Giữ vững an ninh trật tự, tạo điều kiện ổn định phát triển kinh tế xã hội

ANTĐ - Do nhiều nguyên nhân, tình hình tội phạm năm 2013 còn diễn biến phức tạp, song với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, sự cố gắng nỗ lực của các bộ ngành địa phương, sự tham gia tích cực của nhân dân trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm, nên tốc độ gia tăng của tội phạm đã được kiềm chế.
Giữ vững an ninh trật tự, tạo điều kiện ổn định phát triển kinh tế xã hội ảnh 1
Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội


Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp

Sáng nay (28-10), Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội.

Tình hình kết quả công tác đấu tranh chống tội phạm năm 2013 cho thấy, tốc độ gia tăng của tội phạm đã được kiềm chế, tuy nhiên tình hình tội phạm đang diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng hơn, nổi lên là: các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh hoạt động chống phá, triệt để lợi dụng internet để tuyên truyền các quan điểm thù địch, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ, gây mâu thuẫn...

Một số tội phạm xâm phạm trật tự xã hội giảm so với năm 2012 như: tội phạm giết người, tội phạm cướp tài sản, tội phạm chống người thi hành công vụ... nhưng tính chất tội phạm nghiêm trọng hơn nhất là các hoạt động của các băng nhóm tội phạm dưới dạng bảo kê, siết nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá... Nhiều đối tượng hoạt động manh động, liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ gây án, gây lo lắng trong nhân dân.

Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm 86,1% trong tổng số các vụ giết người, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những bộc phát tức thời trong gia đình, trong quan hệ xã hội. Hầu hết số đối tượng gây án phạm tội lần đầu, chưa có tiền án tiền sự, tình trạng giết người thân trong gia đình xảy ra nhiều, cho thấy sự xuống cấp về đạo đức xã hội đáng báo động. Nhiều vụ giết người với hành vi rất dã man, gây bức xúc trong dư luận.

Nhiều sới bạc hoạt động mang tính chất chuyên nghiệp, gắn với cho vay nặng lãi, có sự tham gia của nhiều đối tượng có tiền án tiền sự, tình trạng cá độ bóng đá qua mạng internet ngày càng tinh vi, đánh bạc xuyên quốc gia.

Về tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, đã xảy ra nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; tội phạm về tham nhũng (tham ô, môi giới hối lộ, nhận hối lộ) được phát hiện ở nhiều lĩnh vực, tập trung trong lĩnh vực quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản.

Tội phạm về môi trường nổi lên là quản lý, xử lý chất thải ở các khu công nghiệp, khu đô thị diễn ra ở nhiều địa phương gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tiếp tục phát hiện một số doanh nghiệp nhập rác thải, chất thải nguy hại vào Việt Nam bằng thủ đoạn tinh vi dưới hình thức “tạm nhập tái xuất”.

Tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn có chiều hướng gia tăng, nguồn ma túy chủ yếu được vận chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam, xu hướng mua bán sử dụng ma túy tổng hợp dạng "đá" gia tăng, nhất là ở các thành phố lớn, kéo theo nhiều tụ điểm phức tạp, số thanh thiếu niên sử dụng ma túy tăng... Phương thức thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ.

Diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm năm 2013 có nhiều nguyên nhân: Tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, số lượng người thất nghiệp gia tăng, ảnh hưởng tới an sinh xã hội; tác động tiêu cực từ các ấn phẩm đồi trụy, các trò chơi bạo lực trên mạng internet, tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống trong xã hội; công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở, thiếu sót làm phát sinh tội phạm; công tác phòng ngừa của các lực lượng chức năng có phần còn hạn chế; trách nhiệm thi hành công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi để xảy ra tội phạm lộng hành, có nơi còn chưa nghiêm.

Quý 4/2013: Xét xử nhiều vụ án kinh tế lớn

Báo cáo cho biết kết quả công tác: Năm 2013, đã tiếp nhận trên 98.000 tin tố giác tội phạm, hầu hết các tin này đều được chỉ đạo giải quyết; CQĐT các cấp đẩy nhanh điều tra các vụ án trọng điểm, được dư luận quan tâm, rà soát các vụ án tồn đọng để giải quyết dứt điểm; chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm có chuyển biến tích cực, tỉ lệ điều tra khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đạt 76,6%, án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (đạt 90%, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 37 mà Quốc hội đã đề ra).

Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng tồn đọng kéo dài đã được giải quyết dứt điểm. Một số vụ án kinh tế tham nhũng nghiêm trọng, nhất là lĩnh vực tài chính ngân hàng được phát hiện khởi tố, điều tra kịp thời. Điển hình là các vụ vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Nam Hà Nội, gây thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng; khởi tố 26 bị can, trong đó có 2 bị can nguyên là Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc của Ngân hàng NN&PTNT. Vụ vi phạm các quy định về cho vay và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) gây thiệt hại khoảng 1.800 tỷ đồng, khởi tố 14 bị can. Vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính 2 (Ngân hàng NN& PTNT) đã mở rộng điều tra khởi tố 8 bị can, về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ án tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, đã khởi tố bổ sung 4 bị can Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều về tội tham ô tài sản.

Bộ Công an cũng đã tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra chuyển hồ sơ cho Viện KSND, đề nghị truy tố vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm 23 bị can; vụ Nguyễn Đức Kiên lừa đảo kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng gồm 8 bị can; vụ tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam gồm 4 bị can và vụ án tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài gồm 7 bị can; các vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản... tại Công ty cho thuê tài chính 2 gồm 23 bị can. Liên ngành Tư pháp Trung ương đã thống nhất đưa ra xét xử các vụ án trên trong quý IV-2013.

“Có thể khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã được Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, các ngành chức năng chức năng đã chủ động nắm vững tình hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả, công tác điều tra xử lý tội phạm do vậy kiềm chế được sự gia tăng của tội phạm, các mục tiêu nhiệm vụ công tác phòng, chống tội phạm trong Nghị quyết số 37 của Quốc hội cơ bản đạt được, góp phần quan trọng giữ vững an ninh trật tự, tạo điều kiện ổn định phát triển kinh tế xã hội”, Bộ trưởng Trần Đại Quang báo cáo trước Quốc hội.