Giáo viên Peru bị sát hại ngay trước mặt học sinh

ANTD.VN -  Nhiều người dân Lima hô vang khẩu hiệu đòi công lý bên ngoài trường học của con mình sau khi một giáo viên bị sát hại trước mặt học sinh. Đây là ví dụ mới nhất và gây sốc nhất về làn sóng bạo lực băng đảng ở Thủ đô Peru.

Hình ảnh trích từ camera giám sát về vụ việc xảy ra đầu tuần trước cho thấy, đám trẻ hoảng loạn chạy vào bên trong trường khi thầy giáo Julio César Pacheco nằm gục bên trong cánh cổng kim loại màu xanh của trường Julio C Tello nằm trên khu phố Ate Vitarte - chủ yếu cư dân là tầng lớp lao động ở phía Đông Thủ đô Lima. Ông đã bị một tay súng bắn chết khi giả vờ là người chuyển giấy tờ.

Hiện trường vụ án mạng ngay tại cổng trường học ở Lima

Vụ giết người diễn ra vào ban ngày cho thấy làn sóng tội phạm, phần lớn là nạn tống tiền và giết người, gia tăng tại đây. Trong vòng chưa đầy 12 giờ đồng hồ hôm 8-10, chỉ tính riêng Thủ đô Lima đã xảy ra 7 vụ giết người, mặc dù tình trạng khẩn cấp đã kéo dài 2 tháng ở 14 quận.

Cuộc khủng hoảng đã châm ngòi cho cuộc đình công kéo dài 2 ngày khi người dân bày tỏ sự tức giận trước những gì họ cho là thực thi pháp luật yếu kém, chính phủ không được lòng dân và luật chống tội phạm không hiệu quả.

Tham gia đình công là những người lái xe buýt, người bán hàng rong, nghệ sĩ, thợ làm tóc, thậm chí cả nhân viên nhà bếp từ thiện… Tất cả bọn họ đều là mục tiêu của các băng đảng đòi tiền bảo kê với lời đe dọa bị tấn công bằng lựu đạn hoặc thậm chí là tử vong.

Theo một thống kê, khoảng một nửa trong số 23.000 chủ cửa hàng ở Lima bị tống tiền, phải trả từ 25 đến 1.000 USD/tháng; 7 trong số 10 công ty vận tải thực hiện cũng phải nộp tiền bảo kê trung bình là 4.000 USD/tháng. Trong khi đó, 300 công trường xây dựng đã bị dừng lại hoặc bị đe dọa bằng bạo lực; 24 nhà lãnh đạo công đoàn đã bị sát hại kể từ năm 2011, theo Liên đoàn Công nhân Xây dựng Dân dụng Peru.

Trong một cuộc tuần hành tuần qua, những người biểu tình đã hô vang: “Họ đang giết chúng tôi”. Hiểu theo nghĩa bóng, tội phạm đang dồn ép họ về mặt kinh tế, vì nạn nhân tống tiền chủ yếu là những người lao động không chính thức kiếm sống qua ngày bằng số tiền họ kiếm được để nuôi sống bản thân và gia đình.

“Tống tiền không nhằm vào các lĩnh vực có năng lực kinh tế cao. Nó chủ yếu tập trung vào vùng ngoại vi, nơi hầu như không có sự kiểm soát hoặc sự hiện diện của các cơ quan thực thi pháp luật”, ông Erika Solis, một chuyên gia về tội phạm và bạo lực, đồng thời là nhà nghiên cứu tại Đại học Công giáo Giáo hoàng Peru, cho biết.

Phản ứng về việc này, Tổng thống Dina Boluarte tuyên bố sẽ thực thi các biện pháp bao gồm tăng án tù và triển khai quân đội trên đường phố để chống lại “chủ nghĩa khủng bố đô thị”. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Solis cho rằng “liều thuốc ngắn hạn” này sẽ không phải là biện pháp hiệu quả và kịp thời.

Peru đề xuất giải pháp triển khai binh sĩ trên đường phố để kiềm chế tội phạm

Hơn nữa, luật pháp Peru quy định rằng, để bắt giữ nghi phạm hình sự, cảnh sát và công tố viên phải đợi đại diện pháp lý của họ có mặt. Trên thực tế, điều dẫn đến thời gian chờ đợi khá lâu, trong lúc đó nghi phạm tiêu hủy bằng chứng hoặc làm cản trở quá trình này.

“Lục soát, bắt giữ là cơ chế điều tra đòi hỏi sự bất ngờ, nhưng luật hiện nay không cho phép điều đó”, chuyên gia tội phạm học Solis nhận định và nói thêm rằng luật này được khởi xướng bởi “những quan chức đang bị điều tra về tội tham nhũng”.

Hồi tháng 4-2024, bản thân Tổng thống đương nhiệm Dina Boluarte cũng đã bị đột kích, lục soát nhà riêng trong vụ điều tra các cáo buộc xoay quanh bộ sưu tập đồng hồ Rolex và đồ trang sức xa xỉ của bà.