Giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm, lương hưu tính thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều người lao động băn khoăn, nếu đề xuất này được thực hiện, thì lương hưu của họ sẽ được tính thế nào?

Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm

Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm. Nhiều ý kiến băn khoăn, khi giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm thì lương hưu tính thế nào?

Theo Điều 71 và Điều 105 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới, dù tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động cũng đều có cơ hội được hưởng lương khi đã tích lũy đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Theo cơ quan soạn thảo, quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hàng tháng.

Việc sửa đổi bổ sung chính sách hưu trí này cũng góp phần hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội của Nghị quyết số 28-NQ/TW, để ngày càng có thêm nhiều người hơn được hưởng lương hưu, đồng thời cũng khuyến khích người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hàng tháng thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Mức hưởng lương hưu sẽ thay đổi thế nào?

Cùng với việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội, cách tính mức hưởng lương hàng tháng cũng có sự điều chỉnh để phù hợp với đề xuất mới.

Cụ thể, căn cứ Điều 73 và Điều 106 dự thảo sửa Luật Bảo hiểm xã hội, mức hưởng lương hưu hàng tháng vẫn được tính theo công thức cũ nhưng cách tính tỷ lệ hưởng đã có sự điều chỉnh.

Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội

Trong đó, tỷ lệ hưởng được xác định theo số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

Tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam: Đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm: Tỷ lệ hưởng = Số năm đóng bảo hiểm xã hội x 2,25%

Đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên: Đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội được hưởng 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. Mức hưởng tối đa là 75%.

Tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nữ: Đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội thì được hưởng 45%. Sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. Mức hưởng tối đa là 75%.

Trước những lo ngại về việc mức hưởng lương hưu thấp và gia tăng số lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi giảm năm đóng, cơ quan soạn thảo cho hay, giảm năm đóng chủ yếu hướng đến nhóm tham gia bảo hiểm xã hội muộn, thường có thời gian đóng dưới 20 năm.

Như vậy, mức lương hưu chắc chắn sẽ phải thấp hơn nhóm đóng trên 20 năm, rõ ràng mức lương hưu cao hay thấp còn phụ thuộc vào thời gian đóng dài hay ngắn.

Tuy nhiên, nếu xem xét so với trước đây nhóm đóng dưới 20 năm không có điều kiện hưởng lương hưu thì nay họ sẽ cơ hội hưởng lương hưu, dù mức thấp vẫn tốt hơn không có.

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 5 triệu người cao tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó, 2,7 triệu người hưởng lương hưu; 640.000 người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Khoảng 9,6 triệu người trên 60 tuổi không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào và dự báo tăng lên 13 triệu vào năm 2030.