"Góc người" hiếm hoi bên trong kẻ tử tù máu lạnh

ANTĐ - Đối với một kẻ từng gây nên tội ác trời không dung, đất không tha như tôi, phút lắng lòng sẻ chia có thể trở thành trò cười, thậm chí trò lố trong mắt người khác. Nhưng, nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương, nhớ người phụ nữ tôi từng yêu tha thiết... là có thật.

Hắn nói năng rất hoạt ngôn, láu lỉnh và cũng rất hợp lý: "Tội của em hai năm rõ mười rồi, cáo trạng hoàn tất từ lâu, hồ sợ tử tù mạch lạc, chi tiết đủ đấy rồi, em không có gì để kể về cuộc đời đâu. Muốn tìm hiếu gì, anh cứ đọc hồ sơ là tìm được". Sự "bất hợp tác" dễ hiểu của kẻ tử tù Nguyễn Đức Thương khiến tôi gặp không ít trở ngại khi trò chuyện với hắn. Nhưng, khi đã khơi đúng mạch, bắt trúng tâm lý của hắn, Thương "cởi mở" hơn hẳn, thậm chí hắn còn xin phép cán bộ quản giáo hát tặng tôi bài "về quê". Giọng hắn run run, trầm đục và hơi rè rè, khó có thể nói là hay, nhưng tôi biết, gã đang nhớ nhà - thứ tình cảm duy nhất còn sót lại của một kẻ giết người máu lạnh.

Khoảng bình yên đổ vỡ

Kể từ ngày bị tuyên án tử hình, cuộc sống của tôi là bốn bức tường, là chiếc cùm chắc nịch siết chặt cổ chân từ ngày này qua ngày khác. Niềm vui và cũng là sự ngóng đợi duy nhất mỗi ngày là buổi chiều tà, vào tầm 4h30 chiều, từ chiếc loa phát thanh của trại sẽ phát ra những ca khúc ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước. vốn không phải là một người yêu nhạc, nhưng vô tình một lần nghe được ca khúc "Nắng ấm quê hương" trên loa, có câu: "Thái Bình ơi, sao mà yêu đến thế", tôi bật khóc tu tu như đứa trẻ lên 3, khiến cán bộ quản giáo tưởng tôi bị làm sao. Kỳ thực, lúc ấy, tôi thấy nhớ nhà quá. Lâu lắm rồi, tôi không về thăm nhà. Cuộc sống lang bạt kỳ hồ nay đây mai đó, vô định, cuốn tôi rời xa mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Tới khi tôi bừng tỉnh, nhận ra khoảng khuyết thiếu vô biên trong tâm hồn thì chân đã vướng xiềng, bản thân đã rơi vào vòng lao lý, đếm ngược ngày xuôi bến đò âm phủ sang thế giới bên kia.

Tôi đã bôn ba, xuôi ngược nhiều nơi, từ Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng tới TPHCM, Tiền Giang, Bến Tre... để kiếm công ăn việc làm, nhưng tính nết không đặng nổi việc khó, thành thử lông bông mãi. Trên bước đường "hành tẩu", tôi gặp một người con gái tính nết hiền lành, dịu dàng, có nụ cười ấm áp có khả năng sưởi ấm cuộc đời nhiều biến động của tôi. Đặc biệt, cô ấy cũng là người xứ Bắc vào Nam lập nghiệp giống tôi, sự đồng cảm, tình đồng hương đã kéo chúng tôi lại với nhau. Nên duyên chồng vợ, tôi ôm ấp nhiều ước mong xây dựng cuộc sống đầy đủ, yên ấm bên người phụ nữ của đời mình. Nhưng, cuộc đời này vốn có quá nhiều cám dỗ, và một con ngựa bất kham như tôi hằng hi vọng gia đình sẽ là điểm đỗ cuối cùng, nhưng vó ngựa đã tung lên, vạn dặm phía trước còn vẫy tay mời gọi, những giọt nước mắt của cô ấy không níu được bước chân tôi.

Người đời có câu "Miệng ăn núi lở", tiền mang theo trên người sạch nhẵn, túng quá hóa liều, tôi cùng những người bạn lang bạt sử dụng cách cuối cùng: đi cướp tài sản lấy tiền tiêu xài. Nói về "danh sách đen" những phi vụ tôi thực hiện và những lần "xô khám", chắc vài ngày không hết.

Năm 2002, tôi cùng vài người bạn thực hiện vụ cướp ngay tại quê lúa Thái Bình. Bị kết án 3 năm tù giam, cha mẹ tôi hằng hi vọng quãng thời gian đó giúp tôi tĩnh tâm nhìn lại quá khứ sai lầm, xô bồ của mình. Ra tù, tôi và vợ quyết định Nam tiến lập nghiệp. Nhưng, chưa được mấy bữa, tôi lại xộ khám. Có lẽ, quá chán nản về người chồng vô trách nhiệm là tôi, vợ tôi quyết định ly hôn.

Tôi còn nhớ, khi cô ấy đặt lá đơn trước mặt tôi, tôi đã quỳ xuống dưới chân cô ấy cầu xin sự tha thứ. Nhưng lần này, cô ấy đã khóc và kiên quyết giải thoát cuộc đời mình. Nhớ về những lần đánh đập cô ấy trong những cơn say, những lần nhẵn túi trở về nhà moi tiền của vợ, nhớ về những lần nhiếc mắng, chửi bới, xúc phạm cô ấy, nhớ về nụ cười ấm áp của cô ấy từng làm chao đảo gã giang hồ này, lúc chia li, tôi mới thấy thương vợ. Suốt thời gian bên nhau, cô ấy đã nín nhịn, nhẫn nhục và chờ đợi sự trở lại của tôi trước đây, nhưng rốt cuộc, ngoài việc mang đến cho cô ấy những trận đòn vô cớ, những giọt nước mắt nặng nề, khó nhọc, tôi chẳng làm được gì tốt đẹp hơn. Chưa bao giờ tôi sợ mất cô ấy như lúc đó. Tôi cầu xin một cơ hội để sửa đổi mình - giống như không ít lần cầu xin trước đó, nhưng lần này, vợ tôi quyết dứt áo ra đi. Đồng nghĩa, khoảng bình yên duy nhất trong tôi đổ vỡ. Tôi lao vào những cuộc chơi bạt mạng, những phi vụ đen tối làm dày thêm "bảng thành tích" bất hảo của bản thân. Tôi xộ khám lần tiếp theo khi gây ra vụ trộm cắp tài sản tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Sau 18 tháng chấp hành án phạt, giữa tháng 5/2011, tôi được ra tù và tìm tới nhà cô Cúc, chú Ngọc (cô và dượng của vợ tôi ở xã Ea Ning, huyện cư Kuin, Đắk Lắk, nhờ cậy cô chú nói đỡ vài lời với vợ tôi, xin vợ tôi trở lại. Tôi đã thề thốt rất nhiều, hứa rằng sẽ chỉn chu làm ăn, từ bỏ con đường phạm pháp. Tôi khao khát được cùng cô ấy xây dựng lại cuộc sống. Tôi muốn rũ bỏ quá khứ tội lỗi của mình.

Trên đường tới nhà cô Cúc, tôi mua theo một bịch trái lê làm quà. Cô chú tôi không ở nhà, chỉ có cháu H.T, con bé 11 tuổi nhưng rất phổng phao, xinh xắn. H.T bảo bố mẹ lên rẫy chưa về. Cho tới tận chiều, cô chú vẫn chưa về, đợi lâu nóng ruột, tôi bảo H.T đưa chìa khoa xe máy để tôi chở H.T lên rẫy tìm bố mẹ.

 

Nguyễn Đức Thương trước vành móng ngựa

Đánh mất cuộc đời vì một phút thú tính

Dọc đường, bé H.T lý lắc, dễ thương vừa hát véo von, vừa kể chuyện cho tôi nghe chẳng khác gì con chim chích bông. Hai anh em đi lòng vòng mãi, nhưng càng đi càng lạc, H.T đòi tôi quay đầu xe lại vì đường này không đúng. Không lý giải được xúc cảm của tôi khi nhìn H.T, thú tính nổi lên, mặc kệ em gái giật mạnh vạt áo đòi về nhà, tôi cứ lao xe hun hút về phía trước.

H.T sợ hãi khóc toáng lên, nhưng không thể ngăn cản được dục vọng trỗi dậy trong con người tôi. H.T dọa về sẽ mách bố mẹ. Giật mình nghĩ tới tình huống cảnh báo của em gái, sợ bị phát hiện tội lỗi, tôi lao tới bóp cổ em cho tới khi cô bé không còn cử động.

Mất hết ý thức, tôi bỏ mặc xác em nằm đó, cuống cuồng lên xe máy tìm đường thoát khỏi rẫy cà phê mịt mùng trong bóng chiều đổ sập trên đầu. Chạy một mạch về Buôn Ma Thuột, tôi bán xe cho người ta với giá hơn 1 triệu đồng rồi lẩn trốn với hi vọng không ai phát hiện ra hành tung của mình.

Nhưng, cuộc đời có nhân, có quả, tội ác của tôi gây ra không thể lấp liếm, chôn vùi được. Khi đang di chuyển trên đường, tôi đã bị bắt. Và lần "xộ khám" này, tôi biết cơ hội trở về của mình sẽ không bao giờ tới.

Trong phiên tòa xét xử lưu động, Tòa án tuyên phạt tôi mức án tử hình về tội "giết người", mức "chung thân" về tội "hiếp dâm trẻ em" và 8 năm tù về tội "cướp tài sản", tổng hình phạt chung là tử hình, tôi hiểu, đó là cái giá tất yếu của tội ác.

Tôi hối hận nhiều lắm vì đã sát hại bé H.T. Tôi ước ao được gặp lại vợ tôi, dù chỉ một lần. Tôi yêu cô ấy, dù tôi biết tôi không đủ tư cách và tự trọng để nói lên những lời đó. Sau tất cả lỗi lầm và nỗi đau, nỗi nhục mà tôi mang về cho cô ấy, tôi chẳng có quyền đòi hỏi hay yêu cầu gì từ người vợ từng một thời đầu ấp tay gối. Tôi chỉ dám ước ao, có thể nhìn thấy cô ấy, thoáng qua cũng đủ hạnh phúc lắm rồi, trước khi xuôi đò về bên kia thế giới. Nhưng, đó chỉ là một giấc mơ không bao giờ có thật.

Đối với một kẻ từng gây nên tội ác trời không dung, đất không tha như tôi, phút lắng lòng sẻ chia có thể trở thành trò cười, thậm chí trò lố trong mắt người khác. Nhưng, nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương, nhớ người phụ nữ tôi từng yêu tha thiết... là có thật. Mỗi chiều, tôi lại để lòng mình lắng sâu cùng tiếng hát bay qua khung cửa sổ bé tẹo, như nỗi nhớ hiếm hoi phát ra từ chiếc loa phát thanh đặt ở khoảng sân rộng của trại giam.

Ghi theo lời kể của tử tù Nguyễn Đức Thương

Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk