Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội chủ trì hội thảo; Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc CATP Hà Nội điều hành hội thảo.
Đặt ra nhiều vấn đề về quản lý đối tượng
Trong những năm qua công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm nói chung, công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở nói riêng luôn được Đảng ủy, Ban Giám đốc, chỉ huy các đơn vị CATP Hà Nội quan tâm chỉ đạo.
|
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP chủ trì hội thảo |
Quá trình tiến hành đã chủ động, kịp thời thu thập đầy đủ thông tin, tài liệu; sử dụng linh hoạt, đồng bộ nhiều biện pháp để quản lý, giám sát, giáo dục phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại đối tượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở, cắt giảm quy trình, thủ tục mang tính thủ công, từng bước thực hiện chuyển đổi trạng thái trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Do đó, việc tăng cường công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở là vấn đề cấp thiết, cần có sự nghiên cứu toàn diện để nhận thức đầy đủ về thực trạng, nguyên nhân của tình trạng đối tượng ở địa bàn cơ sở cũng như đánh giá thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm ANTT trên địa bàn thành phố Hà Nội.
|
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc CATP Hà Nội điều hành hội thảo |
“Nhằm đánh giá đúng tình hình công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở, phục vụ công tác sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở trong tình hình mới, từ đó có những kiến nghị, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở gắn với chuyển đổi số quốc gia, CATP Hà Nội tổ chức hội thảo, kịp thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội” - Trung tướng Nguyễn Hải Trung phát biểu đề dẫn hội thảo.
Đồng chí Giám đốc nêu rõ, Thủ đô Hà Nội có những vấn đề đặc thù, dân số thường xuyên biến động, thành phần dân cư phức tạp, mức biến động dân cư cao nhất toàn quốc, đặt ra vấn đề quản lý đối tượng ở cơ sở, giáo dục đối tượng gặp nhiều khó khăn.
“Nhưng không phải vì khó mà chúng ta không làm, chúng ta có phương pháp đúng, có niềm tin hướng thiện đối với đối tượng, thực hiện giáo dục từ gia đình, nhà trường; tham mưu đưa cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc bởi công tác bảo vệ an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ của toàn dân, không phải chỉ riêng của lực lượng công an” - Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.
|
Trung tá Vũ Việt Hùng, Phó trưởng CAP Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm tham luận công tác quản lý đối tượng chấp hành án hình sự tại cộng đồng |
Đồng chí Giám đốc CATP khẳng định, hội thảo góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề, đưa ra các luận cứ, hoàn tất lý luận khoa học, đưa ra phương pháp, cách thức, tăng cường công tác quản lý giáo dục đối tượng trong tình hình mới. Sau hội thảo, phải đưa ra các biện pháp, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế về công tác này, đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô.
Thảo luận, kiến giải nhiều vấn đề trong quản lý đối tượng
Dưới sự điều hành của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, hội thảo đã đi sâu vào thảo luận 6 chuyên đề, bao gồm: Quản lý đối tượng theo quy định pháp luật; Quản lý đối tượng theo yêu cầu nghiệp vụ; Quản lý trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật; Quản lý đối tượng tại khu chung cư, khu đô thị mới; Công tác phối hợp giữa lực lượng Công an cơ sở với các lực lượng nghiệp vụ trong phòng ngừa, phát hiện vi phạm đối với người nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội; Chuyển đổi trạng thái trong công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, đối tượng quản lý theo quy định của pháp luật mặc dù chỉ chiếm 9% trong tổng số đối tượng quản lý ở địa bàn cơ sở nhưng nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với nhóm đối tượng này thì sẽ là nguồn có nguy cơ cao làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn Thủ đô.
|
Thượng tá Nguyễn Xuân Minh, Phó trưởng CAH Đông Anh chia sẻ bài học kinh nghiệm về công tác quản lý trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật |
Tại hội thảo, Đại tá Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng đã chia sẻ kinh nghiệm về một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý phòng ngừa tái phạm, vi phạm pháp luật đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Một trong những nội dung quan trọng” được nêu tại hội thảo là chuyên đề Quản lý trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Thời gian gần đây, trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có chiều hướng gia tăng và có diễn biến phức tạp. Nhóm đối tượng này đã gây ra nhiều vụ án có tính chất nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Tham luận về nội dung này, Thượng tá Nguyễn Xuân Minh, Phó trưởng CAH Đông Anh đã chia sẻ bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, nhấn mạnh một số giải pháp như nâng cao công tác tuyên truyền; giáo dục tại cộng đồng, nhà trường; huy động hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc quản lý trẻ em, người chưa thành niên…
Sự phát triển nhanh chóng của các khu chung cư, khu đô thị mới đã kéo theo các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Hà Nội hiện có hơn 2.000 nhà chung cư các loại, các đối tượng lợi dụng những đặc trưng của khu chung cư, khu đô thị mới để hoạt động phạm tội đang diễn ra phổ biến, đặt ra các yêu cầu trong công tác bảo đảm ANTT cần tập trung giải quyết. Việc quản lý đối tượng tại khu chung cư, khu đô thị mới còn khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế do những nguyên nhân như công tác quản lý, tổ chức vận hành chung cư; nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cư dân; công tác phối hợp, trao đổi thông tin; biên chế CSKV quản lý địa bàn chung cư, khu đô thị mới.
|
Trung tá Phùng Tuấn Anh, Trưởng Công an xã Đa Tốn, CAH Gia Lâm chia sẻ khó khăn về công tác quản lý địa bàn nhà chung cư |
Trung tá Phùng Tuấn Anh, Trưởng Công an xã Đa Tốn, CAH Gia Lâm nhìn nhận, địa phương có nhiều chung cư cao cấp, khu đô thị mới nhưng cùng với đó là khó khăn trong công tác quản lý, nắm tình hình địa bàn. Trong thời gian gần đây, chủ đầu tư, ban quản lý đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự khu dân cư, giúp đỡ lực lượng công an giảm bớt áp lực trong công tác quản lý phòng ngừa.
Tham luận chuyên đề chuyển đổi trạng thái trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng CAQ Hà Đông cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý đối tượng và việc làm sạch dữ liệu đối tượng, CAQ đã chủ động triển khai Kế hoạch, chia thành 3 đoạn. Cụ thể, trong giai đoạn 1, tiến hành tổng điều tra cơ bản, rà soát, thống kê, đối khớp, lập danh sách các đối tượng trong diện quản lý đang sinh sống và hoạt động trên địa bàn quận; qua đó, xác định tính chất hoạt động của đối tượng.
|
Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý phòng ngừa tái phạm, vi phạm pháp luật đối với người chấp hành xong án phạt tù |
Trong giai đoạn 2, lập các tổ công tác, thực hiện đúng với phương châm “Đi tận nơi, nhìn tận mắt, sờ tận tay”, từng đơn vị cơ sở nắm thông tin đối tượng phải theo 4 tiêu chí “Nắm rõ lai lịch, quan hệ, thái độ và diễn biến hoạt động phạm tội của đối tượng”. Đến giai đoạn 3, CAQ sẽ thành lập đoàn kiểm tra hiệu quả việc rà soát, đánh giá chất lượng cán bột thực hiện rà soát...
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky nhìn nhận, mỗi chuyên đề, tham luận, ý kiến đưa ra đều có những giá trị trong việc chia sẻ kinh nghiệm, những mô hình, giải pháp hay và đã có kết quả trong công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở...
Kết luận hội thảo, Trung tướng Nguyễn Hải Trung đề nghị để đạt được mục tiêu đề ra của hội thảo, trước mắt các hệ lực lượng CATP cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chỉ huy các cấp, gắn trách nhiệm với người đứng đầu trong tổ chức thực hiện công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở; gắn công tác quản lý đối tượng với công tác nghiệp vụ cơ bản. Đồng thời, cần xác định việc chuyển đổi các biện pháp công tác quản lý đối tượng từ thủ công, truyền thống sang công nghệ, hiện đại là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay để đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi trạng thái công tác quản lý đối tượng.
Các phòng nghiệp vụ có liên quan chủ động rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản do CATP xây dựng liên quan đến công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở để đánh giá những văn bản chồng chéo, nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, tham mưu Ban Giám đốc có phương án sửa đổi, bổ sung, thay thế, theo hướng các văn bản ban hành phải mang tính xuyên suốt, có giá trị sử dụng lâu dài.
Công an cấp huyện, cấp xã tập trung rà soát, điều tra cơ bản, thống nhất số liệu giữa hồ sơ sổ sách với phần mềm quản lý, đảm bảo thông tin đối tượng luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung yêu cầu Công an các cấp thực hiện nghiêm túc công tác trao đổi thông tin về đối tượng trong diện quản lý; nghiên cứu cơ chế chia sẻ thông tin về đối tượng giữa các hệ lực lượng trong CATP.
“Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp với các phòng nghiệp vụ có liên quan tham mưu Ban Giám đốc CATP phương án giải quyết các vấn đề nổi cộm, cấp thiết trong công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở được chỉ ra tại hội thảo” - đồng chí Giám đốc CATP nhấn mạnh.