Giữ lấy cái gốc văn hóa

ANTĐ - Tranh chấp đất đai thường phức tạp, lâu dài, khó giải quyết. Vì vậy, đưa công tác hòa giải từ cơ sở vào giải quyết và coi đó như là một trong những biện pháp cơ bản để hạn chế mâu thuẫn, cũng như giúp các bên giữ được tình cảm gia đình, làng xóm, tăng cường đoàn kết trong nội bộ nhân dân là việc làm cần thiết.

Phần lớn các vụ tranh chấp, khiếu kiện xảy ra tại các địa phương

là tranh chấp đất đai. Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ


Khi con gái đòi quyền thừa kế

Năm 2008, thị trấn Quang Minh được thành lập kéo theo cơn lốc đô thị hóa. Đất nông nghiệp dần bị thu hẹp nhường chỗ cho khu công nghiệp, đất dự án. Lao động từ khắp nơi đổ về tìm việc làm, cơ sở kinh doanh dịch vụ mọc như “nấm gặp mưa” kéo theo việc tăng nhanh của giá đất. Từ đây, trong cộng đồng dân cư bắt đầu phát sinh nhiều mâu thuẫn về tranh chấp quyền thừa kế, sử dụng đất đai. Đơn cử, bà Ngô Thị Tuyết, SN 1960 đã theo chồng thoát ly hàng chục năm lên tỉnh Vĩnh Phúc làm kinh tế. Năm 2005, lấy lý do khi bố mẹ còn sống ông T không hiếu thảo, bà Tuyết yêu cầu ông T phải cắt một phần miếng đất xây nhà thờ cho bà quản lý. Sau những lần thương lượng không thành, hai anh em ruột xảy ra xô xát, từ mặt nhau và ròng rã 6 năm trời đưa đơn đi kiện.

Cụ Đặng Văn Miền, hơn 70 tuổi, nhà ở thị trấn Quang Minh tâm sự, chứng kiến cảnh con cháu ra vào nhìn nhau gầm ghè, hàng xóm đánh chửi nhau vì miếng đất mà thấy đau xót lắm. Giá trị văn hóa, nền nếp gia đình bỗng chốc bị đảo lộn vì lợi ích riêng của mỗi người. Với gia đình mình, cụ Miền đã lập di chúc chia đều tài sản cho các con để tránh cảnh ‘gà cùng mẹ đá nhau”.

Cách đây 10 năm, xã Quang Minh đất rất rẻ. Thời đó, người ta có thể cắt mấy chục mét đất cho nhau để được trở thành làng xóm tối lửa tắt đèn. Nhưng cơn sốt đất cộng với lợi ích cá nhân của con người đã kéo theo nhiều hệ lụy từ việc mất an ninh trật tự xóm làng đến sứt mẻ tình cảm anh em trong gia đình.

Khó nhưng vẫn có cách

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quang Minh cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay là những quy định chưa chặt chẽ trong một số các văn bản pháp luật về công tác hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai. Trong khi hầu hết các vụ tranh chấp, khiếu kiện xảy ra tại các địa phương là liên quan đến đất đai.

Theo quy định tại khoản 1 điều 135 Luật đất đai năm 2003: “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải cơ sở…”. Xác định lợi ích của việc hòa giải cấp cơ sở, CAH Mê Linh tham mưu cho UBND Thị trấn Quang Minh thống kê những tồn tại, phân loại theo vụ việc để kết hợp giải quyết. Với phương châm “mềm nắn, rắn buông”, lực lượng CSKV ngoài nhiệm vụ nắm bắt nhanh tình hình trong nội bộ nhân dân còn tiến hành hòa giải nhanh, triệt để những mâu thuẫn mới phát sinh. Yêu cầu các hộ dân đang trong quá trình tranh chấp đất đai phải giữ nguyên hiện trạng, cấm lấn chiếm, xây dựng cũng như có hành vi gây rối TTCC. Đối với những đối tượng có hành vi côn đồ, đe dọa tính mạng của người khác sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Ban chỉ huy CAH Mê Linh cũng cho biết, sự phát triển của những mô hình dòng họ tự quản cũng là cách hữu hiệu giảm dần các vụ tranh chấp đất đai. Trong đó, nền nếp gia đình được mọi người gìn giữ. Những khúc mắc sẽ do các thành viên có vị trí trong dòng họ giải quyết một cách thấu tình đạt lý. Mỗi thành viên nhường nhịn nhau để giữ lấy hòa khí gia đình, làng xóm. Từ cái gốc văn hóa đó, hình thành cho mỗi thành viên cách ứng xử đẹp với cuộc sống.