Giữa hai dòng nước

ANTĐ - Hiện chưa có cơ quan nào thống kê được hàng năm có bao nhiêu thanh niên lao động giản đơn tạm rời bỏ đồng ruộng vào thành phố kiếm việc làm. Họ muốn “đoạn tuyệt” nghiệp nhà nông để trở thành công nhân nơi thành thị. Đô thị hóa mở ra cho họ cánh cửa tuy không rộng lớn gì, song cũng dễ kiếm đồng tiền hơn, được “mở mày mở mặt” hơn. Các cơ sở sản xuất tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các khu công nghiệp thiếu lao động gia công… thường là nơi lao động nông thôn “gõ cửa” với nhiều hy vọng.

Tại các khu dân cư cả trong nội thành lẫn ngoại thành Hà Nội và TP.HCM, không ít các chủ cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp trong các cụm doanh nghiệp làm ăn khấm khá hơn, thậm chí giàu lên, mở rộng sản xuất kinh doanh là nhờ mồ hôi lao động của lực lượng nhập cư đông đảo. Thế nhưng thu nhập, điều kiện làm việc chưa thể hứa hẹn cho họ một cuộc sống có ngày mai. Nhiều người không dám “tơ tưởng” tới chuyện lấy vợ, lấy chồng, thiếu mối quan hệ xã hội, điều kiện ăn ở không đảm bảo mức tối thiểu, luôn nơm nớp bị sa thải.

Thực tế, không ít cơ sở không hề có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền lợi người lao động. Bằng nhiều cách, họ sử dụng lao động trẻ rẻ mạt chưa có tay nghề để trả lương theo kiểu “vừa học vừa làm”. Tức là giảm được cả một gánh nặng về chi phí, trợ cấp, chứ chưa nói tới chuyện bảo hiểm… xa vời. Một nhóm điều tra về lao động xã hội đã tiến hành một đề tài nghiên cứu theo phương pháp phỏng vấn và thảo luận nhóm những thanh niên nông thôn “ly hương” lên thành phố kiếm sống. Kết quả cho thấy những con số đáng phải suy nghĩ và quan tâm. Có 83% thanh niên được sự trợ giúp tài chính ban đầu từ gia đình, họ hàng, bạn bè, 27,7% đang làm việc tại các cơ sở sản xuất mà ông chủ là đồng hương hoặc họ hàng. Chỉ có 4,7% xin được việc làm thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm. 50% đang làm việc và ăn ngủ ngay tại cơ sở sản xuất. Có 53,7% cho biết diện tích nhà ở và sinh hoạt dưới 5m2/người; 37% đang thuê nhà trọ. Đặc biệt, có tới 61,3% số người được điều tra cho biết họ phải làm việc từ 10-14h/ngày; 75% không được chủ doanh nghiệp trả tiền làm thêm giờ hoặc trả không thỏa đáng.

Chính vì thế đã có tới 45,6% số thanh niên nông thôn đã phải “nhảy việc” từ 2-4 lần kể từ khi ly nông lên thành phố tìm kiếm… tương lai. Đã từng và đang tiếp tục diễn ra những “luồng” di chuyển nơi làm việc của những lao động nông thôn “thân cô thế cô” trong các thành phố, nhất là ở Hà Nội, TP.HCM… nhiều người đã chịu khó lăn lộn thậm chí vạ vật, cố thay đổi việc làm với hy vọng tìm thấy một chút tương lai. Họ có khá nhiều lối rẽ khác nhau để tìm kiếm nhiều loại công việc, nhưng lại không có quyền lựa chọn bởi phần lớn chưa có tay nghề. Họ có thể may mắn trở thành công nhân trong các khu công nghiệp, chế xuất, công nhân bốc vác, xây dựng hoặc là… bưng bê trong nhà hàng, quán cà phê. Diễm phúc hơn thì làm việc trong các cơ sở vận tải, hóa chất, tái chế bao bì, gia công đồ gỗ, giết mổ gia súc, gia cầm…

Có rất nhiều con đường dẫn vào thành phố, có không ít lối rẽ chằng chịt cũng như nhiều sự lựa chọn mở ra cho những người lao động di cư vào thành phố với kỳ vọng “đổi đời”. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, khi mà an sinh xã hội chưa thể đảm bảo “chia đều” cho tất cả thì họ loay hoay giữa hai dòng nước: ở lại thành phố hay quay về nông thôn?