Giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng (Bài 3): “Gột rửa tất cả những gì có thể chia rẽ chúng ta…”

ANTD.VN - Đoàn kết là sức mạnh của Đảng, là chìa khóa mở ra những cánh cửa thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Hiện nay, cả nước đang tăng tốc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong đó, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống tính trị đang được tổ chức triển khai một cách gấp rút. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu trước mắt cũng như bảo đảm sự thành công của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững sự luôn kết vẫn luôn là yêu cầu cốt yếu.

Khi viết tác phẩm “Hồ Chí Minh - Tinh hoa và khí phách của dân tộc”, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chia sẻ: Học tư tưởng đoàn kết dân tộc của Bác là “gột rửa tất cả cái gì có thể chia rẽ chúng ta, trau dồi tất cả cái gì thắt chặt chúng ta”. Điều gì có thể chia rẽ chúng ta? Xin thưa, đó là những sai lầm, hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ; đó là việc cán bộ, đảng viên do thiếu tu dưỡng, rèn luyện mà mắc phải căn bệnh “hẹp hòi”, “ba hoa”, sa vào “chủ nghĩa cá nhân”, “ích kỷ”, “hủ hóa”; đó là tình trạng xa rời các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng…

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”

Cần “gột rửa tất cả cái gì có thể chia rẽ chúng ta”

Sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng sử dụng hai câu thơ nổi tiếng trong Truyện Kiều để nói về việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ: “Khen cho con mắt tinh đời, anh hùng đoán giữa trần ai mới già”. Suy rộng ra, không chỉ riêng trong việc lựa chọn cán bộ, ngay từ khâu tuyển lựa, thử thách, huấn luyện các quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng, chúng ta cũng phải có con mắt thực sự “tinh đời”. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”.

Mỗi đảng viên là một tế bào cấu thành nên sự đoàn kết trong Đảng. Vì vậy, chúng ta phải có những đảng viên thực sự nhiệt huyết, trung thành với lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc lên trên hết. Mỗi đảng viên phải là những người có phẩm chất đạo đức trong sáng và ý thức tổ chức kỷ luật tốt; kiên định trước mọi khó khăn, thử thách. Chúng ta tạo điều kiện thuận lợi để những quần chúng ưu tú đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng đồng thời cũng phải có sự gạn lọc, không để lọt vào Đảng những cá nhân có mục đích thiếu trong sáng, vào Đảng để “làm quan cách mạng”, “thăng quan phát tài”. Đặc biệt, khi lựa chọn đảng viên để bố trí vào những vị trí quan trọng, từng cấp ủy cần quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác: “Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo”.

Trong mọi hoạt động, các tổ chức đảng phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Có đảng viên tốt là nền tảng quan trọng và thuận lợi. Tuy nhiên, để sự đoàn kết trong Đảng luôn được giữ vững thì từng cấp ủy, trước nhất là người đứng đầu phải luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động, trở thành hạt nhân đoàn kết đảng viên. Bên cạnh đó, mỗi đảng viên phải có được cơ hội phát triển công bằng, bình đẳng, được tham gia đóng góp tài năng, trí tuệ vào việc xây dựng Đảng, được khẳng định chính mình. Những quyết sách của từng cấp đảng phải được thảo luận công khai theo quy định, tạo sự đồng thuận ngay từ ban đầu, kiên quyết loại bỏ tình trạng áp đặt quan điểm, chia bè kéo cánh trong nội bộ.

Cùng với đó, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai quyết liệt nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Năm 1957, khi nói chuyện với cán bộ, đảng viên và thanh niên lao động Hải Phòng, Bác đã chỉ rõ: “Đoàn kết không phải ở bề mặt, bề miệng như nay xi-nê, mai bát phở”, “Muốn đoàn kết chặt chẽ là phải thật thà tự phê bình, thành khẩn phê bình đồng chí và những người xung quanh, phê bình, tự phê bình để cùng nhau tiến bộ, để đi đến càng đoàn kết”4. Sau đó 1 năm, khi trao đổi tại hội nghị mở rộng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bác cũng nhắc nhở “đoàn kết thực sự nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí” và “đoàn kết thực sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau”.

Mỗi đảng viên cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm của bản thân mình, cầu thị lắng nghe ý kiến nhận xét, đánh giá của những người xung quanh để sửa chữa, khắc phục. Song song đó, mỗi người cũng phải chân thành đóng góp ý kiến, nhắc nhở đồng chí, đồng đội khi họ có sai lầm, khuyết điểm để kịp thời rút kinh nghiệm, sửa chữa và tiến bộ. Việc phê bình phải thực hiện trên tinh thần đóng góp, xây dựng.

Cuối cùng, muốn Đảng mạnh cần có kỷ luật nghiêm minh. Ngay từ thời kỳ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu “mời” những người “phê bình, giáo dục mấy cũng cứ ỳ ra, không chịu sửa đổi” ra khỏi Đảng. Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tập trung rà soát, sàng lọc đội ngũ đảng viên ngay từ các chi bộ, đối với những trường hợp không còn đủ tư cách đã kiên quyết đưa ra khỏi Đảng. Nhất là đối với những đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự, chúng ta đã xử lý đồng bộ, nhanh chóng giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự. Chính kỷ luật nghiêm minh đã tạo nên uy tín của Đảng, củng cố niềm tin trong nội bộ.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Gần 60 năm trước, Bác Hồ đã chia sẻ: “Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên. Hiện nay, nước ta có hơn 5 triệu đảng viên. Tuy nhiên, trong số này không phải tất cả đều có “tính đảng”, đều đoàn kết với đồng chí, đều gắn bó với nhân dân. Ngày 30-10-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết số 04, Đảng thẳng thắn chỉ ra thực trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ diễn ra không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04, mặc dù công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được nhiều thành công nhưng chúng ta vẫn chưa giải quyết được tận gốc việc một số cấp ủy, tổ chức đảng mất đoàn kết nội bộ, xảy ra cục bộ, lợi ích nhóm. Nói vậy để thấy, việc giữ vững đoàn kết vẫn luôn là nhiệm vụ không thể xao nhãng, lơ là.

Giữ vững đoàn kết trong Đảng vừa là nhiệm vụ lâu dài vừa là nhiệm vụ cấp bách. Thời gian qua, Đảng ta đã triển khai nhiều văn bản chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng như: Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21-1-2019 của Ban Chấp hành Trung ương về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới… Đồng thời, Đảng cũng mở nhiều đợt phát động thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh đoàn kết. Đây là những cơ sở quan trọng để Đảng ta tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao sức chiến đấu và củng cố đoàn kết nội bộ.

Đảng ta nhận thấy rõ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn diễn biến phức tạp. Đây là thách thức đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ cũng như vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta. Vì vậy, mỗi đảng viên phải nhận thức sâu sắc hơn nữa trách nhiệm của bản thân khi đứng trong hàng ngũ của Đảng, phải không ngừng rèn luyện để nâng cao năng lực công tác cũng như bản lĩnh chính trị, vững danh dự, lòng tự trọng của đảng viên. Đi liền với đó, qua sinh hoạt, công tác, mỗi đảng viên phải bảo vệ cái đúng và kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện suy thoái, biến chất, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam

Phát huy sức mạnh muôn người như một để đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc!

Hiện nay, toàn hệ thống chính trị đang tập trung đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Đây là cuộc cách mạng có ý nghĩa quyết định đến việc khơi thông các “điểm nghẽn” về thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự vươn lên mạnh mẽ với những bước tiến vượt bậc của đất nước trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc không có gì khác là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phát triển theo chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu.Tuy nhiên, bất cứ cuộc cách mạng nào cũng cần sự “hi sinh”. Chia sẻ về điều này, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: “Nhiệm vụ sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức. Do đó, đòi hỏi sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung”. Theo dự kiến, khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị ảnh hưởngtrong đợt tinh gọn bộ máy lần này. Bởi vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận sức sâu sắc trách nhiệm của bản thân, luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, đoàn kết, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, mọi người cần đoàn kết thực sự và giúp nhau cùng tiến bộ…”. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam”. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, khi bước vào kỷ nguyên mới, với sự hội nhập sâu rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, chúng ta cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng; với tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc” và khát vọng vươn lên của đất nước Việt Nam anh hùng; với sức mạnh đoàn kết, nhất trí, muôn người như một; với tình đoàn kết quốc tế trong sáng,chắc chắn đất nước ta sẽ vượt qua mọi rào cản, vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.