Theo Bộ Tài chính việc giữ ổn định nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch
Bộ Tài chính cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi và chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh và quản lý của cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính quyết định giữ ổn định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng này.
Cụ thể, thuế suất với các mặt hàng xăng là 18%, dầu diezel là 14%, dầu hỏa là 16%, dầu mazut là 15%. Trong khi đó, theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, mức thuế nhập khẩu quy định đối với xăng dầu tối đa là 40%.
Căn cứ tình hình trong nước, để chủ động cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người dân tiêu dùng, Bộ Tài chính đã công bố các mức thuế suất thuế nhập khẩu (Barem) đối với các mặt hàng xăng dầu khi giá thế giới biến động.
Nếu theo Barem và mức giá xăng dầu thế giới thời gian qua và hiện nay thì mức thuế nhập khẩu phải là 20%. Nhưng mức thuế nhập khẩu hiện hành đối với xăng là 18%, còn dầu là 14%, 15%, 16% (tuỳ loại). Như vậy, vẫn thấp hơn mức thuế nhập khẩu công bố của Barem và thấp hơn nhiều mức tối đa do Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định.
Quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng, thuế nhập khẩu xăng dầu không chỉ đơn thuần công cụ thu ngân sách, mà còn là công cụ điều tiết thị trường, tạo điều kiện cho việc phát triển các dự án nhà máy lọc dầu trong nước, từng bước tiến tới đảm bảo nguồn cung trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu vì hiện nay Việt Nam mới sản xuất được 30%, phải nhập khẩu 70% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Trước đó, tại thời điểm điều chỉnh giá xăng ngày 7-7, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết trong mức giá bán lẻ 25.640 đồng/lít đã bao gồm 32,1% thuế và phí, tương đương 8.300 đồng/lít. So với một số nước trong khu vực thì mức thuế, phí nhập khẩu của Việt Nam vẫn thấp hơn.