Du lịch Lai Châu: Đi chậm không có nghĩa là về sau (1)

Giữ nhà, giữ rừng, giữ cả một góc trời Tây Bắc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Con đường núi uốn khúc quanh co, mưa như trút suốt từ Lào Cai qua tới Sa Pa do ảnh hưởng của cơn bão số 7, nhìn vào app dự báo thời tiết trong điện thoại thấy nản, Lai Châu sẽ mưa suốt cả tuần. Ấy vậy mà xe chỉ vừa đi qua Ô Quy Hồ - một trong tứ đại đỉnh đèo hung hãn nhất trời Tây Bắc là đã thấy trời quang mây tạnh. Phóng tầm mắt từ cửa kính, xe qua ngút ngàn núi, ngút ngàn mây và thăm thẳm xanh của những rừng cây, những thửa ruộng bậc thang vừa gặt vẫn còn xanh chân rạ. Mảnh đất Lai Châu hiện lên đầy ấn tượng cho một du khách lần đầu đến là tôi.
Ngôi nhà của ông Thùng Văn Được - người đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở Bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ

Ngôi nhà của ông Thùng Văn Được - người đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở Bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ

Nét duyên thầm quyến rũ du khách

Suốt những cung đường dọc ngang Lai Châu, tôi được những cán bộ văn hóa của Lai Châu kể nhiều về những khó khăn của mảnh đất địa đầu Tổ quốc, những vất vả của người dân bám bản, giữ rừng. Đã qua rồi cái thời nóng lòng “xóa đói giảm nghèo” mà “ăn vẹm” vào rừng, giờ phải sống hài hòa, nương vào thiên nhiên mà phát triển. Sáng kiến “Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng” cũng từ đó mà ra đời.

Nhìn vào vị trí địa lý của Lai Châu, người bi quan thì bảo khó lắm, phát triển làm sao khi kẹt giữa tỉnh Điện Biên - bao lâu nay du khách tìm về để được thấy tận mắt chiến trường xưa, một “Điện Biên chấn động địa cầu”. Sát sườn còn là Sa Pa trong mây, cả trăm năm qua người Pháp đã nhìn ra tiềm năng du lịch để rồi quãng hơn 20 năm trở lại đây, Sa Pa phát triển như vũ bão, cả thị trấn mờ sương như một đại công trường xây dựng. Phía dưới còn có Yên Bái quyến rũ với những thửa ruộng bậc thang từng được xếp hạng Di tích quốc gia…

Thế nhưng, người lạc quan lại cho rằng, Lai Châu đang có lợi thế lớn, ấy là cảnh quan thiên nhiên còn giữ được nguyên bản, vấn nạn “đô thị hóa”, “bê tông hóa” chưa thể càn lướt tới nơi này. Đó chính là nét duyên thầm quyến rũ du khách.

Bản Vàng Pheo, xã Mường So có hơn trăm nóc nhà, nơi đang được UBND huyện Phong Thổ “chọn mặt gửi vàng” cho mô hình nông thôn mới gắn với du lịch. Ngôi nhà sàn của gia đình ông Thùng Văn Được nằm yên bình dưới những vòm cây lớn, xung quanh được bao bọc bởi những hàng rào hoa râm bụt, mùa này hoa nở rực rỡ. Thấy có khách lạ ghé thăm, chủ nhân của ngôi nhà bề thế nhất bản vội vàng xỏ dép ra chào. Chắc chắn, ngôi nhà là niềm tự hào của gia đình, bởi lẽ, ông kể về nó với biết bao hào hứng.

Năm 1976 là thời điểm khởi dựng nhà, hồi đó gỗ thì lấy trên rừng, công thì bà con dân bản xúm vào giúp, thành ra tiền bạc tốn kém bao nhiêu cũng chẳng biết thế nào mà tính. Năm 2015 khi các chủ trương về du lịch cộng đồng của UBND tỉnh Lai Châu được phổ biến đến từng hộ dân gia đình ông bắt đầu có những khái niệm đầu tiên về du lịch cộng đồng. Rồi cứ thế vừa làm, vừa học hỏi, mỗi năm cũng túc tắc khách đến, khách đi. Năm 2019, có dăm đoàn là khách ở trong Nam ra, khi về cứ lưu luyến mãi.

Những nóc nhà ở Bản Hon, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, nơi bắt đầu triển khai du lịch cộng đồng

Những nóc nhà ở Bản Hon, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, nơi bắt đầu triển khai du lịch cộng đồng

Hỏi chuyện ăn ở và đón khách, ông Được bảo, đấy sàn gỗ rộng thế phía trong ngăn cách ra để người nhà ở, phía ngoài trải nệm cho du khách. Nhà vệ sinh và nhà tắm thì làm theo tiêu chuẩn hẳn hoi, mấy năm rồi ông còn đầu tư cả bình năng lượng mặt trời cho nhà tắm, đảm bảo, mùa đông khách vẫn có nước nóng dùng.

Có điều, cả bản Vàng Pheo bây giờ, mới chỉ có hai hộ đầu tư làm homestay, phần nhiều còn rụt rè nghe ngóng và quan trọng là chưa có tiềm lực. Ông Thùng Văn Được ngồi nhẩm tính cho chúng tôi. Giờ làm được một ngôi nhà sàn với chất lượng gỗ tốt chắc phải mất cả tỷ bạc chứ không đùa. Lại thêm, gỗ khan hiếm, càng không có chuyện cứ mang cưa lên rừng là có gỗ quý kéo về như ngày xưa, cùng với đó là tâm lý thích hiện đại, thích xây nhà gạch hơn. Trước đây, bản toàn là nhà sàn, giờ số nhà sàn giảm “sốc”, chỉ còn có vài nóc mà thôi.

Ông Được tính cụ thể cho chúng tôi dễ hình dung. Một ngôi nhà sàn, giờ mang bán cho người dưới xuôi để họ dựng lại nhà, nhiều thì được cả trăm triệu, ít nhất cũng phải 30-40 triệu đồng. Nói rồi, ông chỉ tay ra phía đường, nơi có một ô tô tải đang đậu sẵn, suốt từ sáng cứ rầm rầm các cột gỗ được bê ra chất lên xe, một gia đình trong thôn đang dỡ nhà sàn đem bán. Rồi ông tiếp, trên cái thửa đất trước chỉ xây được 1 nhà sàn thì có thể xây được 4 nhà ống như dưới xuôi. Thêm nữa, tiền bán nhà sàn có thể đủ xây được nhà mới.

Từng là cựu cán bộ xã, nên ông Được hiểu cái bản Vàng Pheo như chính bản thân mình. Ông đùa, người ta cứ nói mảnh đất Lai Châu đất rộng người thưa, nhưng mà lấy đâu ra đất mà rộng, cái bản Vàng Pheo này có muốn phình ra to hơn cũng chẳng được. Đụng đâu cũng là núi đá, làm sao mà dỡ núi đi xây nhà được.

Tôi hỏi, nếu được chính quyền ủng hộ, ông có tiếp tục đầu tư cho mô hình homestay mà gia đình hiện có không? Câu trả lời của ông khiến tôi hoàn toàn bất ngờ: “Anh Lịch bảo làm như nào, chúng tôi sẽ làm như thế!”.

Anh Lịch được nhắc đến trong câu chuyện chính là Phó Chủ tịch xã Mường So - Bùi Quang Lịch, một trong những trí thức trẻ thuộc Đề án của Chính phủ, tuyển chọn 600 tri thức trẻ tình nguyện đi công tác tại vùng sâu, vùng xa biên giới khó khăn giữ vai trò Phó Chủ tịch UBND xã. Xây dựng thành mô hình nông thôn mới gắn với du lịch ở Vàng Pheo đang là chủ trương mà các lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã và trực tiếp là Phó Chủ tịch xã trẻ tuổi này ấp ủ và khao khát.

Những góc bình yên ở Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ

Những góc bình yên ở Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ

Những người giữ trời Tây Bắc

Bùi Quang Lịch - Phó Chủ tịch xã Mường So vốn người gốc Thái Bình. Tốt nghiệp Đại học Thủy lợi khoa Máy và thiết bị thủy lợi, năm 2007, Bùi Quang Lịch tham gia một số công trình thủy lợi ở Lai Châu. Rồi chẳng biết từ khi nào, mảnh đất địa đầu đã quyến luyến, để rồi, từ 2012 trở đi, nơi đây đã thực sự trở thành quê hương thứ 2 của anh.

Trò chuyện với tôi, Bùi Quang Lịch nói nhiều về những dự định phát triển du lịch cộng đồng, những thuận lợi trước mắt và cả những khó khăn mà Mường So nói chung và Vàng Pheo nói riêng đang phải đối mặt. Từ khi thực hiện đề án Nông thôn mới gắn với du lịch, có được nguồn vốn phân bổ hàng năm, tuy không nhiều, nhưng cứ túc tắc làm thì cũng được nhiều việc, ban đầu là từ những việc nhỏ, làm sạch môi trường, chỉnh trang cây cối, vun lại những hàng rào hoa rồi phục dựng lễ hội. Vừa rồi, Mường So cũng có mấy đoàn cán bộ của Bộ VH-TT&DL lên tập huấn cho bà con về bảo tồn, lưu giữ và truyền dạy di sản phi vật thể, rồi thì mở lớp dạy đàn tính… Tất cả những cái đó, chính là nền tảng để Vàng Pheo có thể phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững.

Phó Chủ tịch xã Mường So Bùi Quang Lịch tâm tư: “Thật sự là còn nhiều khó khăn, nguyên việc vận động dân không dỡ nhà sàn, xây nhà gạch cũng là cả công cuộc gian nan, nhưng khó khăn mấy cũng phải làm, phải vào từng nhà, gặp từng người mà vận động. Từ năm 2012 cán bộ đã tuyên truyền rồi, nhưng tuyên truyền suông thì chưa đủ, phải để dân thấy được hiệu quả, đến giờ đã có 3 gia đình tiên phong trong việc làm du lịch cộng đồng, ngặt nỗi, vừa làm xong lại “dính” phải dịch Covid” nên đành phải chờ. Dân Vàng Pheo chưa thể sống bằng du lịch và điều này là động lực để chúng tôi quyết tâm làm cho bằng được”.

Cũng có cùng quyết tâm làm du lịch cộng đồng như Vàng Pheo, nhưng Sin Suối Hồ lại “nhanh chân” đi trước một bước và đến giờ gần như đã trở thành một trong không nhiều mô hình du lịch thành công ở Phong Thổ, Lai Châu.

Thuận lợi hơn Vàng Pheo, Sin Suối Hồ có điều kiện tự nhiên rất thích hợp cho du lịch, vì nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển nên khí hậu mát mẻ quanh năm. Bản Sin Suối Hồ 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống và đó cũng là một trong những bản hiếm hoi, 100% nhà (139 hộ) đều là kiến trúc truyền thống. Chèo Quẩy Hòa, Chủ tịch xã Sin Suối Hồ gặp tôi thì khoe: “Cả xã không có cái điều hòa nào chị ạ. À quên, có một cái trước huyện cấp cho trạm y tế nhưng mà từ hồi năm ngoái lắp đến giờ vẫn chưa phải dùng”.

Tháng 6 - 2015, bản Sin Suối Hồ được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là Điểm du lịch cộng đồng, tính sơ bộ, mỗi năm bản du lịch xinh xắn này thu hút trên dưới 20 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế. Hiện nay, trong bản có 20 hộ gia đình tham gia làm dịch vụ homestay. Tổng cộng 107 giường ngủ với sức chứa khoảng 200 khách mỗi đêm. Nói chung, đó là một mô hình thực sự chuyên nghiệp nhưng lại theo cách rất tự nhiên, tự đón tiếp, ăn ở, thuyết minh, văn nghệ, thể thao và cả “xe ôm” chở khách.

Trước khi đến Sin Suối Hồ, vài người bạn của tôi mách rằng, lên trên đó nhất định phải gặp trưởng bản, đó là một người đàn ông mà nói theo chữ của dân phượt Hà Nội là “siêu yêu”. Trưởng bản Vàng A Chỉnh, 43 tuổi ngoài việc cùng với chính quyền xã, huyện tuyên truyền chung tay xây dựng bản du lịch thì cũng trực tiếp “khởi nghiệp” để làm ví dụ cho bà con.

Hỏi chuyện Trưởng bản Vàng A Chỉnh về quyết định “khởi nghiệp”, ông chia sẻ rằng, trưởng bản đương nhiên phải là người đi đầu gương mẫu, lúc đầu mình phải làm cho bà con xem, bởi có nói đến đâu đi chăng nữa mà bà con chưa thấy hiệu quả thì bà con chưa thích đâu. Phải dần dần thì mới được.

Miệng nói, tay làm, Vàng A Chỉnh cùng với bà con đồng lòng không nhận tiền mà UBND huyện Phong Thổ chi trả cho việc bảo vệ rừng năm 2011, lấy tiền đó dành ra mua vật liệu làm đường trong bản. Rồi cũng chính Trưởng bản, phát động bà con tự trồng thêm cây xanh, thêm vườn hoa cây cảnh quanh nhà. Ban đầu là trồng thử vài chậu, rồi cứ thế mà nhân giống lên, hiệu quả đến đâu tuyên truyền đến đó.

Bây giờ sau 5 năm bắt tay vào làm du lịch cùng với trồng địa lan, đời sống bà con dân bản Sin Suối Hồ được nâng cao từng ngày. Kinh tế khấm khá và giữ gìn truyền thống là 2 yếu tố được coi là quyết định cho sự thành công của mô hình du lịch cộng đồng. Trưởng bản Vàng A Chỉnh mỗi tháng vẫn chủ trì 1-2 hội nghị người dân trong bản. Kinh nghiệm của gia đình nào hay thì phổ biến luôn để cả bản cùng học.

Nhà nào không làm homestay thì nuôi lợn, nuôi gà, trồng địa lan, trồng đào, mận, táo mèo, thảo quả, dệt vải… mô hình kinh doanh khép kín, cùng hưởng lợi. Đường trong bản thì chia ra, trước cửa nhà nào nhà ấy quét cho sạch, những chiếc thùng rác làm bằng cành cây đan vào nhau ở cái bản này cũng rất xinh xắn, nó được đặt đâu đó trên đường đi, treo lên thân cây, ngang lưng thùng còn có dòng chữ: “Cho con xin rác!”.

Trưởng bản Vàng A Chỉnh thật thà kể, ông đảm nhận vị trí trưởng bản năm 2004, đã định dừng rồi nhưng bà con không đồng ý, năm 2014 thì lại làm lại.

Ở Sin Suối Hồ những ngày chưa dịch Covid-19, thường thì thứ bảy, chủ nhật rất đông, khách đến không đặt trước là không có chỗ. Sau giãn cách xã hội, lượng khách đến Sin Suối Hồ có thưa hơn, nhưng trưởng bản thì lạc quan bảo “Cứ túc tắc là được rồi!”. Từ giờ đến Tết, nếu dịch kiểm soát tốt chắc sẽ đông hơn. Mùa đông cũng chính là mùa mà đường lên Sin Suối Hồ tấp nập nhất, dù cho đường xa và khó đi. Nhưng tiếng lành đồn xa của một bản người Mông mà ở đó bà con biết bảo nhau làm kinh tế. Đó cũng là cách để giữ nhà, giữ rừng và giữ cả một góc trời nơi địa đầu Tổ quốc.

(Còn tiếp)

Bài 2: Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt