Giảm chi phí xây dựng nhà ở xã hội, duy trì mức lãi suất ưu đãi cho người mua

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng nhu cầu nhà ở xã hội còn rất cao nhưng muốn đến được với người có nhu cầu thực sự, cần giảm chi phí xây dựng.
Nhu cầu nhà ở xã hội rất cao nhưng tiếp cận vẫn khó

Nhu cầu nhà ở xã hội rất cao nhưng tiếp cận vẫn khó

Ban IV cho biết, ngày 3-4-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Đề án 338).

Theo Ban IV, việc triển khai Đề án 338 có thể diễn biến theo 2 hướng: Nếu các hạn chế, bất cập đã chỉ ra trong Đề án không thể khắc phục trong thời gian ngắn thì kết quả Đề án 338 có thể không đạt mục tiêu kỳ vọng;

Trường hợp các hạn chế, bất cập liên quan quy định pháp luật và thực thi được khắc phục, Đề án 338 thành công với ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030, thì nguồn cung này cũng chưa bằng 50% so với nhu cầu thực tế (khoảng 2,4 triệu căn - theo Đề án).

Do đó, Ban IV đề xuất 3 nhóm giải pháp để có thể đạt được mục tiêu trên.

Một là, về nhóm giải pháp để cung cấp quỹ đất sạch, khả thi cho các dự án nhà ở xã hội.

Ban IV cho rằng các địa phương bố trí quỹ đất sạch cho các dự án nhà ở xã hội độc lập thay vì dựa vào quỹ đất 20% ở các dự án nhà ở thương mại/khu đô thị đang/sẽ triển khai trên địa bàn; tuân thủ nguyên tắc về vị trí, địa điểm đồng thời công bố công khai đẩy đủ và minh bạch thông tin về diện tích, vị trí, đặc điểm khu đất dành để phát triển nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá nhu cầu nhà ở xã hội theo từng địa phương, chú trọng phát triển nhà ở xã hội trước hết cho khu vực đô thị, đặc biệt là đô thị đặc biệt và các vị trí có các khu công nghiệp tập trung.

“Với bảng giá đất và chi phí xây dựng như hiện nay, các dự án xây dựng nhà ở xã hội tại các thành phố lớn sẽ gặp nhiều thách thức vì tổng chi phí đầu vào rất cao (ví dụ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai...). Tuy nhiên, đây cũng lại là các tỉnh, thành phố có đông doanh nghiệp, đông người lao động và nhu cầu thuê/mua nhà ở xã hội rất cao”- Ban IV phân tích.

Hai là, nhóm giải pháp để giảm thiểu chi phí xây dựng cho các dự án nhà ở xã hội. Ban IV cho rằng các địa phương tập trung thực hiện theo 3 giai đoạn quan trọng gồm: Xác lập quỹ đất sạch, khả thi, hợp lý để phát triển nhà ở xã hội; Giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật/xã hội nền tảng, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; Hoàn tất thủ tục đầu tư, xây dựng, giao đất để triển khai dự án nhà ở xã hội.

Ba là, nhóm giải pháp để hỗ trợ tín dụng hiệu quả cho các dự án nhà ở xã hội. Ban IV đề xuất đó là Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu phân bổ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng hợp lý để duy trì mức lãi suất ưu đãi không quá 8,7% cho chủ đầu tư trong ít nhất 2 năm đầu thực hiện Đề án 338;

Duy trì mức lãi suất ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội ổn định dưới 8% trong thời gian ưu đãi tối thiểu 10 năm, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, cải thiện mạnh mẽ các điều kiện, quy trình tiếp cận vốn vay hiện hành cho người mua nhà ở xã hội; chú trọng vai trò bảo lãnh của doanh nghiệp cho người lao động.

“Mức lãi suất ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội ổn định dưới 8% trong thời gian ưu đãi tối thiểu 10 năm là phù hợp với phần lớn đối tượng người lao động có thu nhập chưa tới mức chịu thuế thu nhập cá nhân để tham gia mua được các dự án nhà ở xã hội”- Báo cáo của Ban IV nêu.