cái tôi. Sự mặc cảm, sự nghi ngờ, sự khinh thường, sự chỉ trích, sự thù hận dành cho bản thể, nếu có thể tự tha thứ, sẽ nhẹ nhõm biết bao.
Và còn lý do riêng tư khác nữa. Bởi anh mở triển lãm chỉ hai tuần sau sự ra đi của mẹ anh. Bức chân dung mẹ là một điểm dừng dịu dàng mà Hoài đặt vào triển lãm, như một sự an ủi cho anh.
Họa sĩ Nguyễn Công Hoài sinh năm 1984 tại Quảng Trị, là một trong những gương mặt họa sĩ đương đại nổi bật nhờ tự học. Từ năm 2015 tới nay, anh đã thực hiện nhiều triển lãm cá nhân đáng chú ý như: Những người xung quanh tôi (2015), Mặt (2016), Những ngày không mơ mộng (2021), Nghe những tàn phai (2022)... Triển lãm “Gửi gió theo mây ngàn” đang diễn ra tại phòng tranh Mây ArtSpace (36/70 Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh, TPHCM) từ ngày 3-15/6.