Góp ý sửa đổi dự thảo về kinh doanh xăng dầu: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tình nhiều đề xuất của Bộ Công Thương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đồng tình với đề xuất của Bộ Công Thương về nội dung vẫn điều hành xăng dầu theo quy định hiện hành, vẫn duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu, không quy định chiết khấu kinh doanh cố định… nhưng đề nghị thêm Bộ Công Thương một số điều kiện.
Người dân từng phải xếp hàng dài mua xăng vì những bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu

Người dân từng phải xếp hàng dài mua xăng vì những bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu

Cụ thể, Bộ KH-ĐT cho rằng, hiện nay, giá xăng dầu được điều hành theo giá cơ sở. Giá cơ sở được xác định dựa trên các yếu tố hình thành giá tổng hợp từ các nguồn xăng dầu sản xuất trong nước, nhập khẩu; làm căn cứ để cơ quan nhà nước xác định giá điều hành (giá cơ sở trừ (-) đi mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá), là căn cứ cho việc quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong nước (riêng dầu mazút là giá bán buôn) (khoản 2 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP).

Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị lựa chọn là tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong quá trình kinh doanh; rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định các chi phí để có cơ sở điều chỉnh kịp thời.

Theo Bộ KH-ĐT, điều này đảm bảo phát huy vai trò quản lý chặt chẽ mặt hàng xăng dầu của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân, giá xăng dầu có sự thống nhất giữa các địa bàn.

Về thời gian điều hành và công bố giá, Bộ KH-ĐT không nêu quan điểm ủng hộ phương án 10 ngày, 7 ngày, mà đề nghị Bộ Công Thương phân tích, đánh giá, kiểm tra thực tế để đề xuất chu kỳ điều hành phù hợp, tránh xảy ra hiện tượng như thời gian vừa qua.

Về quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, Bộ KH-ĐT thống nhất với đề xuất của Bộ Công Thương là lựa chọn phương án không quy định mức chiết khấu tối thiểu để đảm bảo quyền tự quyết và điều chỉnh linh hoạt nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu xăng dầu trên thị trường trong từng thời điểm, giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tương tự, Bộ KH-ĐT cũng đồng ý với phương án tiếp tục giữ nguyên quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng sẽ sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng trên cơ sở đánh giá và làm rõ căn cứ đề xuất.

Cụ thể, cơ quan Nhà nước chỉ can thiệp điều hành giá khi giá xăng dầu có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên. Theo Bộ KH-ĐT, quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nhiều thời điểm đã không phát huy hiệu quả nên Nhà nước phải dùng các công cụ khác như giảm thuế Bảo vệ môi trường.

Về dự trữ lưu thông bắt buộc, Bộ KH-ĐT đồng tình phương án đề xuất của ban soạn thảo là giữ nguyên quy định hiện hành, tức là thương nhân đầu mối phải đảm bảo dự trữ lưu thông bắt buộc trong 20 ngày và thương nhân phân phối là 5 ngày để giảm áp lực cho ngân sách trong khi nguồn dự trữ quốc gia chưa được bổ sung.