Gỡ điểm nghẽn nâng hạng chứng khoán: Lấy ý kiến cho phép nhà đầu tư nước ngoài giao dịch không ký quỹ 100%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất bổ sung các quy định về giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư nước ngoài, qua đó tháo gỡ vướng mắc lớn trong quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa thông báo lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về Giao dịch chứng khoán (GDCK) trên hệ thống GDCK; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán (CTCK) và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý là quy định liên quan đến giao dịch ký quỹ của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, UBCKNN đề xuất bổ sung Điều 9a "Giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài" vào sau Điều 9 của Thông tư số 120/2020/TT- BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống GDCK.

Giao dịch ký quỹ đối với nhà đầu tư nước ngoài là một trong những điểm nghẽn của quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán

Giao dịch ký quỹ đối với nhà đầu tư nước ngoài là một trong những điểm nghẽn của quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 7 của Thông tư số 120/2020/TT- BTC. Theo đó, nhà đầu tư chỉ được đặt lệnh mua chứng khoán khi có đủ tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán, ngoại trừ các giao dịch sau: Giao dịch ký quỹ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này; Giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài theo quy định tại Điều 9a Thông tư này; Giao dịch của nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại ngân hàng lưu ký khi có bảo lãnh thanh toán hoặc xác nhận của ngân hàng lưu ký về việc chấp nhận yêu cầu thanh toán GDCK của nhà đầu tư.

Dự thảo cũng bổ sung Điều 35a "Thanh toán giao dịch mua chứng khoán không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài" vào sau Điều 35 Thông tư số 119/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán GDCK.

Theo đó, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải có đủ tiền trên tài khoản để thanh toán cho các giao dịch mua chứng khoán của mình trước thời điểm thành viên lưu ký xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC). Việc bù trừ, thanh toán GDCK được thực hiện theo quy định pháp luật và quy chế của VSDC.

Trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không có đủ tiền trong thời hạn theo quy định tại Khoản 1 Điều này, nghĩa vụ thanh toán giao dịch mua chứng khoán thiếu tiền của nhà đầu tư được chuyển thành nghĩa vụ thanh toán của CTCK nơi nhà đầu tư đặt lệnh để bù trừ.

CTCK nơi nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đặt lệnh mua chứng khoán quy định tại Điều 9a Thông tư số 120/2020/TT-BTC có nghĩa vụ thanh toán đối với giao dịch mua chứng khoán thiếu tiền để thanh toán của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều này. CTCK phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thanh toán, trường hợp mất khả năng thanh toán sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật và Quy chế của VSDC.

Dự thảo cũng bổ sung khoản 9 tại Điều 16 quy định: "CTCK cung cấp dịch vụ giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có nghĩa vụ thanh toán giao dịch thiếu tiền của khách hàng".

Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ 100% giao dịch, và đây được coi là điểm nghẽn cần được gỡ bỏ trong tiến trình nâng hạng thị trường. Hiện nay Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí, còn 2 tiêu chí cần hoàn thiện đó là ký quỹ trước giao dịch và tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng thị trường như FTSE Russell và MSCI nhằm tìm hiểu các tiêu chí phân loại thị trường và trao đổi thông tin về nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý của Việt Nam. Bộ Tài chính cũng đã trực tiếp chỉ đạo UBCKNN triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc xem xét nâng hạng thị trường.

Theo mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.