Giảm nghèo bền vững

ANTĐ - Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động và xã hội năm 2013, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, những kết quả đạt được trong lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội đã đóng góp quan trọng vào sự ổn định trong năm 2012. Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tập trung làm quyết liệt hơn nữa công tác giảm nghèo, nhất là giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc. Nghiên cứu đánh giá các tiêu chí về hộ nghèo để có các hình thức hỗ trợ phù hợp, đúng đối tượng, tiếp tục có các biện pháp hiệu quả để hỗ trợ các hộ cận nghèo, tránh tình trạng tái nghèo. 

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, dân số cả nước năm 2011 là 87,8 triệu người, GDP thu nhập đầu người đạt 1.600 USD. Tuy nhiên, tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cho rằng, GDP danh nghĩa của Việt Nam năm 2012 đạt 135,9 tỷ USD và năm 2013 dự kiến đạt 150 tỷ USD, như vậy thu nhập đầu người theo GDP là chưa cao. Vị chuyên gia lo ngại, tỷ lệ nghèo của Việt Nam thậm chí còn cao hơn gấp đôi so với báo cáo chính thức của Chính phủ là 10% trong năm 2012.

Căn cứ theo chuẩn nghèo của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo của Việt Nam thậm chí còn cao hơn gấp đôi so với báo cáo chính thức của Chính phủ là 10% trong năm 2012. Căn cứ theo chuẩn nghèo của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo của Việt Nam lên tới 20,7% trong năm 2011. Tỷ lệ nghèo đặc biệt cao ở một số vùng như Tây Bắc 60%, Đông Bắc gần 38% và Tây Nguyên 33%.

Trong báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo, trong gần hai thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam được thế giới biết đến như một điển hình về tăng trưởng và giảm nghèo, thế nhưng hiện đang rơi vào tình trạng: tăng trưởng thấp kéo dài, phát sinh những lĩnh vực rủi ro mới và bất bình đẳng gia tăng. Sau thời kỳ tăng trưởng ngoạn mục ở mức 8,3 %/năm trong giai đoạn 2003-2007, nay nền kinh tế dường như “kiệt sức”, tốc độ tăng trưởng giảm xuống dưới 6% trong giai đoạn 2008-2011 và giảm xuống mức 5,2% trong 2012, mức thấp nhất trong vòng 14 năm qua. Nhóm tác giả chủ biên bản báo cáo nhận xét rằng, không một ai, kể cả những người lạc quan nhất đặt hy vọng nền kinh tế có khả năng quay trở lại thời kỳ “huy hoàng” với tốc độ tăng trưởng GDP trên 6% trong tương lai gần.

Trong khi đó, nhiệm vụ giảm nghèo của Việt Nam càng trở nên khó khăn, thách thức lớn hơn. Điều đáng lo ngại là, nhóm người trong diện nghèo lại thường sống ở nông thôn, ở khu vực xa xôi, hẻo lánh. Chẳng những trình độ hạn chế mà từ tay nghề cho đến công ăn, việc làm của họ càng hạn hẹp hơn. Trong số 10 triệu hộ gia đình thoát nghèo thập kỷ vừa qua, nhiều hộ chỉ đạt mức thu nhập nhỉnh hơn chuẩn nghèo một chút, họ luôn mấp mé bên bờ tái nghèo bất cứ lúc nào.

Mục tiêu mà ngành lao động - xã hội đề ra trong năm 2013 là tạo việc làm cho 1,6 triệu người, giảm 2% hộ nghèo của cả nước, trong đó các huyện nghèo giảm 4% so với năm 2012. Còn các chỉ tiêu về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, trong khi hiện cả nước còn hơn 81% hộ cận nghèo chưa biết đến bảo hiểm y tế là gì. Giảm nghèo bền vững là yêu cầu được đặt ra, nhưng cần có câu trả lời thỏa đáng.