Giảm tốc độ tối đa trong khu dân cư còn 30km/h để giảm tai nạn, có cần thiết?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một lần nữa, việc giảm tốc độ lưu thông tối đa trong khu dân cư để giảm TNGT lại được đưa ra, một số ý kiến cho rằng, nên giảm xuống mức 30km/h thay vì 50km/h như hiện nay. 

TNGT khu vực đô thị cao hơn nông thôn

Tại hội thảo trực tuyến quản lý các yếu tố có nguy cơ cao dẫn đến TNGT do Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức vừa qua, nhiều đề xuất được đưa ra để quản lý hành vi nguy hiểm của người lái xe, giảm TNGT.

Trong đó, có đề xuất đáng lưu ý, cần phải có giải pháp quản lý chặt tốc độ phương tiện, trong đó có thể giảm tốc độ tối đa trong khu đông dân cư từ 50 km/h hiện nay xuống 30 km/h.

GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT cho hay, TNGT đường bộ đang chiếm tỷ lệ hơn 90%. Trong số nhiều nguyên nhân gây tai nạn, vi phạm tốc độ luôn chiếm tỷ lệ cao.

Nhiều ý kiến cho rằng, nên giảm tốc độ lưu thông tối đa qua khu vực đông dân cư còn 30km/h để giảm TNGT

Nhiều ý kiến cho rằng, nên giảm tốc độ lưu thông tối đa qua khu vực đông dân cư còn 30km/h để giảm TNGT

Theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, nếu tăng tốc độ trung bình 1 km/h có thể dẫn đến gia tăng 4-5% số vụ TNGT. Ngược lại nếu giảm 5% tốc độ bình quân, có thể giảm đến 30% số vụ TNGT nghiêm trọng. Tốc độ bình quân 80 km/h, khả năng gây ra TNGT cao hơn nhiều so với tốc độ 50 km/h.

Cũng theo GS Sùa, TNGT phụ thuộc nhiều yếu tố như: dân số, diện tích, lãnh thổ, thu nhập đầu người, cơ sở hạ tầng, mức độ cơ giới hóa. Đặc biệt, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam xếp thứ 150 trên thế giới, tỷ lệ dân số sống ở đô thị chiếm hơn 37%. Tuy nhiên, TNGT trong đô thị lại chiếm tỷ lệ lớn so với ở nông thôn.

Đề cập đến việc quản lý tốc độ phương tiện, GS Sùa cho rằng, Việt Nam chưa có chính sách quản lý tốc độ bài bản. Tốc độ giới hạn tại các khu đô thị còn cao, thường là 60 km/h. Thêm nữa, chính quyền đô thị chưa có khả năng áp dụng mức giới hạn tốc độ thấp hơn theo quy định của Luật GTĐB nên không có tốc độ đặc thù các khu vực “nhạy cảm” như trường học, khu đông dân cư.

GS Sùa cho rằng, các dải tốc độ an toàn là 30 km/h, 50 km/h, 70 km/h. Việc giảm tốc độ cho phép của phương tiện cơ giới xuống 30 km/h tại các tuyến đường đông dân cư, trường học, khu vực có nhiều người đi bộ sẽ giảm 26% chấn thương do TNGT.

Giữ nguyên tốc độ như hiện nay là phù hợp?

Cùng chung quan điểm này, TS. Trần Hữu Minh - Chánh Văn Phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, so với mức bình quân của thế giới, việc quản lý tốc độ của Việt Nam đang được đánh giá cao.

“Chúng ta đã có quy định về tốc độ cụ thể, khoảng cách xe cơ giới và các chế tài xử lý vi phạm tốc độ. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ xử phạt “nguội” vi phạm tốc độ trên cao tốc và các tuyến quốc lộ trọng điểm đã phát huy hiệu quả”- ông Minh nêu qua điểm.

Tuy nhiên, theo ông Minh, hiện vẫn còn một số bất cập trong quản lý tốc độ trong khu vực có người đi bộ hay nhóm người dễ bị tổn thương, yếu thế. Dù QC41:2019 đã trao quyền kiểm soát tốc độ tại khu vực này cho chính quyền địa phương nhưng cần có hướng dẫn chi tiết để việc thực thi mang lại hiệu quả.

Đối với các khu vực kiểm soát giao thông tốt, tốc độ phù hợp để giao thông lưu thông nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, phát triển kinh tế xã hội là điều cần thiết. Tuy nhiên, tại các khu vực đông dân cư, trường học, khu vực có nhiều trẻ em cần nghiên cứu để có các giải pháp tổ chức giao thông, trong đó quy định quản lý tốc độ chặt chẽ hơn.

Cũng theo ông Minh, tại nhiều quốc gia phát triển, tốc độ giao thông tại các khu vực đông dân dân cư được quy đinh giới hạn rất thấp (30km/h), đây là kinh nghiệm mà Việt Nam có thể thao khảo.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, chưa có cơ sở khoa học để chứng minh về tốc độ giới hạn 50km/h trong khu dân cư, khu đô thị gây TNGT cao hơn so với tốc độ 30km/h. Hơn nữa, tại các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… phương tiện muốn di chuyển nhanh cũng không được thì lưu lượng quá đông.

Ông Nguyễn Văn Thanh (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam) cho rằng, hiện đường đã được mở rộng, phương tiện tốt, hệ thống đèn tín hiệu tốt… do đó không nên giảm tốc độ.

Theo ông Thanh, không thể giảm tốc độ giới hạn là giảm được TNGT, mà tốc độ càng chậm sẽ càng ùn tắc giao thông. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Nếu tuân thủ đúng các quy định của Luật Giao thông đường bộ sẽ giảm được TNGT và như vậy việc giữ nguyên quy định tốc độ 50km/h hiện nay là hợp lý.