- Xác định vai trò quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể
- Tới Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, khám phá ẩm thực dân tộc
Nhóm ngành có lợi thế quốc gia
Các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm 12 lĩnh vực là quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa. Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế thể hiện là nhóm ngành có lợi thế quốc gia, góp phần tăng năng lực cạnh tranh và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Đây là nhóm ngành có giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu tăng khá nhanh trong thời gian gần đây. Nhìn chung, các ngành công nghiệp văn hóa có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, kết hợp và phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Phát triển công nghiệp văn hóa để thúc đẩy tiến bộ, phồn vinh của văn hóa dân tộc |
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vừa diễn ra tại Hà Nội, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên số liệu có sự sụt giảm, chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%.
Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Giai đoạn 2018 - 2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm; năm 2022 thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa.
Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018 - 2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD.
Tìm giải pháp phát triển tổng thể
Dù gặt hái được thành công bước đầu, tuy nhiên quá trình công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đang bộc lộ không ít nút thắt cần được cởi bỏ. Đó là việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chưa được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đó là do nguồn vốn chi cho đầu tư sáng tạo lớn, nhưng khả năng thu hồi vốn chậm, nhỏ lẻ, tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cơ chế, chính sách, phương pháp quản lý, đến ứng xử của cộng đồng, xã hội đối với từng sản phẩm công nghiệp văn hóa.
Việt Nam có thị trường nội địa tiềm năng với dân số trẻ, cởi mở, dễ tiếp cận, tuy nhiên đối tượng này chưa hình thành thói quen, ý thức trong việc tôn trọng, bảo vệ và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa của Việt Nam một cách toàn vẹn, khai thác, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Đầu tư tài chính cho văn hóa, trong đó có công nghiệp văn hóa, từng bước được nâng lên nhưng hiện tại còn thấp hơn so với nhu cầu. Đặc biệt, nói đến các ngành công nghiệp văn hóa là nói đến đa ngành, nhiều lĩnh vực có nội hàm rộng nhưng chưa được cụ thể hóa. Do vậy còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia quản lý, do vậy chưa có giải pháp phát triển tổng thể.
Việt Nam có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nhưng các sản phẩm công nghiệp văn hóa chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế này |
Cần đầu tư có trọng điểm
Để tháo gỡ khó khăn, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách như xây dựng và ban hành chính sách cụ thể đối với từng ngành công nghiệp văn hóa, áp dụng các ưu đãi thuế suất thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong một thời hạn nhất định; ưu đãi về thời gian được miễn, giảm nghĩa vụ thuế TNDN có thời hạn. Giảm trừ thu nhập chịu thuế TNDN trên cơ sở mức vốn đầu tư của dự án; giảm trừ trực tiếp nghĩa vụ thuế TNDN.
Nghiên cứu, đề xuất cho phép áp dụng mức thuế suất hợp lý, chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho một số ngành công nghiệp văn hóa nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư trong các hoạt động kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về hợp tác công - tư trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; chuyển hóa tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng còn cho rằng Nhà nước cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, thu hút hỗ trợ đầu tư, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ… Các biện pháp này nhằm thực hiện mục tiêu chung trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Nếu đem so sánh 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam sẽ thấy, mỗi lĩnh vực có những tiềm năng, thế mạnh, giá trị, thị trường và mục tiêu phát triển khác nhau. Để hoàn thành mục tiêu chung đến năm 2030, Bộ VH-TT&DL kiến nghị Nhà nước cần đầu tư trọng điểm, ưu tiên cho các ngành có khả năng quảng bá văn hóa, hướng đến giá trị tôn vinh các yếu tố truyền thống, tiềm năng phát triển vượt bậc khi có sự hỗ trợ từ hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước. Do vậy, các lĩnh vực nên được lựa chọn để tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển đến năm 2030 bao gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và trò chơi giải trí, thiết kế.
Cụ thể, với điện ảnh, tập trung sản xuất phim có khả năng thu hút khán giả đồng thời gắn với các sản phẩm và dịch vụ đi kèm. Đối với phim truyện, phim tài liệu gắn với phát triển các điểm đến về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên có khả năng thu hút khách du lịch. Với nghệ thuật biểu diễn, tổ chức các festival âm nhạc với quy mô quốc tế hàng năm tại Việt Nam. Bước đầu kết hợp và mời một số ban nhạc lớn trên thế giới, dần hình thành các ban nhạc Việt có khả năng hoạt động biểu diễn trên thị trường âm nhạc quốc tế. Hỗ trợ hình thành các sân chơi biểu diễn chuyên nghiệp (cuộc thi, gala âm nhạc, nghệ thuật, sáng tác, trình diễn...) để phát triển tài năng nghệ thuật, các ban nhạc, nhóm nhạc trẻ khẳng định bản sắc, đặc trưng riêng và nắm bắt định hướng hoạt động nghề nghiệp.
Với du lịch văn hóa, nghiên cứu thị trường, xác định nhu cầu các phân khúc khách hàng, tâm lý khách hàng để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa đảm bảo chất lượng, độc đáo, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của từng phân khúc khách hàng, thị trường, địa phương.
Với thủ công mỹ nghệ, định hình thị hiếu cho thị trường nội địa, khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, tôn vinh các giá trị truyền thống, lồng ghép các yếu tố văn hóa Việt vào thiết kế và sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống. Mở rộng thị trường xuất khẩu, đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm thủ công Việt.
Với phần mềm và các trò chơi giải trí, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký thành lập tại Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của ngành game và sản xuất trò chơi giải trí (ngành công nghiệp giải trí).
Với thiết kế, đầu tư xây dựng và phát triển trung tâm thiết kế sáng tạo tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và một số thành phố có tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực này.